Tham dự Tọa đàm về phía Dự án JICA còn có ông Sakai Naoki, ông Tsukahara Masanori chuyên gia Dự án JICA; về phía Tổng cục Thi hành án dân sự, có bà Trần Thị Phương Hoa - Quyền Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Vũ Tiến Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; đại diện Vụ 11, Vụ 12 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo Phòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Lãnh đạo 07 Chi cục thuộc Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và các đồng chí là Thẩm tra viên, Chuyên viên Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2, Vụ Nghiệp vụ 3 và Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã cảm ơn phía Dự án JICA trong thời qua đã hỗ trợ Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến xây dựng văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, cảm ơn Dự án JICA đã tài trợ cho Tổng cục tổ chức Tọa đàm góp ý Dự thảo “Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự”. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh nội dung và mục đích của việc tổ chức Tọa đàm để đánh giá sự cần thiết phải xây dựng Thông tư và các ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ giúp Tổng cục Thi hành án dân sự sớm hoàn thiện Dự thảo Thông tư.
Về phía Dự án JICA Nhật Bản, ông Matsumoto Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án JICA đã phát biểu và ghi nhận những nỗ lực của Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc triển khai các hoạt động do Dự án JICA hỗ trợ. Đánh giá về “Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự”, ông Matsumoto Takeshi cho rằng Thông tư có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Về nội dung Dự thảo Thông tư, ông Matsumoto Takeshi lưu ý, khi xây dựng Thông tư, cần hướng tới mục đích của việc ban hành thông tư, do đó nên quy định cụ thể các trình tự thủ tục mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện khi giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, người dân sẽ giám sát được cơ quan Thi hành án có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không. Nội dung Thông tư cần đảm bảo cho minh bạch, hoạt động thi hành án được thực hiện theo quy chuẩn rõ ràng sẽ giảm thiểu được khiếu nại, tố cáo, tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật, đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng nền lập pháp. Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn mở ra vấn đề về bồi thường, nếu khiếu nại, tố cáo của đương sự là đúng, gây thiệt hại cho đương sự thì phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Tại Tọa đàm, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp phát biểu tham luận về “Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 142 Luật Thi hành án dân sự năm 2008”, các báo cáo viên của Tổng cục Thi hành án dân sự cũng có các bài tham luận: “Quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự”; “Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự”; “Phân biệt khiếu nại và tố cáo trong thi hành án dân sự”; “Giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự”.
Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá chung về tình hình khiếu nại, tố cáo, quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự rất phức tạp và có tính đặc thù riêng cần có quy định và hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng Thông tư là cần thiết, nhằm chuẩn hóa, tạo sự thống nhất và nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự, góp phần giúp Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hệ thống Thi hành án dân sự.
Đóng góp vào Dự thảo Thông tư, đa số các ý kiến nhất trí với tên gọi của Thông tư, bố cục, nội dung của Dự thảo Thông tư. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về đối tượng khiếu nại; về giải quyết khiếu nại, tố cáo khi có văn bản hoãn, tạm đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền; về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với Chấp hành viên đồng thời là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện; điều kiện và trình tự, thủ tục xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng thời, đề Dự thảo Thông tư nên đi sâu hướng dẫn cụ thể quy trình giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, xử lý đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh tránh viện dẫn những quy định của các văn bản pháp luật khác...
Tại buổi Tọa đàm, các Chuyên gia Dự án JICA đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành dân sự tại Nhật Bản và những đặc thù của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xử lý đối với những trường hợp đương sự khiếu nại, sau đó chuyển sang tố cáo; vấn đề thời điểm thụ lý khiếu nại, tố cáo, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm đã tạo điều kiện để các đại biểu có cơ hội học tập kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự từ các chuyên gia Dự án JICA Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận những vấn đề còn vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự một lần nữa cảm ơn Dự án JICA Nhật Bản đã và đang tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói riêng. Đối với các ý kiến góp ý cho Dự thảo“Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự”, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp thu và báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp sớm ban hành đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Hằng
Vụ Giải quyết nại, tố cáo, Tổng cục THADS