Công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Hoà Bình: Vững vàng trên vị thế mới

09/01/2009
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008 và Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27/8/2003 của Tỉnh uỷ Hoà Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), năm 2008, UBND tỉnh Hoà Bình đã tập trung chỉ đạo công tác THADS với quyết tâm đạt và vượt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề ra.


Điều thuận lợi nhất trong công tác THADS  ở tỉnh Hoà Bình là công tác này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong khối nội chính đã hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động THADS. Đội ngũ cán bộ, công chức và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác THADS được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác được giao. Bên cạnh đó, do kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện, cộng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nên đã nâng cao được ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS.

Hiện nay, các cơ quan THADS tỉnh Hoà Bình (bao gồm cơ quan THADS tỉnh và 11 THADS cấp huyện) có tổng biên chế 111/118, trong đó có 35 Chấp hành viên. So với biên chế Bộ Tư pháp giao còn thiếu 07 biên chế. Thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tuyển chọn, bổ nhiệm, các chức chức danh Chấp hành viên, Trưởng, Phó Trưởng thi hành trong toàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, đúng quy định, nên tất cả THADS cấp huyện đều có Trưởng, Phó trưởng THA và có từ 2 Chấp hành viên trở lên. Được Bộ Tư pháp đầu tư về cơ sở vật chất, nên tất cả các cơ quan THADS  từ tỉnh đến cấp huyện đã có trụ sở làm việc độc lập, đáp ứng yêu cầu công tác THADS, trong đó có 2 đơn vị đã được đầu tư xây dựng kho vật chứng. Các đơn vị còn lại tiếp tục được Bộ Tư pháp đầu tư sau khi có mặt bằng trong thời gian tới.

Tranh thủ những điều kiện thuận lợi này, những người làm công tác THADS ở tỉnh Hoà Bình đã bám địa bàn, chủ động trong công tác để đưa ra thi hành các bản án , quyết định dân sự của Toà án nhân dân các cấp với hiệu quả cao nhất, kết thúc năm công tác 2008, Tổng số việc thụ lý trong toàn tỉnh là 3.595, tổng số phải thi hành 3.483 việc Uỷ thác: 112 việc. Qua phân loại, thẩm tra xác minh, số việc có điều kiện thi hành là 2.729; Số chưa có điều kiện thi hành là 754. Kết quả, đã Thi hành xong  2.289 việc; Thi hành đều, thi hành dở dang và đang thi hành là 274 việc; đình chỉ 166 việc. Tỷ lệ số việc thi hành xong (bao gồm Thi hành xong hoàn toàn + thi hành đều + đình chỉ) trên tổng số việc có điều kiện thi hành đạt 93%. Tỷ lệ số việc có điều kiện/số phải thi hành đạt 78%.  Kết quả thi hành án về giá trị (gồm tiền + giá trị tài sản quy đổi): Tổng số thụ lý 17 tỷ 968 triệu 580 ngàn đồng, số có điều kiện thi hành là 8 tỷ 206 triệu 543 ngàn đồng; Số chưa có điều kiện thi hành là 8 tỷ 858 triệu 349 ngàn đồng.  Đã thi hành xong 5 tỷ 378 triệu 598 ngàn đồng, đang thi hành 1 tỷ 168 triệu 346 ngàn đồng; miễn giảm 428 triệu 665 ngàn đồng, đình chỉ 1 tỷ 230 triệu 934 ngàn đồng. Tỷ lệ số tiền thi hành xong +đình chỉ + miễn giảm trên tổng số tiền có điều kiện thi hành đạt 86%. Tỷ lệ số tiền có điều kiện trên tổng số tiền phải thi hành là 48%. Kết quả này vượt 18% về việc và 31% về tiền so với chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề ra và tăng 2% số việc so với năm 2007; tỷ lệ số tiền thực thu/số tiền có điều kiện thu đạt 66% (tăng 11% so với chỉ tiêu Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề ra). Một số đơn vị có kết quả THA về việc cao như: THADS thành phố Hoà Bình đạt tỷ lệ 100%, huyện Lạc Thuỷ đạt 97%, huyện Cao Phong đạt 96% và THADS tỉnh đạt 95%, các đơn vị còn lại đều đạt từ 76% trở lên. Tỷ lệ THA về tiền, dẫn đầu là huyện Tân Lạc đạt 92%, huyện Lạc Thuỷ đạt 84%, huyện Lương Sơn đạt 83%, thành phố Hoà Bình đạt 79%. Trong quá trình THA, các đơn vị luôn thực hiện đúng các quy định của pháp luật, trong đó đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án 13 vụ, nhưng không để xảy ra những vụ việc bức xúc khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh việc đưa ra thi hành những bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực, các cơ quan THADS tỉnh Hoà Bình còn thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra công tác THADS ; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, tiến hành 2 đợt kiểm tra công tác thi hành án tại các cơ quan THADS cấp huyện; tiếp nhận và giải quyết xong 17/17 đơn khiếu nại- tố cáo (ở cấp huyện và cấp tỉnh) không để xảy ra vi phạm, tiêu cực hoặc bức xúc cho người được thi hành án.

        Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những người làm công tác THADS ở tỉnh Hoà Bình vẫn chưa hết băn khoăn, trăn trở khi vẫn còn 22% việc chưa có điều kiện thi hành và 52% tổng số tiền chưa có điều kiện thi hành, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà nước và người được thi hành án. Mà số không có điều kiện này phần lớn lại rơi vào các trường hợp người phải thi hành án đang chấp hình phạt tù; khoản thu dân sự trong các vụ án hình sự chủ yếu là án về ma tuý, đương sự không có tài sản, nguồn thu nhập ổn định để thi hành án; cơ quan, tổ chức doanh nghiệp phải thi hành án bị giải thể; đương sự phạm tội nhiều lần hoặc đi khỏi địa phương không có địa chỉ và các lý do khác. Trong khi đó, tỷ lệ việc được xét miễn, giảm, hỗ trợ thi hành án mới đạt 36% về việc, 18% về tiền, nên việc giảm tỷ lệ số việc và số tiền không có điều kiện thi hành là điều khó có khả năng thực hiện. Chưa kể đến viưệc do hệ thống pháp luật về thi hành án chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến vận dụng không thống nhất, khó thi hành trên thực tế, như: Cưỡng chế trả nhà theo quy định của pháp luật phải phối hợp với chính quyền địa phương bố trí nơi ở cho người bị cưỡng chế, nhưng việc bố trí nơi ở mới cho người phải thi hành án gặp quá nhiều khó khăn; cưỡng chế tài sản xong lại không bán được hoặc việc xác định tài sản riêng trong khối tài sản chung để cưỡng chế và bảo đảm thi hành án gặp khó khăn do con phạm tội nhưng đang ở chung với bố, mẹ. Rồi những khó khăn về thiếu nguồn nhân lực cho công tác THADS  (vì không có người dự tuyển), việc chậm xây dựng kho vật chứng...là những hạn chế mà không thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn.

Để nâng cao hiệu quả công tác THADS  trong năm 2009 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Hoà Bình đang tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp và các ngành hữu quan, cơ quan THADS các cấp thực hiện 8 mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, trong đó trọng tâm hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác THADS, bảo đảm tất cả các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về THADS, chú trọng thuyết phục, vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành, trường hợp đương sự có điều kiện nhưng không thi hành án thì kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan THADS và các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan trong khối nội chính để tổ chức thi hành án có hiệu quả các bản án, quyết định của Toà án; Phấn đấu năm 2009 thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu 75% về việc và 55% về tiền do Bộ Tư pháp giao, làm giảm ít nhất từ 10% đến 15% số việc THADS tồn đọng so với năm 2008. Kiện toàn bộ máy cơ quan THADS các cấp đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án, của Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án. Tin tưởng rằng, với sự kiện Luật thi hành án dân sự vừa được Quốc hội thông qua, cộng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và sự nỗ lực của những người làm công tác THADS trong tỉnh, hiệu quả THADS ở Hoà Bình trong năm 2009 và những năm tiếp theo sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra./.

Ngọc Hoa