Chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự: Cần phối hợp thiết thực hơn!

16/07/2010
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát UBTP QH khóa XII với TP.Hà Nội hôm qua (15/7), các cơ quan chức năng của TP một lần nữa cùng mổ xẻ và làm rõ những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn để cùng bàn cách khắc phục.


Thi hành án “kêu”, Tòa án “từ chối”

Câu chuyện án tồn đọng trong công tác THADS không có gì mới, loanh quanh cũng vì biên chế thiếu, lượng án nhiều, phức tạp,... Ông Lê Quang Tiến (Cục trưởng Cục THADS TP.Hà Nội) cho biết, án tồn đọng còn do TA chuyển án sang cơ quan THA thì cơ quan THA mới ra quyết định THA, nhưng chưa xác minh nên vẫn phải xếp vào diện có điều kiện THA. Hay những trường hợp có điều kiện thi hành vì có tài sản (như nhà đất) lớn hơn nhiều lần nghĩa vụ phải THA nên không kê biên được. Hoặc ngoài lương đương sự không có thu nhập khác. Theo qui định chỉ được khấu trừ không quá 30% thu nhập nên nếu đưa sang diện không có điều kiện THA là không đúng pháp luật, mà phải THA trong nhiều năm mới xong.

Nhưng một nguyên nhân mà THA “đóng đinh” cho tình trạng án tồn đọng là do bản án, quyết định của tòa án (TA) tuyên không rõ ràng. Nhiều vụ việc bị hoãn THA do nhiều lần yêu cầu TA giải thích nhưng THA không nhận được hồi âm. Song Thẩm phán Nguyễn Đức Việt (Tòa Dân sự – TANDTC) lại khẳng định, việc giải thích bản án từ phía TA là “không có vấn đề gì(?!)”.

Dù vậy, theo đại diện VKSND TP, giải thích bản án của TA không kịp thời là “chuyện muôn thủa”. Luật định thời gian để giải thích bản án là 15 ngày, đối với những vụ án phức tạp có thể kéo dài đến 30 ngày, nhưng cơ quan giải thích không thực hiện đúng nên nhiều trường hợp hết 3 tháng không có giải thích.

Không những thế, tình trạng VB giải thích “mỗi lần một kiểu”, lại có thêm câu “để cơ quan THA tham khảo” khiến không chỉ cơ quan THA mà cả kiểm sát viên THA đều “bâng khuâng” không biết phải làm sao. Đó cũng là một khó khăn cho việc tổ chức THA mà VKSND TP đề cập đến.

Công an bảo có, Viện kiểm sát bảo không

Ông Nguyễn Tiến Bình (Tòa Dân sự - TAND TP.Hà Nội) thừa nhận, lâu nay ít quan tâm đến vấn đề án dân sự. Chính TA TP cũng gặp nhiều khó khăn trong các trường hợp nhiều bản án sơ thẩm ly hôn của TATC được phúc thẩm từ năm 1993, nhưng TA TP chỉ nhận được trích lục bản án phúc thẩm mà không ghi năm sơ thẩm, nên khi THA yêu cầu chuyển bản án để xác định vấn đề THA của đương sự thì TATP phải “đầu tư” rất nhiều thời gian để lục hồ sơ, tìm bản án.

Đoàn giám sát đánh giá cao công tác tổ chức cưỡng chế THADS trên địa bàn TP vì không để lại hậu quả, đảm bảo thi hành được vụ án. Nhưng trong khi đại diện Công an (CA) TP khẳng định “Vụ cưỡng chế THA nào CA cũng có lực lượng tham gia” thì VKSND TP lại cho rằng, “có trường hợp, Công an không bố trí được lực lượng nên việc tổ chức cưỡng chế đành phải dừng”. Điều này thể hiện sự phối hợp giữa các cơ quan TP trong công tác THA “có vấn đề”.

Tuy THADS của Hà Nội tổ chức THA đạt tỷ lệ lớn, tích cực cưỡng chế THA (hơn 100 vụ/năm) so với địa phương khác là cao, nhưng đoàn giám sát nhận thấy “cần xem lại” khi còn trên 5.000 việc có điều kiện thi hành mà không cưỡng chế thi hành.

Giải quyết chậm vì thiếu hướng dẫn

Quan tâm đến những vụ việc được miễn giảm tiền án phí và tiền phạt trên địa bàn TP chưa được giải quyết dứt điểm, ông Phạm Quý Tỵ (Phó Chủ nhiệm UBTP của QH) băn khoăn đó là “do sự phối hợp hay do cơ quan THA làm hồ sơ không đầy đủ hoặc TA nhận thức không đầy đủ nên không chấp nhận cho miễn giảm khi THA đề nghị?”.

Ông Tiến thừa nhận thời gian đầu, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các vụ án được miễn giảm tiền án phí, tiền phạt là “tại thiếu VB”. Sau khi Luật THADS có hiệu lực (30/7/2009), Cục THADS TP tập trung rà soát 1.800 vụ việc được miễn nhưng khi chuyển sang TA không chấp nhận vì chưa có VB hướng dẫn của TA cấp trên”. Cho dù các bên TA – VKS – THA đã thiện chí tổ chức họp liên ngành nhưng cũng đành chịu không dám” ký văn bản hướng dẫn vì không có thẩm quyền” nên ngành nào lại tự lo việc ngành ấy”.

Nhưng đến 23/5/2010, BTP-VKS-TA đã có Thông tư liên tịch hướng dẫn vấn đề này nên ông Tiến khẳng định, sẽ triển khai quyết liệt đến 30/9 (kết thúc năm công tác) giải quyết triệt để, không còn tồn đọng.

Nhìn chung, đoàn giám sát đã đánh giá cao sự phản ánh tương đối đầy đủ, khá chính xác về tình hình chấp hành PL trong THADS của các cơ quan chức năng TP. Ông Tỵ nhấn mạnh, Hà Nội có một số hoạt động hơi khác các địa phương khác do đặc thù HN có lượng việc lớn (khoảng 38.000 vụ/năm), nhiều vụ việc phức tạp, nhưng nhờ có những VB hướng dẫn “đôi khi đi trước qui định của TƯ” nên đã giải quyết được những vướng mắc trong công tác THADS, cũng như có hỗ trợ cho các cơ quan TP khi các cơ quan này vẫn gặp nhiều khó khăn./.

Huy Anh