Công tác thi hành án dân sự cần lắm những cán bộ tư pháp xã đảm đang

01/09/2010
Về công tác ở xã Nghĩa Thương, trong mỗi chúng tôi lúc nào cũng yên tâm, tin tưởng, không chỉ vì Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể cùng tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của xã mà còn vì sự nhiệt tình, năng nổ của đồng chí Trần Văn Phúc - cán bộ tư pháp xã.


Chúng ta đã biết công chức Tư pháp xã giải quyết một khối lượng công việc nặng nề, vậy có cách nào để vượt qua sự quá tải và áp lực công việc, của gia đình đối với một cán bộ trẻ? Một lãnh đạo xã đã chia sẻ với chúng tôi: đó là sự cần cù chịu khó. Anh ấy đã vượt qua khó khăn thách thức từ công việc và gia đình; vừa làm vừa học, học ở lãnh đạo, học ở đồng nghiệp và cái chính là học ở công việc hàng ngày. Cách đây hơn mười năm, anh được UBND xã cử đi học lớp trung cấp pháp lý do Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi mở dành riêng cho cán bộ Tư pháp xã, phường. Đến nay anh đã học xong tốt nghiệp Đại học Luật. Tuy vừa học vừa làm nhưng năm nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng đội tin yêu, lãnh đạo xã đánh giá cao về trình độ, năng lực cũng như trách nhiệm đối với công việc.

Trong những ngày trực tiếp làm việc, anh tâm sự với chúng tôi rằng: tình thương, trách nhiệm của lãnh đạo xã là động lực để anh vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Một mình vừa lo công việc gia đình, vừa công việc cơ quan, nhưng lúc nào cái “tình thương, trách nhiệm” của lãnh đạo xã cũng luôn gần gũi, gắn bó bên anh, tạo cho anh sự lạc quan, yêu đời mà vượt lên chính mình. Anh nói, về chuyên môn những việc có đầy đủ chứng cứ thì giải quyết luôn. Những vụ việc về tranh chấp khiếu nại, nếu giải thích động viên mà đối tượng hiểu, cam kết cùng nhau thực hiện thì lập biên bản hòa giải thành. Nếu hòa giải tại cơ quan không thành, anh vận động các hội đoàn thể của xã cùng anh tranh thủ thời gian vào buổi trưa hoặc buổi tối đến tại gia đình để giải thích động viên, yêu cầu mọi người phải chấp hành các qui định của pháp luật, giữ tình làng nghĩa xóm. Vì thế mà trong những năm qua không có việc khiếu kiện đông người và vượt cấp, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn xã nhìn chung là tốt.

Về công tác thi hành án dân sự, anh tâm sự với chúng tôi: Trong những ngày đầu khi được tiếp cận với công việc, mình nghĩ nó nhẹ nhàng, đơn giản giống như luật đã định “Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, mọi tổ chức công dân phải chấp hành”. Nhưng thực tế, từ ngày cùng các anh đi giải quyết các Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân, mình mới nhận ra rằng: nó vô cùng khó khăn, phức tạp... Từ nhìn nhận và tiếp xúc làm việc với đương sự cùng các anh cơ quan thi hành án, tôi tranh thủ mọi thời gian có thể đến gia đình của người phải thi hành án để giải thích động viên, thuyết phục họ tự nguyện thi hành án; vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, sống tuân thủ hiếp pháp và pháp luật, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm. Trong nhiều năm liền trên địa bàn xã Nghĩa Thương không phải cưỡng chế thi hành án một vụ việc nào, trên 80% các Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân được công dân tự nguyện thi hành án.

Thật cảm động khi chúng tôi đặt vấn đề đến thăm gia đình mới nhận ra lãnh đạo địa phương chưa nói hết về anh: hoàn cảnh gia đình anh hết sức khó khăn, vợ bị bệnh tim hàng tháng phải đi điều trị, con nhỏ, mẹ già. Một mình anh lăn lội với công việc đồng áng, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương giao phó.

Từ những đóng góp tích cực của anh cho công tác tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng đã toát lên tính đảm đang của một cán bộ tư pháp xã. Trong thời đại hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác do Đảng và Nhà nước giao, chúng tôi - những người làm công tác thi hành án dân sự rất cần những cán bộ tư pháp đảm đang như anh./.

Tấn Quang – Huy Ân