Mục đích của đợt kiểm tra là nhằm đánh giá công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Chi cục và trình độ năng lực giải quyết án của Chấp hành viên; đánh giá thực hiện chế độ kế toán, làm rõ những mặt làm được, làm đúng quy định, những mặt chưa làm được hay chưa đúng quy định, những tồn tại cần khắc phục từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, các giải pháp hay trong công tác của từng đơn vị để phát huy trong toàn tỉnh. Ghi nhận những kiến nghị đề xuất, vướng mắc trong quá trình giải quyết nghiệp vụ để giải quyết theo thẩm quyền.
Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của đơn vị;
- Kiểm tra toàn bộ hồ sơ, sổ sách nghiệp vụ Thi hành án;
- Kiểm tra công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án;
Thời điểm lấy số liệu từ ngày 01/10/2009 đến 30/6/2010.
Kiểm tra việc xác minh phân loại án, áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án; việc thu, nộp, chi trả tiền trong thi hành án; việc thu nộp phí và xử lý phí thi hành án; việc giao nhận bảo quản và xử lý tang vật; tập trung kiểm tra những vụ việc chủ động thi hành án thu cho ngân sách nhà nước…. Việc miễn giảm theo Thông tư 02/TTLT ngày 17/6/2005 của TANDTC-VKSTC-BTP-BTC; Nghị quyết 24/2008/QH 12 của Quốc hội.
Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị được kiểm tra báo cáo bằng văn bản toàn bộ hoạt động theo các nội dung sau đó đối chiếu với số liệu thực tế thu thập được nhận xét sơ bộ và có kết luận kiểm tra đối với các Chi cục.
Yêu cầu đề ra của đợt kiểm tra trên tinh thần khách quan, xây dựng và trách nhiệm, không kiểm tra chiếu lệ, hình thức, qua loa, mọi thiếu sót phải được phản ánh rút kinh nghiệm và phải có kế hoạch khắc phục ngay. Kiểm tra phải tạo ra khí thế tích cực, tăng cường sự đoàn kết trong ngành để học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án.
Kết quả kiểm tra như sau:
- Về công tác quản lý điều hành của đơn vị: Đã tạo được không khí đoàn kết dân chủ, cán bộ công chức có lập trường tư tưởng vững vàng đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mỗi cá nhân; các đơn vị đã xây dựng kế hoạch công tác năm và thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế cơ quan. Triển khai kịp thời các văn bản, cấp trên hàng tháng đều họp cơ quan nhằm đánh giá những mặt làm được, những mặt tồn tại và xây dựng kế hoạch công tác của tháng, quý tiếp theo.
- Việc lập hồ sơ sổ sách thi hành án: Đã mở đầy đủ sổ sách theo dõi và ghi chép cẩn thẩn theo hướng dẫn của Thông tư 06/TT-BTP ngày 5/7/2007 của Bộ Tư pháp. Hồ sơ thi hành án được sắp xếp gọn gàng, khoa học dễ kiểm tra, có đánh bút lục theo trình tự thời gian.
Nhìn chung so với những năm trước, năm nay công tác thi hành án dân sự tại các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình, Võ Nhai và thị xã Sông Công đã có nhiều tiến bộ. Từ khi thực hiện Luật THADS các hoạt động trong công tác Thi hành án dân sự được đảm bảo theo đúng quy trình và quy định của Luật. Những sai sót trong công tác thi hành án dân sự đã được các Chi cục chú trọng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên còn một số sai sót trong quá trình tác nghiệp về thi hành án như: Việc xác minh tài sản của người phải thi hành án chưa được chặt chẽ thuật ngữ chưa chính xác, một số biên bản xác minh còn thiếu chữ ký của Chấp hành viên, Quyết định thi hành án trình bày còn chưa khoa học, các Quyết định về thi hành án còn thiếu căn cứ, xác minh kết quả chưa có điều kiện thi hành án chưa trả đơn yêu cầu, hầu hết các hồ sơ thi hành xong chưa làm báo cáo đối chiếu chi tiết kết quả thi hành án…. Việc thu tiền còn chậm nộp vào quỹ, biên lai người nộp tiền không ký, có biên lai còn sửa chữa ngày, tháng, có phiếu thu thủ quỹ không ký….
Sau khi ban hành kết luận kiểm tra, yêu cầu các Chi cục trưởng tổ chức họp cơ quan nêu nên những khiếm khuyết tồn tại của từng khâu trong công tác thi hành án. Từ đó khắc phục ngay những vi phạm mà đoàn kiểm tra đã nêu và có báo cáo kết quả khắc phục của đơn vị về Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Qua kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh những sai sót tồn tại của đơn vị để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự địa phương./.
Lê Thị Kim Dung - Cục THADS Thái Nguyên