Bình Định: Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở các cơ quan Thi hành án dân sự

06/09/2010
Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, thủ trưởng đơn vị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ quan; phát huy dân chủ, tính tiền phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân; góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.


Thấy được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đặc biệt, đã triển khai, quán triệt Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp và các văn bản chỉ đạo về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Bộ Tư pháp cho lãnh đạo các phòng chuyên môn và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh nắm bắt, triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức trong đơn vị mình biết để thực hiện; phát huy quyền làm chủ đối với cán bộ, công chức trong các hoạt động cơ quan; phối hợp với Cấp ủy chi bộ, các đoàn thể cơ quan xây dựng các Quy chế trong hoạt động của đơn vị. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã thực hiện tốt các Nội qui, Quy chế của cơ quan, phát huy tính chủ động sáng tạo trong cán bộ, công chức, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Để thực hiện tốt các mặt công tác của đơn vị, nâng cao chất lượng trong công việc, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các đơn vị coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính; xây dựng các quy trình giải quyết công việc hợp lý, khoa học gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan, triển khai và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg, ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thời giờ làm việc. Cùng với đó, hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm tổ chức họp đánh giá kết quả công tác, họp giao ban định kỳ, sơ kết, tổng kết, đánh giá những việc làm được, chưa làm được, đề ra biện pháp khắc phục; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức; dự kiến kế hoạch công tác trong thời gian tới cho toàn đơn vị; bố trí địa điểm, lịch tiếp công dân tại cơ quan theo định kỳ một tháng 02 lần; hàng tháng, quý, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên đi về cơ sở để nắm bắt tình hình, chỉ đạo, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, trong các kỳ sinh hoạt của cơ quan, nhất là cuộc họp hàng tháng, thủ trưởng các đơn vị luôn lắng nghe và tiếp thu những phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, giải đáp những thắc mắc, khắc phục những sai sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị. Khi cần thiết, theo yêu cầu của cán bộ, công chức, thủ trưởng cơ quan gặp và trao đổi các vấn đề có liên quan, giải thích những vấn đề còn thắc mắc trong quá trình công tác, sinh hoạt tại đơn vị. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, cuối năm thủ trưởng các đơn vị đã thực hiện việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức; tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức theo qui định của pháp luật.

Trong công tác và sinh hoạt, cán bộ, công chức trong các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định luôn phát huy và thực hiện quyền dân chủ của mình, thường xuyên yêu cầu thủ trưởng đơn vị phổ biến kịp thời các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức; kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, tháng của đơn vị; kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách cấp và các nguồn tài chính khác và quyết toán kinh phí năm; đề nghị công khai việc tuyển dụng công chức, xét khen thưởng, kỷ luật; thực hiện dân chủ trong việc xét nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn; công khai quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách trong cán bộ, công chức các đơn vị; lấy ý kiến trong tập thể khi xây dựng các nội quy, quy chế của cơ quan, nhằm tạo sự đồng thuận trong tập thể trước khi ban hành thực hiện. Ngoài ra, thủ trưởng các đơn vị còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia góp ý kiến về sự lãnh đạo của Chi ủy, Thủ trưởng cơ quan, công đoàn, tạo điều kiện để cán bộ, công chức góp ý xây dựng các tổ chức trong cơ quan trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đấu tranh phê và tự phê, tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch trong đơn vị.

Trong công tác tổ chức, cán bộ: Lãnh đạo các đơn vị thường xuyên chú trọng đến công tác tổ chức cán bộ, coi công tác cán bộ là khâu quan trọng, quyết định mọi vấn đề, trong đó bao gồm: việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Công tác tổ chức cán bộ ở cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được thực hiện theo phân cấp của Bộ Tư pháp, đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng quy trình. Việc cử đi đào tạo đều công khai trong tập thể, dựa vào nhu cầu của đơn vị, năng lực thực tiễn và khả năng phát triển trong tương lai của các cán bộ, công chức. Đối với công tác bổ nhiệm, trước khi đề nghị bổ nhiệm chức danh cụ thể, lãnh đạo đơn vị phối hợp lấy ý kiến trong Cấp ủy, Công đoàn, sau đó tổ chức đánh giá, lấy ý kiến trong tập thể, lấy phiếu tín nhiệm theo qui định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTG ngày 19/02/2003 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, nếu hội đủ các điều kiện thì đề nghị bổ nhiệm theo qui định của pháp luật. Đối với công tác bố trí cán bộ, dựa trên năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, yêu cầu công việc của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện qui hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự trong thời gian qua được thực hiện theo Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 22 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự.

Trong công tác quản lý tài chính, tài sản công: Căn cứ định mức kinh phí Bộ Tư pháp cấp trong năm, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định xây dựng và bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ và Qui chế quản lý tài sản công của đơn vị mình theo qui định chung để phù hợp với tình hình của từng đơn vị. Mọi hoạt động chi tiêu được kiểm soát chặt chẽ, khoa học và tiết kiệm, các khoản tiết kiệm chi của các đơn vị, gồm: tiết kiệm chi thông tin liên lạc, vật tư văn phòng, công tác phí, mua sắm sửa chữa tài sản, tiếp khách... Từ đó, thực hiện việc chi tăng thu nhập cho công chức trong đơn vị nếu trong năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng quý, 06 tháng, năm thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh thực hiện việc công khai tài chính, sử dụng tài sản công tại cơ quan đơn vị. Việc mua sắm tài sản, thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án được thực hiện thông qua Hội đồng mua sắm tài sản. Cục Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên theo dõi việc sử dụng kinh phí, tài sản công ở các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, lệch lạc, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng hoặc những biểu hiện lãng phí khác.

Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh chú trọng đến công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác thi hành án dân sự và những kiến nghị của cán bộ, công chức. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố bố trí phòng để tiếp dân, thông báo lịch làm việc, ngày tiếp dân để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện. Tại bộ phận trực tiếp công dân, luôn phân công công chức trực tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hàng tháng, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh bố trí 02 ngày để tiếp công dân tại trụ sở cơ quan; tham gia với tư cách là thành viên Hội đồng tiếp dân của UBND cùng cấp mỗi tháng 02 ngày để giải quyết các yêu cầu của công dân có liên quan đến công tác thi hành án. Đối với những vụ việc khiếu nại kéo dài, liên quan đến các ngành, các cấp thì phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất biện pháp giải quyết hoặc kiến nghị cấp trên chỉ đạo giải quyết.

Nhờ triển khai và thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, 6 tháng đầu năm 2010, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định đã hoàn thành tốt các mặt công tác đã đề ra, cơ bản giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài, tổ chức thi hành án về việc đạt 87%, về tiền đạt 65,7% trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành, giải quyết án tồn đọng đạt 15,5%. Đặc biệt, trong thời gian qua, các hoạt động ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh luôn thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhất là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác tổ chức, cán bộ, các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, từ đó đã tạo nên bầu không khí cởi mở, đoàn kết, đó là động lực góp phần trong việc giải quyết công việc nhanh chóng, đạt hiệu quả cao hơn.             

                                                              Võ Công Hoàng