Vì sao tiến độ thi hành án dân sự ở huyện U Minh còn chậm ?

10/07/2007

Sáu tháng đầu năm 2007, Thi hành án dân sự huyện U Minh thụ lý 742 việc (trong đó có 555 việc từ năm 2006 mang sang), với tổng số tiền phải thi hành trên 12,9 tỷ đồng. Sau khi tiến hành xác minh, phân loại số có điều kiện thi hành là 417 việc, đơn vị đã tổ chức thi hành xong 260 việc, thi hành dang dỡ 110 việc, số tiền thi hành án thu được 90,2 triệu đồng. Ngoài ra, Thi hành án dân sự huyện đã bàn giao cho xã 209 việc dưới 500.000 đồng, các xã đã thi hành xong 50 việc. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự ở huyện U Minh còn chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.



Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân vì sao tiến độ thi hành án dân sự ở huyện U Minh còn chậm, anh Phạm Văn Mịn, Trưởng thi hành án dân sự huyện cho biết: Một là, do đội ngũ cán bộ chuyên trách thi hành án còn thiếu, hiện có 4/7 biên chế, trong khi đó địa bàn rộng, sông ngòi chằng chịt, phương tiện đi lại còn khó khăn. Thi hành án huyện đã tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh, huyện bổ sung thêm cán bộ, chấp hành viên nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của ngành. Hai là, số vụ việc phải thi hành án khá lớn, trong đó số vụ việc không có điều kiện thi hành còn cao 311 việc, một số vụ việc đương sự bỏ địa phương đi nơi khác, số không tài sản để thi hành hoặc tài sản nhỏ lẻ hay kê biên tài sản là đất nông nghiệp thì giá Nhà nước quy định cao hơn giá thực tế nên bán không được. Ba là, số vụ việc dưới 500.000 đồng bàn giao cho UBND xã thi hành án, xã giao cho cán bộ tư pháp thực hiện trong khi xã chỉ có một cán bộ tư pháp hộ tịch phải trực giải quyết công việc hàng ngày tại cơ quan nên điều kiện đi địa bàn để thi hành án còn khó khăn; mặc khác phí thi hành án thu được 50.000 đồng/việc, không đủ chi phí cho cán bộ đi lại làm nhiệm vụ.

Để khắc phục khó khăn nêu trên, từng bước giảm số lượng án dân sự phải thi hành còn tồn đọng kéo dài của huyện U Minh như hiện nay. Các cấp, các ngành trong huyện cần phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau: 

- UBND các cấp tăng cường chỉ đạo củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), các ban, tổ hoà giải cơ sở, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ mạnh, hoạt động có chất lượng; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để lực lượng này làm tốt vai trò, nhiệm vụ PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. 

- Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL hướng mạnh về cơ sở; tăng cường các hoạt động PBGDPL thông qua kênh truyền thanh, tờ tin, các loại báo chí, tài liệu hỏi đáp, tủ sách pháp luật, hội thi tìm hiểu, lồng ghép vào sinh hoạt đoàn thể, họp dân… để nhân dân thông hiểu chính sách pháp luật, tự giác thực hiện.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoà giải cơ sở, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp trong nhân dân không để kéo dài; đồng thời phát huy dân chủ, tin thần đoàn kết trong nhân dân gắn với việc thực hiện quy ước hương ước, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

- Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường vai trò trách nhiệm lãnh chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ PBGDPL.

- UBND các cấp cần quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bố trí những cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để làm công tác tư pháp hộ tịch. 

- Thi hành án dân sự huyện chủ động tham mưu đề xuất tìm nguồn cán bộ bổ sung đủ về số, mạnh về chất để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trên, tin chắc rằng công tác Tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng ở huyện U Minh sẽ kết quả cao hơn./.

Hoàng Lộc