Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

27/03/2012
Thực hiện Công văn số 194/TCTHADS-VP ngày 13/02/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự; căn cứ Kế hoạch số 113-KH/BCS ngày 28/12/2011 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (tính từ thời điểm tháng 12/2011 đến năm 2015). Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum, ngày 09/3/2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-CTHADS về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Theo đó, Kế hoạch đã đề ra năm nhóm nội dung, giải pháp quan trọng để mỗi tập thể, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum thực hiện nhằm triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên thực chất, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cũng như chương trình hành động của cơ quan về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Cụ thể:

- Về công tác tổ chức học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Tiếp tục quán triệt tới cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum về mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 113/KH-BCS ngày 28/12/2011 của Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để công chức nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Trên cơ sở đó, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh nghiên cứu, đề xuất phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh với các nội dung, hình thức cụ thể về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Về công tác xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:  Mỗi công chức cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tự giác đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nêu cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ làm công tác thi hành án dân sự, thực thi đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết công việc đối với các tổ chức, cá nhân.

- Quá trình thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Việc nêu gương phải thể hiện toàn diện trên các mặt: phẩm chất, đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình; ý thức chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước; tinh thần trách nhiệm trên lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; ý thức phục vụ nhân dân.

- Các đơn vị cần xác định nội dung cụ thể để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng việc đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ. Nội dung sinh hoạt tập trung vào sự đánh giá kết quả tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của công chức, chỉ ra những khuyết điểm, nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh nhất là đối với các bộ phận công chức thường xuyên được phân công trực tiếp dân và giải quyết công việc liên quan đến nhân dân.

- Trên cơ sở kết quả thực hiện theo định kỳ, các đơn vị giới thiệu, nêu gương các điển hình tiên tiến của đơn vị thông qua các phương tiện truyền thông của Bộ Tư pháp như: Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và báo cáo về Cục Thi hành án dân sự tỉnh để theo dõi đề nghị khen thưởng vào các dịp sơ kết và tổng kết hàng năm hoặc cử đi tham dự Hội nghị do các cấp tổ chức.

Nguyễn Thọ Thanh
(Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum)