Trùng Khánh, Cao Bằng: Án tồn đọng chủ yếu là ma túy

14/05/2012
Nói đến công tác thi hành án dân sự ở huyện miền núi Trùng Khánh (Cao Bằng) người ta nghĩ ngay đến những khó khăn của một huyện biên giới rất đặc thù. Nhưng vượt lên là tinh thần quyết tâm đưa các vụ án khó ra thi hành, đảm bảo pháp luật được thực thi trên thực tế.


Giao chỉ tiêu đến từng chấp hành viên.

Trùng Khánh là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, có đường biên giới dài hơn 60 km. Diện tích tự nhiên là 469,15 km2, dân số gần 52 nghìn người, dân tộc Tày là chủ yếu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Huyện có 20 xã, thị trấn. Vì là huyện biên giới nên tệ nạn xã hội như: Mua bán trái phép chất ma tuý, mua bán phụ nữ và các tệ nạn xã hội khác thường xuyên xảy ra hàng năm lượng án hình sự ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi hành án dân sự tại địa phương.

Với địa bàn như vậy nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh hiện chỉ có 03 chấp hành viên, 02 thư ký, 01 kế toán và 01 nhân viên kỹ thuật.

Năm 2012, Chi cục Thi hành án dân sự Trùng Khánh được Cục Thi hành án Cao Bằng giao chỉ tiêu 92% về việc và 77% về tiền trên số có điều kiện thi hành. Để làm được việc này, ngay từ đầu năm Trùng Khánh đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm, trình xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện trước khi ban hành.

Ngay sau khi kế hoạch công tác được xây dựng, căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh đã ra quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chấp hành viên trong đơn vị, đồng thời đã quán triệt, triển khai sâu rộng kế hoạch công tác của Cục, Chi cục đến tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị; chỉ đạo chấp hành viên, cán bộ bám sát kế hoạch công tác, chủ động xây dựng chương trình công tác tháng, quí, năm phù hợp với nhiệm vụ được giao. Sau mỗi đợt công tác, hàng tháng đơn vị tổ chức họp báo cáo kết quả và rút kinh nghiệm.

Đương sự sống lang thang: Thi hành án khó

5 tháng đầu năm, Chi cục Thi hành án dân sự Trùng Khánh đã thi hành xong 39 việc, thu số tiền hơn 60 triệu đồng. Kết quả của những tháng đầu năm không cao, theo lý giải của Phó Chi cục trưởng Nông Ngọc Trung là do “nhiệm vụ công tác trùng vào dịp tết nguyên đán, thời gian nghỉ kéo dài, thời tiết vùng biên khắc nghiệt rất khó khăn trong việc xác minh, đôn đốc giải quyết án”

Quan trọng hơn, ông Trung cho biết Trùng Khánh là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ văn hoá, nhận thức pháp luật hạn chế. Hiện nay, Trùng Khánh đang phải thụ lý một số lượng án tồn đọng lâu năm lớn chủ yếu là án hình sự, ma tuý, số tiền phạt trong mỗi vụ cao, các đương sự đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, tài sản ở địa phương không có gì (số vụ việc này chiếm gần 1/2 số án thụ lý của đơn vị). Một số vụ việc khác đương sự sống lang thang, không rõ địa chỉ, không có tài sản ở địa phương, một số trường hợp sau khi ra trại không về địa phương cư trú. Đối với những trường hợp trên chưa có cơ chế xử lý. Vì vậy hàng năm lượng án tồn đọng của đơn vị vẫn rất cao.

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng những tháng còn lại của năm 2012, Chi cục Thi hành án dân sự Trùng Khánh vẫn quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu đã được giao. Trong đó, tiếp tục bám sát kế hoạch công tác, thường xuyên kiểm tra và đôn đốc, chấp hành viên, cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tốt việc phân loại án, không để tình trạng án có điều kiện thành không có điều kiện thi hành; Tổ chức thực hiện tốt hai đợt cao điểm về công tác thi hành án theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, Trùng Khánh kiên quyết thi hành dứt điểm những nhiệm vụ có điều kiện thi hành, phối hợp tốt với cơ quan hữu quan thực hiện việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước, theo qui định của Luật Thi hành án dân sự và thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC nhằm làm giảm án tồn đọng.                                                                                                

Đông Bình (Thu Hằng – nội chính)