Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định: chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới

23/08/2012
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng và phát động phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” trong các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Định được chọn 4 xã điểm để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã chọn xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn (một trong 4 xã điểm) để giúp đỡ trong việc xây dựng nông thôn mới. 3 xã điểm còn lại, giao cho các Chi cục Thi hành án dân sự có xã điểm trực tiếp báo cáo Chủ tịch UBND huyện để xây dựng kế hoạch chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.       

Theo đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến công chức, người lao động làm việc tại Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh về chủ trương “Xây dựng nông thôn mới”, phát động và tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Lồng ghép việc triển khai, thực hiện phong trào “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” với việc thực hiện Kế hoạch công tác, Kế hoạch thi đua hàng năm của cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên, giáo dục thuyết phục người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan trong việc tự nguyện thi hành án, trước hết là địa bàn các xã điểm của tỉnh đã được chọn xây dựng nông thôn mới; xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan hỗ trợ, giúp đỡ trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phối hợp với các cơ quan có liên quan của tỉnh, huyện tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự tại khu vực nông thôn, trước tiên là các xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử, đoàn kết, coi trọng tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao hàng năm về việc, về giá trị, giảm việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau; phấn đấu phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện chính xác 100%; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các yêu cầu chính đáng về thi hành án dân sự liên quan đến người được thi hành án, người phải thi hành án ở nông thôn. Thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, Chấp hành viên trong ngành Thi hành án dân sự. Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ công chức, đặc biệt là các Chấp hành viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, khoa học, ý thức tổ chức kỷ luật cao, trung thực, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những cách làm hay, làm mới có hiệu quả để nhân rộng toàn tỉnh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Hàng năm, thường xuyên phát động công chức tham gia hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động, ủng hộ các loại quỹ để giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người được thi hành án, người phải thi hành án và nhận thức, thái độ của nhân dân khu vực nông thôn đối với công tác thi hành án dân sự, từ đó có biện pháp tổ chức thi hành án dân sự thích hợp, đảm bảo giải quyết thấu tình đạt lý, giữ được truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư ở nông thôn. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Tuyên truyền, vận động những người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người được đặc xá, đã chấp hành xong án phạt tù, là đối tượng còn đang phải thi hành án dân sự đã trở về địa phương sinh sống thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân tại khu vực nông thôn. Lựa chọn các địa phương, nhất là các xã điểm về xây dựng nông thôn mới có các vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng, phức tạp và tập trung trí tuệ, nội lực của cơ quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc này, góp phần xây dựng, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn và tạo được sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Công chức, người lao động làm việc ở Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự tích cực hưởng ứng, ra sức thực hiện phong trào thi đua và có những việc làm thiết thực đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng các tiêu chí có liên quan đến ngành, lĩnh vực công tác. Tích cực tham gia thực hiện tốt các quy định về xây dựng nông thôn mới và nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới.

                                                                                                Võ Công Hoàng