Họp Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên

17/04/2013
Ngày 11/4/2013, tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên tổ chức họp đánh giá tình hình, kết quả thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự 06 tháng cuối năm 2013. Đồng chí Đặng Minh Ngọc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tới dự và chỉ đạo cuộc họp.

Trong 06 tháng đầu năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã tiến hành đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, cùng với việc xây dựng, củng cố và phát triển Ngành.

Kết quả công tác thi hành án dân sự:

Tổng số việc phải thi hành là 4.147 việc, tăng 128 việc so với cùng kỳ năm 2012 (số thụ lý mới 2186 việc, tăng 518 việc so với cùng kỳ năm 2012, trong đó 2.720 việc có điều kiện thi hành (67%); 1.427 việc chưa có điều kiện thi hành (33%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành được 1.816 việc/2.720 việc, đạt 67%; tăng 365 việc (125%) so với cùng kỳ năm 2012.

Tổng số tiền phải thu là 317 tỷ 252 triệu 256 nghìn đồng, tăng 14 tỷ 827 triệu 301 nghìn đồng (4,7%) so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, số có điều kiện thu 252 tỷ 167 triệu 979 nghìn đồng (79%); Số chưa có điều kiện thu 65 tỷ 084 triệu 277 nghìn đồng (21%). Đã thu và giải quyết được 83 tỷ 257 triệu 618 nghìn đồng, đạt 33% số tiền có điều kiện thu.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Toàn ngành thụ lý 04 việc khiếu nại, đã giải quyết 03 việc, còn 01 việc Cục đang xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự.

 

Tại cuộc họp, đồng chí Đặng Minh Ngọc đã chỉ đạo và kết luận:

1. Kết quả công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên còn thấp so với chỉ tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Để phát huy thành tích ổn định, bền vững đã đạt được trong các năm qua, Cục Thi hành án dân sự, cần quyết liệt, tích cực áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

2. Về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tham mưu về nội dung, thể thức trên cơ sở Quy chế mẫu, bổ sung cụ thể hoá phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các thành viên Ban chỉ đạo tham gia ý kiến và gửi kết quả về Cục Thi hành án dân sự trước 30/4/2013 để chỉnh sửa, ban hành trong tháng 5/2013.

 3. Đối với các vụ việc phức tạp, giá trị thi hành lớn, người phải thi hành án có điều kiện thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự đã vận động, giáo dục, thuyết phục các bên đương sự thoả thuận nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án và cơ quan Thi hành án phải thực hiện nghiêm một số nội dung:

- Nghiên cứu kỹ hồ sơ đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, áp dụng đúng quy trình, trình tự, thủ tục thi hành án, đồng thời phối hợp cưỡng chế theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự;

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải khả thi, đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi tổ chức.

Đồng chí Đặng Minh Ngọc cũng đề nghị và yêu cầu các cơ quan Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan  liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Phòng Tổ chức cán bộ

Cục THADS tỉnh Hưng Yên