Hòa Bình: Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình giám sát công tác thi hành án dân sự

18/06/2013
Thực hiện Kế hoạch số 21/KH-HĐND ngày 9/5/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc khảo sát, giám sát công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ngày 10/6/2013, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh do ông Hoàng Minh Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình, cùng tham gia với Đoàn có các ông (bà) là thành viên Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Nội dung giám sát nhằm đánh giá toàn diện về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên đối với công tác thi hành án dân sự, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong công tác thi hành án, qua đó có các kiến nghị đối với các cấp, các ngành có biện pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh

Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đã nghe Cục Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 02 năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013:

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên đối với công tác Thi hành án dân sự đã giúp cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật và tổ chức thi hành các vụ việc bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và công dân.

Đối với kết quả thi hành án dân sự:

Năm 2011 (từ 01/10/2010 đến 30/9/2011):

- Kết quả về việc: đạt 89% (vượt 4% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao);

- Kết quả về tiền: đạt 89,3% (vượt  24% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao).

Năm 2012 (từ 01/10/2011 đến 30/9/2012):

- Kết quả về việc: đạt 94,2% (vượt 4% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao);

- Kết quả về tiền: đạt 96% (vượt 21% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao).

Kết quả thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2013:

- Kết quả về việc: đạt 80%;

- Kết quả về tiền đạt 66%.

Công tác kiểm tra, thanh tra được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giúp cho công tác quản lý chỉ đạo điều hành được kịp thời và nắm bắt các thông tin, tình hình tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án tại các đơn vị để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh xử lý những sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời qua công tác kiểm tra thấy được những khó khăn, vướng mắc để các đơn vị có những đề xuất, kiến nghị tìm những giải pháp hoành thành chỉ tiêu kế hoạch năm.

 

Trong công tác quản lý chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh trực tiếp chỉ đạo và ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời về nghiệp vụ thi hành đối với các đơn vị thi hành án các huyện, kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện trong các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh các văn bản pháp luật mới được ban hành, các văn bản trong quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án của Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành nhiệm vụ các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhất là những khó khăn vướng mắc từ cơ chế pháp luật: Một số quy định về trình tự thủ tục thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án và một số bất cập trong quy định của pháp luật có liên quan đến công tác Thi hành án dân sự (chuyển nhượng đất đai, tài sản, đấu giá tài sản…) chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời như quy định về thủ tục nhận đơn yêu cầu thi hành án nếu đương sự không cung cấp đầy đủ điều kiện tài sản…, cơ quan Thi hành án đã hướng dẫn để đương sự bổ sung nội dung đơn nhưng cũng không thấy phản hồi của đương sự. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về biện pháp xử lý trong trường hợp đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án vẫn không cung cấp thông tin hoặc không yêu cầu chấp hành viên xác minh tài sản gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự. Khó khăn về thu chi phí thông báo về thi hành án dân sự. Khó khăn trong việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho người được thi hành án còn có bất cập.

Mặt khác, Hòa Bình là một tỉnh nằm trên quốc lộ 6, tuyến đường trung chuyển ma túy từ Trung Quốc, Sơn La về các tỉnh đồng bằng, hàng năm thụ lý hàng trăm án ma túy, nhiều án theo Pháp lệnh thi hành án cũ tiền phạt cao trong khi đương sự đang đi tù, không có tài sản, lại chưa đủ điều kiện để xét miễn giảm đã lũy kế dần số việc, tiền và tỷ lệ án chuyển kỳ sau tăng. Đây là số vụ việc tồn không xử lý được buộc phải chờ các cơ quan chức năng giải quyết....

Mặc dù công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nhưng với sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, những vụ việc có giá trị lớn của lãnh đạo Cục và sự đồng thuận quyết tâm của công chức thi hành án dân sự toàn tỉnh, thời gian qua các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình đã gặt hái được nhiều thành quả đáng nghi nhận, đây cũng là cơ sở, sức mạnh để ngành phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao năm 2013.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận và sự ghi nhận của các thành viên trong Đoàn giám sát, ý kiến giải trình của Cục Thi hành án dân sự, Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hoàng Minh Tuấn đánh giá cao kết quả thực hiện công tác của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình, cũng như chia sẻ những khó khăn vướng mắc của đơn vị để kiến nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xem xét tìm hướng hỗ trợ tích cực cho công tác thi hành án dân sự. Cũng tại buổi làm việc Ban pháp chế Hội đồng nhân dân yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần tranh thủ hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp trong công tác chỉ đạo; Kịp thời kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Cục, Chi cục và các phòng, ban chuyên môn đảm bảo cơ cấu tổ chức cán bộ, đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Tăng cường sự phối kết hợp  giữa các ngành hữu quan nhất là các cơ quan trong khối nội chính góp phần đảm bảo ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Nguyễn Thị Mai