Thành phần đoàn kiểm tra có đồng chí Hà Quang Dĩnh - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp làm Trưởng đoàn cùng các thành viên Ban chỉ đạo. Về phía Cục Thi hành án dân tỉnh có các đồng chí Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục tham dự.
Tại buổi làm việc các thành viên Ban chỉ đạo đã được nghe Cục Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 49NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, báo cáo đã nêu bật và so sánh kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự sau khi thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW.
Nếu như trước đây cơ quan Thi hành án dân sự chỉ là một phòng chuyên môn thuộc sự quản lý của Sở Tư pháp, cơ cấu tổ chức còn chưa tương xứng với nhiệm vụ, cơ chế pháp luật còn hạn chế, nhiều bất cập thì sau khi Nghị quyết 49 được ban hành và đi vào thực hiện vị thế của cơ quan Thi hành án dân được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nhận thức đúng đắn chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược cải cách tư pháp. Chi ủy Chi bộ Cục đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể thường xuyên quan tâm đến công tác thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp, đóng góp xây dựng các chính sách pháp luật dân sự mới cũng như sửa đổi, bổ sung những điều luật không còn phù hợp, gây khó khăn trong thực tế thực hiện công tác thi hành án dân sự.
Luât Thi hành án dân sự 2008 ra đời là dấu mốc quan trọng và cần thiết trong cải cách Tư pháp đối với cơ quan Thi hành án dân. Việc hình thành cơ quan Thi hành án dân sự độc lập ngang tầm với các sở ngành trong tỉnh; Cơ sở vật chất được đầu tư, đội ngũ cán bộ được đào tạo, nâng cao về cả phẩm chất đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ là căn cứ, và điều kiện để cơ quan Thi hành án dân tỉnh Hòa Bình trong những năm qua (2005-2012) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả Thi hành án luôn đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế thi hành án, tổ chức thi hành án, giảm số án tồn đọng, bảo đảm thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, góp phần giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hà Công Dĩnh - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đề nghị các cơ quan Tư pháp tăng cường công tác phối kết hợp trong việc thực thi nhiệm vụ. cơ quan Thi hành án dân sự tập trung giải quyết dứt điểm án tồn đọng; Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, năng lực và phẩm chất chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện kinh phí để đáp ứng tiền trình cải cách Tư pháp đến năm 2020./.
Nguyễn Thị Mai