Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường nhưng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn được triển khai đồng bộ, có nhiều thuận lợi với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành, chính quyền địa phương.
Về việc, số thụ lý mới là 26.642 việc, tăng 2.473 việc (10%) so với năm 2013. Tổng số việc phải giải quyết là 36.484 việc, tăng 3.171 việc (10%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 25.140 việc, đạt tỷ lệ 91.38%, tăng 1.668 việc (tương đương 7%), tỷ lệ thi hành xong tương đương so với cùng kỳ năm 2013 (so với chỉ tiêu được giao năm 2014, vượt 3.38%).
Về tiền, số thụ lý mới là 5.840.824.801.000 đồng, tăng 3.073.045.637.000 đồng (111%) so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số tiền phải giải quyết là 8.081.595.567 .000 đồng, tăng 3.751.741.867. 000 đồng (87%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong số có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 4.666.802.169 .000 đồng, đạt tỷ lệ 90%, tăng 2.577.719.245.000 đồng, cao hơn 123% so với cùng kỳ năm 2013 (so với chỉ tiêu được giao năm 2014, vượt 13%).
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Lê Quang Tiến nêu rõ những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự. Số việc và số tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao, số việc thi hành án dân sự có khó khăn phức tạp phát sinh nhiều, việc thi hành án dân sự trong hình sự chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không có tài sản bảo đảm thi hành án; số việc thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành nhưng chưa được xét miễn giảm còn tồn đáng kể; người phải thi hành án là doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, dẫn đến hồ sơ thi hành án bị tồn đọng, khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm số việc tồn chuyển kỳ sau; trình tự thủ tục quy định về kê biên phát mại tài sản còn kéo dài và chưa hợp lý, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ thi hành án. Một số vụ việc thi hành án có số tiền phải thi hành lớn phải tổ chức kê biên bán đấu giá tài sản thế chấp, bảo lãnh là bất động sản đã tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua gây lãng phí, tốn kém về thời gian, công sức và kinh phí; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài xảy ra đã lâu đòi hỏi mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh hoặc phối hợp với các ngành để giải quyết; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại; một số bản án tuyên không rõ, khó thi hành, đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền trả lời; việc cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án có việc còn chậm chễ, chưa kịp thời.
|
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá việc tổ chức thi hành án dân sự là công việc vất vả, nhạy cảm, động chạm đến tiền bạc, vật chất, có cả những bức xúc của đương sự người được, người thua sau khi có bản án của cơ quan Toà án. Qua giám sát công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, các đại biểu ghi nhận những kết quả công tác thi hành án dân sự đã đạt được trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và của thành phố. Kết quả đó cho thấy sự phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự, cùng với đó là các giải pháp, biện pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của tập thể Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc thành phố, có những giải pháp mang tính đột phá như: Lãnh đạo Cục phân công phụ trách địa bàn, tăng cường đến các đơn vị để nắm tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị và chấp hành viên trong tổ chức thi hành án; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của việc phân loại hồ sơ thi hành án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, thiếu sót, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự; tổ chức các đợt thi hành án dân sự cao điểm, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2014 tăng nhiều hơn so với năm 2013 nhưng đã được Lãnh đạo Cục chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ nơi phát sinh nên không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
|
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Cục Thi hành án thành phố cũng cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, chấp hành các nguyên tắc, kỷ luật công tác, kỷ cương hành chính. Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, nhất là trong thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại cần đẩy mạnh hơn nữa. Về Phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Cục Thi hành án dân sự thành phố phải đề ra các biện pháp để giảm thiểu số việc, số tiền có điều kiện tồn chuyển sang năm sau thi hành. Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân cũng ghi nhận, xem xét những kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự thành phố để có kiến nghị đến các cơ quan chức năng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, về giao đất xây dựng trụ sở Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự, hỗ trợ kinh phí hoạt động, kính phí giải phóng mặt bằng cho các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Đàm Kiều Oanh