Nâng cao hiệu quả việc thu hồi tiền, tài sản liên quan đến khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng

22/09/2022
Công tác thi hành án dân sự (THADS) về thu hồi tiền, tài sản cho tổ chức tín dụng, ngân hàng hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm thường xuyên của Hệ thống THADS nói chung và các cơ quan THADS tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Việc thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng giúp cho việc khơi thông dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế, tạo thêm nguồn tiền cho việc đầu tư, phát triển kinh tế, việc làm cho người lao động.

Chi cục THADS thành phố Phổ Yên có lượng việc và tiền phải giải quyết liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng đứng thứ hai toàn tỉnh. Thống kê 11 tháng năm 2022, số việc và tiền phải thi hành 26 việc, tương ứng với số tiền trên 121 tỷ, chiếm 2,50% về việc và 73,73% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành trên địa bàn (tổng số việc phải thi hành 1.156 việc với số tiền hơn 172 tỷ đồng). Đã thi hành xong 06 việc với số tiền hơn 49 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,07% về việc và 40,02% về tiền. Số việc còn lại đang được bán đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án hoặc đã xử lý xong tài sản đảm bảo nhưng không đủ thanh toán nợ đã được phân loại việc chưa điều kiện.
Kết quả trên cho thấy việc thi hành án triệt để cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng tương đối khó khăn. Mặc dù, việc xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH 14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tiếp tục cho thực hiện áp dụng đến hết tháng 12/2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản đảm bảo. Nhưng việc thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn có những khó khăn nhất định. Những khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, như tài sản đảm bảo thế chấp có trường hợp không đúng với thực tế, việc giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn số tiền phải trả, có sự tranh chấp trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, đương sự lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, việc bán đấu giá tài sản không có người tham gia đấu giá, phải tiến hành giảm giá nhiều lần.
Với số lượng việc thi hành cho tổ chức tín dụng tuy ít so với số phải thi hành, nhưng số tiền phải thi hành lớn, điều này đã tạo áp lực lớn cho Chi cục THADS thành phố nói chung và các Chấp hành viên được phân công giải quyết nói riêng.
Đạt được kết quả thu hồi số lượng tiền lớn như trên, góp phần hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ giải quyết việc thi hành án về tiền đòi hỏi Chi cục THADS thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Một số giải pháp đã được Chi cục THADS thành phố thực hiện trong thời gian qua như:
Thứ nhất, kịp thời quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh liên quan đến việc thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Xác định việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo nguồn tiền để tái đầu tư cho phát triển kinh tế, việc làm cho người lao động. Nên lãnh đạo Chi cục luôn quán triệt cho các Chấp hành viên tầm quan trọng trong việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, thực hiện tốt việc phân công Chấp hành viên trong giải quyết án tín dụng, ngân hàng ngay từ giai đoạn phân loại, xử lý đơn liên quan đến án tín dụng, ngân hàng với số tiền phải thi hành lớn, tài sản đảm bảo nhiều. Tập thể lãnh đạo bàn bạc, nghiên cứu để phân công cho Chấp hành viên có kinh nghiệm, có trình độ năng lực để giải quyết. Với việc phân công công việc phù hợp với trình độ, năng lực của Chấp hành viên, nên trong quá trình giải quyết, việc tổ chức thi hành án được thực hiện có hiệu quả, việc xử lý tài sản thế chấp đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự.
Thứ ba, kịp thời thành lập Tổ giải quyết đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, nhiều tài sản phải xử lý. Phân công một đồng chí lãnh đạo làm Tổ trưởng để hỗ trợ, phối hợp cùng giải quyết vụ việc một cách có hiệu quả, kịp thời theo đúng tiến độ. Nhờ việc thành lập Tổ giải quyết án tín dụng, ngân hàng đã giúp các Chấp hành viên có được sự hỗ trợ nhau trong quá trình giải quyết.
Thứ tư, chỉ đạo các Chấp hành viên động viên, thuyết phục đương sự, cũng như ngân hàng trong việc tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Chủ động có ý kiến với ngân hàng trong việc hỗ trợ phần lãi suất để đương sự có cơ hội chuộc lại tài sản, không phải kê biên, thẩm định giá, thế chấp tài sản thế chấp, nhằm giảm tối thiểu các khoản chi phí trong quá trình thu hồi các khoản tiền cho tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện nhanh chóng trong việc thu hồi các khoản nợ cho ngân hàng. Đồng thời chỉ đạo Chấp hành viên cương quyết tổ chức kê biên, xử lý tài sản thế chấp nhằm đảm bảo cho việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện và triển khai tốt các quy chế phối hợp đã được ngành và cấp trên ký kết với các cơ quan, tổ chức trong công tác THADS. Thường xuyên phối hợp và chủ động thông tin giữa Chi cục với UBND xã, phường để kịp thời nắm bắt thông tin, điều kiện của người phải thi hành án.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên, nên Chi cục THADS thành phố Phổ Yên đã sớm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các cơ quan THADS tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được cấp trên giao cho.
Hoàng Nguyên Khang
Chi cục trưởng, Chi cục THADS thành phố Phổ Yên