Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; sáng ngày 24/11/2023, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cao Bằng đã thực hiện kết nối trực tuyến từ Cục đến 10 Chi cục THADS tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện một số quy định về công tác nghiệp vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham dự Hội nghị về phía Cục THADS có các đồng chí Lãnh đão Cục, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký, Chuyên viên, Kế toán; Về phía Chi cục THADS các huyện, thành phố có các đồng chí Lãnh đạo Chi cục, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký, Chuyên viên, Kế toán, Cán sự.
|
Hội nghị đã được nghe các đồng chí Lãnh đạo Cục quán triệt, triển khai các văn bản về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Quy định số 132/QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ ngày 28/6/2023 của Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự giai đoạn 2023-2026; Quy định số 1468-QĐ/TU ngày 07/11/2023 của Tỉnh ủy Cao Bằng về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Các văn bản được triển khai đã có những quy định nêu rõ
những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các quy định về việc
xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, giúp tổ chức, cá nhân công tác trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tự soi, tự sửa, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tránh mắc phải khuyết điểm, vi phạm; tạo cơ sở, điều kiện để cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng cũng như cán bộ, đảng viên, người dân tham gia kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, từng bước loại bỏ những hành vi lợi dụng, lạm dụng, sử dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, tố tụng, thi hành án.
Việc tổ chức, triển khai quán triệt các quy định của Trung ương và các văn bản của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng là việc làm hết sức quan trọng để các nội dung này được triển khai, trở thành hành động trong thực tiễn, giúp công chức, đảng viên kịp thời cập nhật kiến thức mới về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó giúp đảng viên, công chức nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Ngành nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác THADS, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh việc triển khai các văn bản về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Cục THADS đã triển khai đến Chi cục THADS các huyện, thành phố một số điểm mới của Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động THADS. Việc triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong đó việc quản lý hành chính và sử dụng các biểu mẫu nghiệp vụ về THADS được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả trong hệ thống THADS; bảo đảm sự thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình nghiên cứu và áp dụng các quy định về một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động THADS.
|
Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020, Cục THADS đã triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập đến toàn thể công chức trong toàn Ngành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, một số công chức vẫn còn lúng túng trong việc kê khai. Tại Hội nghị, Cục THADS đã hướng dẫn công chức tại Cục và Chi cục THADS các huyện, thành phố thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai; kê khai phải đảm bảo nghiêm túc, đầy đủ, rõ ràng, chính xác các thông tin quy định theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; đồng thời có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó… Nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập. Tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên (con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật) tại thời điểm hoàn thành bản kê khai. Giá trị tài sản, thu nhập kê khai được tính bằng tiền phải trả khi mua, khi nhận chuyển nhượng, xây dựng hoặc giá trị ước tính khi được cho, tặng, thừa kế.
Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có nghĩa vụ kê khai nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định của pháp luật, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của từng đảng viên, công chức trong việc kê khai. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của người kê khai. Nhằm xem xét, đánh giá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; phục cho công tác quản lý tổ chức cán bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Sau một buổi làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã phổ biến, quán triệt và triển khai được những nội dung quan trọng về công tác nghiệp vụ, các quy định về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập đến các thành phần tham gia Hội nghị. Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến đã tiết kiệm chi phí, thời gian cho công tác tổ chức, khắc phục hạn chế về mặt địa lý; góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong công chức toàn Ngành, từ đó đổi mới căn bản hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; Từng bước tạo lập dữ liệu mở cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho các hoạt động, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng năng xuất xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí. Góp phần cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Đinh Ba Duy - Văn phòng Cục THADS