UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Thi hành án dân sự, hành chính, tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự năm 2023 và triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

28/11/2023


Sáng 27/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 (với quy mô hơn 800 đại biểu ở 2 điểm cầu). Tại điểm cầu cấp tỉnh Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thi hành án dân sự tỉnh và đồng chí Phạm Quốc Nam, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đồng chủ trì Hội nghị; tại điểm cầu cấp huyện do các đồng chí đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ trì. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các Sở, ban, ngành liên quan, thành viên Ban chỉ đạo THADS 02 cấp, một số UBND các phường, xã, thị trấn cùng toàn thể công chức ngành THADS tỉnh Nghệ An. 
(ảnh Toàn cảnh hội nghị tai điểm cầu cấp tỉnh)
Năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, hành chính.
Nổi bật là: Công tác lãnh đạo chỉ đạo, quản lý nhà nước về THADS, HC của cấp ủy, chính quyền các cấp được tăng cường chặt chẽ, hiệu quả; Vai trò chủ lực của cơ quan THADS ngày càng được khẳng định trong việc chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả; Huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ thi hành án; Phát tối đa huy hiệu quả mô hình “Dân vận khéo trong THADS” trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ 99,3% vụ việc được giải quyết xong thông qua vận động thuyết phục của dân vận khéo. Nhờ vậy, kết quả công tác THADS, HC đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể: (1) Về THADS đã giải quyết xong 16.164 việc/611,6 tỷ đồng, vượt 02/02 chỉ tiêu cơ bản (vượt 3% về việc và 2,68% về tiền so với chỉ tiêu được giao; cao hơn cùng kỳ 2022 và cao hơn kết quả chung cả nước 2,56 % về việc; 3,24 % về tiền.); về theo dõi thi hành án hành chính đạt 100%, công tác theo dõi thi hành án hành chính ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả; (2) Công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng, việc thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng cao hơn năm 2022. Nhiều vụ việc lớn, phức tạp đã được giải quyết xong; (3) Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện nghiêm túc; (4) Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý trong THADS, HC; thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp; (5) Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan THADS tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; Kỷ luật, kỷ cương hành chính đảm bảo; Nội bộ đoàn kết, thống nhất. Những kết quả trên của công tác THADS, HC đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Có thể ghi nhận THADS,HC là điểm sáng của tỉnh năm 2023.
 (Ảnh các đại biểu tham luận tại Hội nghị)
Tại hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo THADS 2 cấp, Trại giam, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công An thành phố, UBND cấp xã và đại diện cơ quan THADS tại các điểm cầu cũng đã có ý kiến góp ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2024. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tranh chấp, nợ xấu, vỡ hụi có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Đặc biệt, quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thi hành án dân sự, nhất là việc đầu tư xây dựng 11 kho vật chứng đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, xem xét không giảm biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.
Một số ý kiến cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kịp thời áp dụng các biện pháp truy tìm, kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản nhằm bảo đảm việc thu hồi thiệt hại, tài sản của Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân không tham gia các phường, hụi trái pháp luật, tránh tình trạng tranh chấp khi vỡ hụi xảy ra, gây khó khăn trong việc thu hồi tài sản...
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh ghi nhận những kết quả mà ngành thi hành án dân sự đã đạt được trong thời gian qua. Dù năm 2023 là năm đầy biến động, kinh tế khó khăn, những nhận thức về pháp luật của các đương sự phải thi hành án còn hạn chế...
(ảnh đồng chí Lê Hồng Vinh phát biểu kết luận)
Ghi nhận những ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị, đồng chí Lê Hồng Vinh cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thi hành án, xác định đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị chứ không của riêng cơ quan thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc có điều kiện thực hiện nhưng cố tình không chịu thi hành.
Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là tại các địa phương có nhiều việc, nhiều tiền cần phải thi hành án.
Ngành cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương trong thi hành án dân sự, hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; thực hiện nghiêm chế độ quản lý tài chính, vật chứng theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án.
(ảnh tặng Giấy khen)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc thi hành án dân sự, hành chính. Tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo và trực tiếp thi hành các bản án; trước mắt, tập trung giải quyết xong bản án đang tồn đọng.
Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các ngành, các cấp trong công tác thi hành án, có cơ chế bảo vệ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế. Đặc biệt, cần nghiên cứu để xây dựng kho vật chứng chung, đảm bảo công tác bảo vệ, tránh gây hư hỏng, mất mát.
Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết và triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các quy chế phối hợp, qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính. Tránh để các vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2023.
Phan Thị Nhung - VP Cục THADS tỉnh Nghệ An