Bám sát địa bàn
Với 20 đơn vị hành chính trải dài dọc đường biên và 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, cả cơ quan Thi hành án dân sự huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chỉ có 3 chấp hành viên, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ nói chung còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với tinh thần thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc điều kiện THA của từng đối tượng, cũng như tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự Văn Lãng luôn cố gắng để thi hành dứt điểm các vụ việc, đặc biệt là án tồn đọng từ năm trước chuyển sang.
“Việc kiện toàn Ban chỉ đạo THADS cũng được huyện coi trọng ngay từ đầu năm, do có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban chỉ đạo nên việc định giá tài sản, xác minh, kê biên, tiêu hủy vật chứng… được tiến hành bài bản và có hiệu quả”. Chi cục trưởng THADS Văn Lãng Triệu Hồng Phin cho biết.
Cơ quan THADS cũng tăng cường phối hợp liên ngành và chính quyền cơ sở trong việc THA như phối hợp với trại giam, trại tạm giam và các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn thuyết phục, vận động thân nhân của người phải THA tự nguyện nộp các khoản án phí, tiền phạt, tiền bồi thường để người thân của họ được xem xét giảm án trước thời hạn. Công tác xét miễn giảm cũng được cơ quan THA phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát lập hồ sơ giải quyết.
Nhờ nỗ lực chung của cán bộ, chấp hành viên, từ đầu năm đến nay THADS Văn Lãng đã thi hành xong 81/185 việc, thu trên 164 triệu đồng, xét miễn, giảm hơn 10 việc. Đáng mừng là từ đầu năm tại Chi cục này không có đơn thư khiếu nại tố cáo.
Con nghiện thì không thể thi hành án
Khó khăn nhất trong công tác THADS ở Văn Lãng, cũng theo Chi cục trưởng Triệu Hồng Phin thì các đối tượng phạm tội chủ yếu là người dân tộc, trình độ văn hóa thấp, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế. Một số đối tượng là người nơi khác lên tạm trú làm ăn ở cửa khẩu. Do đó, khi họ phạm tội và bị kết án, cơ quan THA không xác định được địa chỉ, thân nhân vì khi họ “di cư” đến cửa khẩu không hề đăng ký hộ khẩu hay tạm trú tạm vắng.
Với những đặc thù của huyện miền núi biên giới như Văn Lãng là các đối tượng phạm tội chủ yếu về ma túy, tiền giả, mua bán phụ nữ, trộm cắp…. Đối tượng phải THA là con nghiện hoặc đang chấp hành hình phạt tù, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh xã hội và hầu hết đều không có công ăn việc làm, không có tài sản để THA. “Khi Tòa tuyên hình phạt phụ, tòa chưa quan tâm đến nhân thân, điều kiện kinh tế của người phạm tội nên tuyên những bản án rất “trên trời”. Chẳng hạn có những bản án tuyên từ năm 1999 tòa tuyên phạt số tiền 40 triệu đồng, nhưng khi đi xác minh điều kiện THA mới thấy họ là những hộ nghèo của xã, bữa ăn hàng ngày còn phải cứu tế huống hồ số tiền 40 triệu”, Chi cục trưởng Phin bức xúc.
Thu đã khó, trả tang vật cũng không kém phần nan giải. Nhiều vụ cơ quan THA mất nhiều công sức, tiền bạc để thông báo cho bị án và người thân của họ đến nhận tang vật nhưng không ai đến. Lý do là họ ở rất ra mà tang vật giá trị lại thấp.
Tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên là một trong những mục tiêu quan trọng mà THADS huyện Văn Lãng xác định phải làm “mọi nơi, mọi lúc”. Có hiểu biết pháp luật người dân không chỉ tự nguyện chấp hành án mà quan trọng hơn là họ không vi phạm pháp luật, an ninh trật tự đường biên được giữ vững, điều đó có ý nghiã hơn nhiều.
Việt Hòa
Hiện nay số án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành trên địa bàn Văn Lãng chủ yếu là án ma túy, số tiền phạt cao rất khó thi hành. Lý do các bị án không có tài sản để thi hành án, một số thụ hình xong về địa phương nhưng tái nghiện, phạm tội mới không có việc làm thu nhập để thi hành án. Ngoài ra án cấp dưỡng nuôi con cũng khó thi hành do đối tượng phải thụ hình nhiều năm trong trại cải tạo. |