Những vướng mắc trong việc hạch toán và sử dụng biên lai thu tiền tịch thu, tiền phạt và tịch thu của các vụ án ma tuý nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính.

12/05/2008

Tại Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự và Quyết định số 09/2007/QĐ-BTP ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tư pháp về việc ban hành  chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án quy định về việc sử dụng biên lai thu tiền thi hành án, tiền tịch thu sung công nộp cơ quan tài chính, tiền tịch thu và phạt của các vụ án ma tuý vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính và hạch toán kế toán thu, chi thi hành án tuy nhiên trong quá trình thực hiện cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện được.



       Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp việc thu tiền án phí, phạt, tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước được sử dụng biên lai thu tiền phí, lệ phí theo mẫu số 01- 05 /BLP do Cục Thuế phát hành và quản lý nhưng chưa quy định sử dụng loại biên lai nào để thu các khoản tiền tịch thu sung công nộp cơ quan tài chính và thu tiền phạt, tịch thu của các vụ án ma tuý nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở tài chính. Vì vậy đến thời điểm này cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa thực hiện việc nộp các khoản tiền này cho cơ quan tài chính.

       Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án đã quy định tiền, tài sản tịch thu sung công nộp cơ quan tài chính được hạch toán vào tài khoản 344 - thanh toán tài sản sung công nhưng chưa quy định khi nộp tiền phạt, tịch thu của các vụ án ma tuý vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính thì cơ quan thi hành án dân sự hạch toán vào tài khoản nào?

       Đối với những tài sản, tang vật tạm giữ không quy được thành tiền thì được hạch toán vào tài khoản 336 - Tạm giữ chờ xử lý và tài khoản 114 - Tài sản, tang vật theo đơn giá 1đồng, nhưng khi cơ quan thi hành án xử lý các tài sản đó theo quy định pháp luật thì chưa có tài khoản thích hợp để kết chuyển nghiệp vụ này nên báo cáo của kế toán không phản ánh được số tài sản đã giải quyết xong do đó khi đối chiếu tổng hợp kết quả thi hành án giữa hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên và số liệu kế toán (mẫu B08- THA) thì số liệu không khớp nhau của phần đối chiếu số việc đã giải quyết và thi hành xong trong kỳ.

                Ngoài ra, Tại khoản 3.2.2 mục 3 phần III - Hoạt động thu, chi tiền thi hành án có quy định "Khoản tiền mặt thu được để nộp án phí, tiền phạt  và tịch thu sung công quỹ nhà nước, Chấp hành viên yêu cầu kế toán làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống Kho bạc nhà nước mà không đưa vào tài khoản tạm giữ". Nhưng theo Quyết định số 09 chỉ quy định: "Các khoản thu phải nộp nhà nước gồm: án phí, lệ phí toà án; tiền phạt theo Bản án; Phạt hành chính; phí thi hành án; các khoản phải nộp khác" Theo QĐ 09 thì không có khoản tịch thu sung công của các bản án không phải là án ma tuý mà tài sản sung công phải hạch toán vào tài khoản 344 tức là phải chuyển cơ quan tài chính. Vậy đối với khoản tịch thu sung công của các bản án không phải là án ma tuý thì nộp vào ngân sách nhà nước hay nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính?

                Để thống nhất thực hiện các quy định pháp luật của các văn bản nói trên trong công tác thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp nên có hướng dẫn việc hạch toán kế toán, sử dụng biên lai thu tiền theo dõi các khoản tiền nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính.

Anh Tuấn