Vợ chồng A chấp nhận trả nợ 100 triệu đồng và lãi suất 1,1%/tháng và đồng ý trả nợ gốc và lãi hàng năm cho ông B với thời gian và phương thức như sau:
-Năm 2005, trả gốc 10 triệu đồng cộng lãi hàng tháng/nợ gốc với lãi suất 1,1% và thời hạn cuối vào ngày 31/12/2005. Năm 2006 và những năm tiếp theo trả 15triệu với lãi suất như trên cho đến khi hết nợ ngày 31/12/2011. Trường hợp A không trả gốc và lãi đúng hạn cho B theo như thoả thuận thì ông B có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi nhà 180 đường S để bán trả nợ gốc và lãi một lần cho B.
Đến tháng 01/2006 ông B có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo điều 23 PLTHADS năm 2004 theo đúng nội dung yêu cầu của ông B. Trong quá trình giải quyết thi hành án và xác minh thực tế tại địa phương cho biết: Tháng 8/2006 vợ chồng A đem ngôi nhà 180đường S thế chấp tại Ngân hàng vay số tiền: 65triệu đồng, sau khi nhận tiền vay xong, vợ chồng A tự nguyện giao ngôi nhà đó cho ông B quản lý, rồi vợ chồng A bỏ địa phương đi nơi khác không rõ địa chỉ. Ông B vẫn đang quản lý ngôi nhà của vợ chồng A. đến tháng 4/2007, ông B liên tiếp gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, xử lý ngôi nhà để trả nợ cho ông một lần số tiền theo án tuyên.
Tiếp đến tháng 10/2007, Ngân hàng khởi kiện vợ chồng A về Hợp đồng vay thế chấp và được Toà án xác định bằng bản án, số 95/DSST ngày 05/11/2007, tuyên buộc vợ chồng A phải trả nợ cho Ngân hàng số tiền gốc 65 triệu đồng và lãi phát sinh 8 triệu đồng, tổng cộng 73 triệu đồng. Ngoài ra, Toà án còn tuyên: Sau khi vợ chồng A thực hiện xong nghĩa vụ dân sự thì Ngân hàng phải hoàn trả lại giấy tờ gốc của ngôi nhà 180 đường S cho vợ chồng A.
Trước yêu cầu bức xúc của ông B, đến cuối tháng 11/2007 Chấp hành viên THA, tổ chức tiến hành kê biên, định giá theo quy trình pháp luật ngôi nhà 180 đường S của vợ chồng A theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án là 110triệu đồng. Chuẩn bị xử lý tài sản thì có nhiều ý kiến không đồng nhất trong việc kê biên, xử lý và thứ tự thanh toán tiền thi hành án như sau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng: Do vợ chồng A không thực hiện theo đúng sự thoả thuận của Toà án tuyên, nên ông B có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THA kê biên, xử lý tài sản (nhà 180 đường S) để thi hành một lần số tiền 100triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án là phù hợp quy định pháp luật. Từ yêu cầu đó Chấp hành viên tiến hành kê biên, định giá và phát mãi tài sản để thi hành đủ cho ông B cũng đúng quy định . Bởi vì, ngôi nhà 180đường S là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự của vợ chồng A đối với ông B và được toà án xác định rõ, cho nên áp dụng theo khoản 1- điều 27 Nghị định 173/CP, để thanh toán chi phí kê biên, định giá.. và số tiền cho ông B, nếu còn lại thanh toán tiếp cho Ngân hàng. Trường hợp, ngôi nhà đó thông báo và giảm giá nhiều theo quy định pháp luật vẫn không bán được (do giấy tờ Ngân hàng đang giữ ) thì áp dụng theo điều 48 pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 để giao ngôi nhà đó cho ông B khấu trừ thi hành án.Còn khoản phải thi hành cho Ngân hàng theo bản án số 95/DSST thì trả lại đơn yêu cầu là phù hợp quy định và kết thúc nhanh được các vụ việc thi hành án.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Việc tiến hành kê biên, định giá ngôi nhà 180 đường S là đúng pháp luật, nhưng xử lý tài sản và thanh toán theo quan điểm thứ nhất là không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi cho Ngân hàng và làm giảm giá trị ngôi nhà đó xuống thấp do ảnh hưởng của việc tổ chức bán đấu giá ngôi nhà mà không có giấy tờ sở hữu nhà (Ngân hàng đang giữ giấy tờ nhà thế chấp). Do vậy, để xử lý ngôi nhà đó đúng quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì phải xem xét dưới hai gốc độ: Thứ nhất, ở Quyết định- CNSTT số: 102/QĐ-DSST ngôi nhà 180 đường S của vợ chồng A đã được Toà án xác định là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự của Vợ chồng A đối với khoản nợ cho ông B, còn bản án số 95/DSST Toà án cũng công nhận việc tranh chấp hợp đồng thế chấp và đưa giấy tờ gốc ngôi nhà đó là tài sản đảm bảo thi hành án dân sự của vợ chồng A đối với Ngân hàng, thực chất toàn bộ giấy tờ gốc của ngôi nhà đó Ngân hàng đang giữ thế chấp cho vay số tiền 65triệu và lãi suất phát sinh. Như vậy, cùng một tài sản có giá trị nhỏ hơn nghĩa vụ dân sự mà Toà án đều đưa vào xác định là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự của vợ chồng A ở hai bản án khác nhau có được coi là phù hợp quy định pháp luật không? Thứ hai, việc tranh chấp hợp đồng thế chấp giữa vợ chồng A và Ngân hàng xảy ra sau khi toà án ra Quyết định công nhận việc nợ nần giữa vợ chồng A và ông B, nhưng cũng không có cơ sở pháp lý nào chứng minh được hành vi vợ chồng A lừa đảo đem tài sản đảm bảo trả nợ cho ông B để thế chấp Ngân hàng lấy tiền rồi bỏ trốn. Do đó, nếu bán ngôi nhà đó để thanh toán cho riêng ông B cũng không đúng quy định và cũng không thể ưu tiên thanh toán Ngân hàng theo khoản 3-điều 27 Nghị định 173/CP được, mà áp dụng theo chia đều tỉ lệ cho hai bên, vừa đảm bảo giá trị ngôi nhà, vừa bảo vệ được quyền lợi cho Ngân hàng và ông B, kể cả cho việc thuận lợi tổ chức bán đấu giá ngôi nhà đó.
Ý kiến thứ ba cho rằng: Khi Chấp hành viên tiến hành kê biên đến cuối tháng 11/2007 và biết rõ ngôi nhà bị kê biên đã thế chấp vay ở Ngân hàng và được Toà án xác định cụ thể bằng bản án. Cho nên, ở thời điểm tiến hành kê biên, thì quyền sở hữu ngôi nhà của vợ chồng A bị hạn chế về quyền sở hữu, (toàn bộ giấy tờ gốc ngôi nhà đó Ngân hàng đang quản lý). Mặt khác, Hợp đồng vay thế chấp giữa vợ chồng A với Ngân hàng cũng được Toà án công nhận là hợp đồng vay thế chấp hợp pháp, khoản nợ của Ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của vợ chồng A. Do đó, khi xử lý tài sản phải ưu tiên trả cho Ngân hàng còn dư thanh toán tiếp cho ông B là phù hợp. Khoản phải thi hành cho ông B là thuộc diện thi hành đều theo định kỳ đến tháng 12/2011 mới chấm dứt. Cho nên, nếu ưu tiên trả đủ một lần 100triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án cho ông B ngay tại thời điểm này thì không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho ngân hàng và tất nhiên Ngân hàng sẽ khiếu nại việc xử lý tài sản thi hành án…
Từ những ý kiến không đồng nhất trong việc kê biên, xử lý và thứ tự thanh toán tài sản nêu trên. Tác giả bài viết này đồng tình theo quan điểm 2 và mạnh dạn nêu lên để cùng đồng nghiệp trao đổi, góp phần hiệu quả hơn trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự./.
Lê Lanh - Thi hành án dân sự TP Tuy Hoà, Phú Yên