Như vậy, đối với các bản án, quyết định của Toà án về hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và thụ lý thi hành đối với phần tài sản (như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, đất đai v.v.) được tuyên rõ trong bản án, quyết định của Toà án. Đối với bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính mà nội dung phần quyết định chỉ tuyên bác đơn kiện hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên cụ thể các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.
Từ năm 2000 đến nay Thi hành án dân sự huyện Duy Xuyên thụ lý, tổ chức thi hành 07 quyết định về án hành chính/ 04 vụ án của Toà án chuyển giao, chiểm tỷ lệ nhỏ trong lượng việc và giá trị phải thụ lý, thi hành của đơn vị.
TAND đã chuyển giao kịp thời cho cơ quan Thi hành án các Quyết định về an hành chính. Tính chất, nội dung thi hành án các việc này đều đơn giản; đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật. Đó là các nội dung : trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp để thu án phí hành chính; trả lại cho người khởi kiện tiền tạm ứng án phí; sung vào công quỹ nhà nước một phần tiền tạm ứng án phí.
Kết quả thi hành án về hành chính ở Duy Xuyên đạt 100% lượng việc và giá trị phải thụ lý, đưa ra thi hành. Trong 09 năm, so với tổng lượng án các loại, thì số án hành chính chỉ chiếm 0,18% tổng số việc (7/3724), chiếm 0,0006% tổng số giá trị (125.000/20.770.301.000).
Tuy nhiên theo trách nhiệm được giao như nêu trên, đối với các khoản như : bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, đất đai, v.v. mà người phải thi hành án là UBND (hoặc là các cơ quan nhà nước khác), thì việc thi hành có đơn giản, thuận lợi như vậy hay không(?), là vấn đề đặt ra phía trước.
Qua thông tin trong nước, chúng tôi thấy tính phức tạp sẽ gấp bội, khi bên phải thi hành án là UBND (hoặc là các cơ quan nhà nước khác), lại không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ về các khoản như : bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, đất đai, v.v. (tuy được tuyên rõ trong bản án, quyết định của Toà án), theo yêu cầu hợp pháp của các cá nhân và tổ chức có quyền thụ hưởng. Phức tạp tăng lên trong trường hợp cơ quan thi hành án tổ chức thi hành đối với UBND (hoặc là các cơ quan nhà nước khác) cùng cấp phải thi hành án. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành các khoản như : (nêu trên), từ khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá; trừ vào thu nhập; phong toả tài khoản, tài sản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước; kê biên, xử lý tài sản; buộc chuyển giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật, tài sản khác; đến cấm hoặc buộc không làm hoặc phải làm công việc nhất định đối với cơ quan phải thi hành án là cơ quan nhà nước, nhất là đối với UBND sẽ không khả thi, nếu không có quy định cụ thể.
Tâm lý phổ biến hiện nay là : Với án hành chính, việc thi hành bản án như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự “tự giác” của cơ quan hành chính. Không có cơ quan thi hành án nào có thể buộc UBND, hoặc các cơ quan nhà nước phải thi hành bản án, nếu UBND hoặc các cơ quan nhà nước không thi hành thì cũng chẳng có biện pháp chế tài nào. Cơ quan thi hành án không có cơ sở pháp lý về xử lý về tài sản của UBND hoặc của các cơ quan nhà nướcđể thi hành án. Các tài sản của UBND, được điều chỉnh bởi Luật ngân sách nhà nước, chi “để thi hành án” không được quy định là một nội dung - nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước địa phương. Quốc hội đang thảo luận dự án Luật bồi thường Nhà nước, nếu được thông qua thì mới có phần nội dung; còn đòi hỏi quy định về thủ tục tố tụng, gây cấn nhất vẫn là giai đoạn thi hành án.
Trong thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Nghị định số 173/2004/ NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự đã xác định rõ, tại Khoản 3 Điều 22 là : “3. Đối với cơ quan nhà nước, … hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước trực tiếp cấp mà yêu cầu cơ quan, … đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh thi hành án dân sự và Điều 4 của Nghị định này”.
Song qua bài viết “Hỗ trợ tài chính để thi hành án: Người sốt sắng, kẻ thờ ơ”, đăng trên Trang thông tin công tác thi hành án dân sự, ngày 19/5/2008, của Thu Hằng – Báo Pháp luật Việt Nam, những người có trách nhiệm đều quan ngại. Tại sao có tình trạng thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính để thi hành án (tuy được xem là một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết án tồn đọng) như Thu Hằng đề cập. Cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, là các đối tượng được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để THADS (quy định tại Điều 1 Mục II, Thông tư 86/TT-BTC ngày 03/10/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 136/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để THADS). Nhưng khi là bên phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, (tuy là các đối tượng được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để THADS) lại thờ ơ, gây ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của bản án, quyết định của Toà án.
Mặt khác, thì công tác quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự, chỉ đạo phối hợp trong thi hành án trong những trường hợp này đạt hiệu quả như thế nào là do việc phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong đó, cơ quan thi hành án dân sự làm lực lượng nòng cốt; UBND có trách nhiệm chủ trì.
Từ đó, chúng tôi đề nghị cấp trên dự liệu và quy định cụ thể các biện pháp thi hành đối với loại án có tính đặc thù - gắn liền với chức năng quản lý hành chính như nêu trên, mới có thể bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các cá nhân và tổ chức trong thực tiễn xã hội.
Trong đó, nên xác định thẩm quyền thi hành án hành chính những nội dung này phải là cơ quan thi hành án trên UBND (hoặc là các cơ quan nhà nước khác) phải thi hành án một bậc (theo cấp độ hành chính). Đồng thời, UBND cấp trên cần chỉ đạo UBND cấp dưới (hoặc Chính Phủ đối với UBND cấp tỉnh) phải thực hiện nghiêm túc bản án, quyết định của Toà án. Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ THA của UBND (hoặc là các cơ quan nhà nước khác) mà mình là lãnh đạo. Tương tự, các cơ quan quản lý cấp trên cần đốc thúc các đơn vị cấp dưới thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Về quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước và các tài sản tại UBND và các cơ quan nhà nước, cần có quy định xử lý như các chủ thể khác trong quan hệ dân sự để thi hành án. Trong trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ cần phối hợp với cơ quan THA để nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục giải quyết nợ (phải thi hành án).
Theo đó, cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hợp lý việc thi hành án hành chính. Thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ đối với cơ quan thi hành án, mà cần đồng thời chú trọng cả đối với cơ quan phối hợp trong tổ chức thi hành án và đối với UBND hoặc cơ quan nhà nước phải thi hành án. Đối với UBND phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, của UBND cấp trên và cao nhất là Chính Phủ. Đối với các cơ quan nhà nước phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp và lãnh đạo ngành cấp trên./.