Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hoạt động hoà giải trong công tác thi hành án dân sự

09/01/2009
Thanh Hoá là một tỉnh có số lượng dân cư đông, gồm 4 triệu người. Phân bố trên phạm vi rộng thuộc 634 xã, phường, thị trấn từ huyện Mường Lát giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) xuống đến biển với độ dài trên 200km.


Trong những năm gần đây mặc dù số lượng các vụ án do Toà án nhân dân các cấp xét xử có giảm nhiều, tuy nhiên số việc về thi hành án dân sự phải thi hành hàng năm kể cả số án tồn của năm trước chuyển qua vẫn là con số đáng lo ngại. Theo báo cáo về công tác thi hành án dân sự năm 2008, tổng số việc thi hành toàn tỉnh 12.045 việc; trong đó việc có điều kiện 6.773 việc, thi hành xong 5.559 việc kể cả những việc đình chỉ (473 vụ) đạt tỷ lệ 82,07%. Nếu tính bình quân giải quyết mỗi chấp hành viên khoảng 70 việc/năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của lực lượng thi hành án Thanh Hoá từ trước đến nay tỷ lệ giải quyết việc đạt 82%, về tiền thi hành đạt tỷ lệ 56,94%. Một thực tế cho thấy nếu số việc thụ lý hàng năm nếu xác minh, phân loại án chủ động hơn, chính xác hơn thì số việc có điều kiện thi hành có thể còn cao hơn không phải chỉ dừng ở con số 6.773 việc/ tổng số 12.045 việc. Như vậy còn khoảng non một nửa số việc người dân vẫn phải chờ đợi khi nào cơ quan thi hành án xác minh có điều kiện thì mới đến lượt để được thi hành. Thời gian không hẹn vẫn đang còn ở phía trước. Hiện tại số vụ tồn đọng kéo dài từ trước đến nay mà năm 2008 chuyển sang năm 2009 là 6.251 việc tương đương với số việc có điều kiện thi hành của năm 2008. Vậy năm tới giải pháp nào có thể giúp cho việc giải quyết số án tồn lưu cửu được giảm nhanh bảo vệ quyền lợi cho người được thi hành.

Trong nhiều năm qua Chính phủ, Bộ Tư pháp cùng ban hành nhiều văn bản tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động thi hành án. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chấp hành viên và cán bộ thi hành án... Đây là những việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên tiến độ và tỷ lệ giải quyết vẫn đang còn rất khiêm tốn so với sự thật mà xã hội yêu cầu. Một câu hỏi đặt ra tại sao chúng ta không có những quy định hay những kế hoạch giao cho UBND xã tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân ở các cộng đồng dân cư về công tác thi hành án dân sự. Qua đó tạo ra sức mạnh của dư luận từ nhân dân hỗ trợ cho công tác thi hành các bản án của nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho công dân; đồng thời lên án những kẻ chây lười cố tình không chịu thi hành án. Xét cho cùng không ai nắm dân bằng chính quyền cơ sở, không ai hiểu dân bằng chính những người dân cùng sống  trong một cộng đồng dân cư. Nếu người dân hiểu biết pháp luật thì chính họ là những tuyên truyền viên, vận động viên hay hoà giải viên biết đâu sự thành công của việc nâng cao tỷ lệ thi hành án hàng năm lại có sự đóng góp của chính người dân. ở tỉnh ta hiện nay có khoảng gần 6000 tổ hoà giải. Hàng năm hàng ngàn vụ việc xảy ra từ mỗi gia đình, dòng họ, ở cộng đồng dân cư, bằng sự giáo dục thuyết phục của lực lượng hoà giải viên đã có tới 85% - 90% số vụ xích mích tranh chấp được dàn xếp       ổn thoả.

 Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở cùng chưa có quy định nào hoà giải về thi hành án dân sự. Sở Tư pháp, Uỷ ban mặt trận tổ quốc các cấp cũng như các cơ quan thi hành án dân sự cũng chưa có một văn bản pháp lý nào hướng dẫn tổ hoà giải tiến hành  hoà giải các việc về thi hành án. Tuy nhiên trong thực tế có một số nơi Tổ hoà giải bằng trách nhiệm, lòng nhiệt tình và vì sự công bằng họ đã thành công trong việc thi hành án mà nhiều năm vẫn bị coi là chưa có điều kiện thi hành . Ví dụ như việc thi hành án ở thôn 7 xã Đông Anh - huyện Đông Sơn, Bản án của Toà án tuyên phạt ông Nguyễn Sĩ Hưng 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích và bồi thường cho ông Nguyễn Duy Kiều 11.500.000 đồng. Sau khi mãn hạn tù từ năm 2000 đến nay đã ngót chục năm nhưng cơ quan thi hành án huyện Đông Sơn đã nhiều lần thi hành nhưng vẫn không kết quả. Do quá bức xúc ông Kiều đã nhiều lần gây rối gia đình ông Minh (bố vợ ông Hưng). Ông Minh phải làm đơn gửi các cơ quan can thiệp. Trước sự kiện đó UBND xã Đông Anh đã cử cán bộ tư pháp cùng với tổ hoà giải thôn 7 tiến hành dàn xếp. Qua 6 tháng tuyên truyền, vận động, thuyết phục cuối cùng gia đình ông Kiều đồng ý giảm cho ông Hưng (người phải thi hành án) 5.500.000 đồng, số tiền còn lại hai bên đã bàn giao xong trước sự chứng kiến của tổ hoà giải. Tương tự như vậy tại thôn 14 làng Phú Lộc xã Hà Linh huyện Hà Trung vụ Nguyễn Trung Anh gây thương tích cho anh Lê Văn Hưng, tổng số tiền chi phí khoảng 45 triệu, trong lúc cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình bị hại quá khó khăn, trưởng thôn cùng với tổ hoà giải vào dàn xếp, vận động gia đình anh Nguyễn Trung Anh đã kịp thời hỗ trợ 2 lần, lần 10 triệu, lần 27 triệu để lấy tiền trang trãi thuốc men. Chỗ quyết định của Toà án gia đình anh Minh sẽ thi hành tiếp.

Lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy "dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Qua ví dụ ở hai địa phương là một minh chứng để khẳng định nếu chúng ta không biết dựa vào chính quyền và nhân dân ở cơ sở thì khó khăn vất vả cho công tác thi hành án cũng có một phần chủ quan do chính lực lượng thi hành án tạo ra chưa nói đến việc kinh phí hạn hẹp, trình độ dân trí thấp và hàng loạt cơ chế chính sách vừa sơ cứng, vừa lỗi thời không tiến kịp với sự phát triển của xã hội. Trong lúc chúng ta đang ngồi chò Quốc Hội thông qua Luật Thi hành án dân sự, sau Luật còn hàng loạt Nghị định, Thông tư, công văn... sắp xếp bộ máy, con người có thể một năm hoặc vài năm mới ổn định. Vậy số lượng án hàng năm chúng ta có được phép tiếp tục để con số tồn đọng kéo dài không? Chắc chắn không!!!. Vậy trong lúc chúng ta đang áp dụng pháp luật hiện hành ngoài các giải pháp đặt ra trong tiến trình cải cách tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực thi hành án dân sự nên chăng cần có những quy định có tính pháp lý về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan nhà nước khác. Các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về thi hành án cho nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Hàng tháng, hàng quý cơ quan thi hành án dân sự thông tin cho UBND các xã, phường, thị trấn trong huyện những đối tượng phải thi hành án nhưng cố tình không chịu thi hành. Những đối tượng phải thi hành án nhưng chưa có điều kiện thi hành để dân biết. Thông qua dân là tai mắt giúp cho cơ quan quản lý không những chỉ theo dõi, giám sát những trường hợp phân tán tài sản để đưa vào diện "không có điều kiện" thi hành mà còn giám sát được cả những hành vi thiếu trung thực, ngại khó, ngại khổ của một vài công chức thi hành án thiếu trách nhiệm. Một vấn đề khác chúng tôi thấy cũng rất hữu hiệu là sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với UBND, các đoàn thể mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh các xã, phường, thị trấn. Bằng những kế hoạch phối hợp ngay từ cơ sở chỉ đạo các tổ hoà giải do các trưởng thôn, khu phố phụ trách tiến hành những cuộc vận động, giáo dục thuyết phục mọi người chấp hành pháp luật và các đoàn thể xác định đây là tiêu chí được công nhận làng văn hoá, phố văn hoá, cơ quan văn hoá chắc chắn hoạt động thi hành án dân sự trong những năm tới sẽ có những khởi sắc mới mang đậm tính xã hội hoá.

Lê Nguyệt