Thi hành án hành chính: Đừng thấy khó mà “nản”

10/05/2012
“Án hành chính, xử đã khó, thi hành còn khó hơn” - đó là nhận định của nhiều chấp hành viên khi phải thi hành các bản án hành chính, bởi theo họ đây là loại án “nhạy cảm, động chạm”. Tuy nhiên, nếu không thi hành thì họ như phải “đi giữa hai làn đạn” bởi sẽ bị bên được kiện đòi quyền lợi.


"Động” đến chính quyền là “oải”.

Tháng 8/2011, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ kiện ông P.N.N kiện UBND Đ. (Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử đã nhận định: Chủ tịch UBND phường Đ. đã không xác định đúng hành vi vi phạm hành chính để ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông N; Hai quyết định hành chính do Chủ tịch phường Điện Biên ban hành đều không nêu rõ căn cứ cụ thể... và ban hành trái thẩm quyền quy định. Do đó, Hội đồng xét xử đã quyết định huỷ 2 quyết định của Chủ tịch UBND phường Đ. và buộc  phường này phải bồi thường cho ông N. hơn 62 triệu đồng.

Tháng 9/2011, Chi cục Thi hành án quận đã ra quyết định Thi hành án, buộc UBND phường Đ phải trả cho ông N số tiền bản án đã tuyên. Quyết định nêu rõ: “Từ ngày đại diện gia đình ông N. có đơn yêu cầu bồi thường mà UBND phường Đ. chậm bồi thường thì phải chịu lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương ứng với thời gian chậm thi hành án. Người thi hành án có thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày quyết định này được thông báo hợp lệ…”. Tuy nhiên, UBND phường này cho rằng mình vẫn còn quyền khiếu nại giám đốc thẩm nên sau đó lần lữa thi hành án.

Một bản án hành chính khác cũng của TAND TP. Hà Nội xử vụ kiện giữa công dân N.T.T.T ở quận H. với UBND quận này. Vì cho rằng gia đình mình bị thu hồi đất trái pháp luật, bà T. đã khởi kiện vụ án hành chính đối với UBND quận H. Ngày 29/9/2011, TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy Quyết định hành chính của quận H. về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà T. khi thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường phía Bắc trung tâm hành chính quận đồng thời bộc UBND quận H. phải thực hiện hỗ trợ bằng bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền cho hộ bà T. theo quy định của pháp luật. Mặc dù bản án hành chính của TAND TP.Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều tháng và bà T. có đơn đề nghị thi hành bản án gửi UBND quận nhưng không hề nhận được hồi âm. Bà T. Đến cơ quan Thi hành án dân sự “nhờ’ can thiệp, Thi hành án đã có văn bản gửi Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận H. và Chủ tịch UBND quận yêu cầu thực hiện bản án nhưng cho tới nay UBND quận vẫn “im lặng”.

Trước pháp luật, phải công bằng

Nếu như các thẩm phán luôn “kêu trời” vì phải xử án hành chính thì các chấp hành viên thi hành án cũng trong tình trạng tương tự khi phải thi hành những vụ án này. Sự phụ thuộc của chấp hành viên, cơ quan Thi hành án vào chính quyền địa phương (UBND – pv), dẫn đến tình trạng nhiều bản án hành chính có hiệu lực không được thi hành. Nhất là trong trường hợp chính quyền địa phương không tự nguyện thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện, theo Luật thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án được quyền cưỡng chế. Nhưng cưỡng chế đối với người đứng đầu chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND) thử hỏi ai dám làm? Đó là chưa kể ở địa phương, Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND đang giữ vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo THADS, nếu UBND là bên phải thi hành án lại đồng thời giữ “chân” Ban chỉ đạo sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thế những, nếu ngại “động chạm” thì các bản án hành chính sẽ vĩnh viễn nằm đó? Luật sư Lê Thu Hương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: trước pháp luật dù là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân đều bình đẳng. Nếu bên phải Thi hành án là chính quyền địa phương thì càng phải gương mẫu. Chấp hành viên cũng không nên phân biệt người phải thi hành án là ai mà nương tay.

Mặt khác, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, cao hơn là BLHS đã quy định rõ về hành vi không chấp hành án, ở mức độ nào thì bị xử lý hành chính, mức độ nào phải xử lý hình sự. Do đó, vấn đề không phải là thiếu chế tài mà là thực hiện ra sao.

Nâng cao nhận thức về thi hành án ngay trong chính những người nắm cương vị chủ chốt của chính quyền là việc làm cần thiết. Trong trường hợp cố tình chây ỳ, trốn tránh thì cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh nếu không sẽ gây ra tình trạng “nhờn luật”.

Hương Bằng (Thu Hằng – nội chính)