Giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng - Một số bất cập từ thực tiễn thi hành

01/02/2018

Giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định là một loại việc thi hành án đặc thù của các vụ án hôn nhân và gia đình. Trong bối cảnh các vụ việc ly hôn ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay thì số lượng các việc thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng mà các cơ quan thi hành án dân sự phải giải quyết ngày càng nhiều. Đây là một loại việc thi hành án rất phức tạp do đối tượng thi hành án ở đây không phải là tiền hay tài sản mà là con người. Việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thường rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của cả người được thi hành án, người phải thi hành án và đặc biệt là người chưa thành niên. Thậm chí còn có thể gặp phải sự cản trở, chống đối từ rất nhiều phía như gia đình, họ hàng, dư luận địa phương….nên rất khó khăn khi thực hiện.



Biện pháp cưỡng chế thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định được quy định tại khoản 6 Điều 71, Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc áp dụng các quy định của pháp luật vẫn còn một số bất cập như sau:
Thứ nhất: Việc xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Thi hành án dân sự: Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP thì mức xử phạt tương ứng với  hành vi“không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” có mức phạt tiền từ  3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Theo Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 68 Nghị định 67/2015/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa mà Chấp hành viên có quyền áp dụng là 500.000 đồng, đối với Chi cục trưởng là 2.500.000 đồng; đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu là 20.000.000 đồng.
Như vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định không thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự mà thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định, Chấp hành viên phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ để đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính.         
Trên thực tế việc làm này mất tương đối nhiều thời gian của Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự. Do đó cần xem xét nâng cao hơn nữa thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trong trường hợp này để tạo thuận lợi cho việc thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng nói riêng và việc tổ chức thi hành án nói chung[1].
Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án
Theo Điều 39 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên phải thông báo quyết định cưỡng chế thi hành án cho đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trong việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì quy định này lại chưa thực sự phù hợp. Bởi lẽ đối tượng thi hành án ở đây là con người, do đó khác với những việc thi hành án thông thường, người phải thi hành án hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng người chưa thành niên khi biết trước về việc cưỡng chế thi hành án thường đem người chưa thành niên đi bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án huy động lực lượng cưỡng chế đến địa điểm cưỡng chế thì không thực hiện được việc cưỡng chế do người chưa thành niên đã bị đem đi nơi khác. Do vậy, cần có những giải pháp cho trường hợp này như có thể xem xét bổ sung quy định riêng đối với biện pháp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự (tương tự như khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án) để nâng cao hiệu quả tổ chức cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên trên thực tế.
Thứ ba, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014, thì khi hết thời hạn đã ấn định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính (5 ngày làm việc) mà người phải thi hành án không thực hiện thì “Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Tại Điều 380 Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018( sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định về tội không chấp hành án như sau:
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại Chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể thấy quy định tại khoản 2 Điều 120 của  Luật Thi hành án dân sự phù hợp với quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2017 về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội không chấp hành án. Tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án trong những trường hợp này.
 Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về các loại văn bản cần phải chuyển giao cho cơ quan Công an trong quá trình đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, các cơ quan thi hành án dân sự ở mỗi địa phương lại thực hiện một cách khác nhau. Do đó cần có quy định rõ các loại văn bản mà cơ quan thi hành án dân sự cần chuyển giao đến cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc thi hành án giao người chưa thành niên nói riêng và các việc thi hành án liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung để các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện một cách thống nhất và chính xác. 
Trên thực tế, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều thủ tục để lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa chắc được cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thống nhất giải quyết. Có những trường hợp cơ quan thi hành án phải nhiều lần gửi Công văn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự; đề nghị Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chỉ đạo nhưng không có kết quả hoặc chậm có kết quả.
Tại Điều 169 Luật Thi hành án dân sự đã có quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an trong thi hành án dân sự.  Bên cạnh đó Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng đã có các Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc phối hợp giữa cơ quan Công an với cơ quan thi hành án dân sự như: Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BCA-BTP ngày 30/3/2012 quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân. Tuy nhiên cần phải quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp giữa cơ quan Công an với cơ quan thi hành án dân sự trong việc điều tra, truy tố các tội phạm trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2017 đã có những sửa đổi bổ sung rất quan trọng về các tội phạm trong hoạt động thi hành án.
Cưỡng chế thi hành án nói chung và cưỡng chế thi hành giao người chưa thành niên nói riêng là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Do đó cần thiết phải hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành án đối với những loại việc này.
Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa,
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1] Xem thêm bài: Xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự- Vì sao kém hiệu quả? http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-thi-hanh-an-dan-su-vi-sao-kem-hieu-qua-360854.html, ngày đăng : 16/10/2017, ngày trc: 20/1/2018.