Vai trò của Trưởng thôn trong quá trình tổ chức việc thi hành dân sự

06/04/2018
Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại. Quá trình tổ chức thi hành án dân sự là một quá trình đa dạng, phức tạp, trải qua nhiều trình tự, thủ tục luật định. Để giải quyết việc thi hành án dân sự, trong quá trình tác nghiệp cần có sự tham gia, phối hợp của rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở những vai trò, vị trí khác nhau.


Nội dung bài viết trong giới hạn đi sâu phân tích, làm rõ vai trò của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng bản (gọi chung là Trưởng thôn) trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trưởng thôn là người đứng đầu một đơn vị cộng đồng dân cư, có mối quan hệ mật thiết với công động dân cư, do người dân trong cộng đồng bầu ra để thay mặt và đại diện cho cộng đồng giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống dân cư. Về mặt hành chính, Thôn và Trưởng thôn không phải là một cấp chính quyền, tuy nhiên lại là cầu nối quan trọng để đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Trưởng thôn có những vai trò nhất định.
1. Vai trò của Trưởng thôn trong việc thông báo thi hành án dân sự
Thông báo thi hành án dân sự (tống đạt quyết định thi hành án, giấy triệu tập, quyết định cưỡng chế thi hành án...) là hoạt động thường xuyên và liên tục của cơ quan thi hành án dân sự. Hoạt động thông báo thi hành án thông thường được thông báo trực tiếp cá nhân, tổ chức được thông báo. Với vai trò là Trưởng thôn, người nắm rõ chi tiết, cụ thể về nơi cư trú của người được thông báo (người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan...) tại thôn mình quản lý, Trưởng thôn là người dẫn, chỉ đường cùng cơ quan thi hành án tới nơi cư trú của người được thông báo. Việc thông báo thi hành án được thực hiện nhanh chóng, đạt hiệu quả cao khi có sự tham gia của Trưởng thôn.
Thực tế tác nghiệp, Chấp hành viên, Thư ký thi hành án dân sự (gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự) gặp khó khăn trong việc thông báo thi hành án khi không có sự tham gia của Trưởng thôn. Cơ quan thi hành án dân sự cùng cán bộ cấp xã lúng túng, mất thời gian khi phải hỏi thăm địa chỉ cụ thể của người được thông báo. Có những trường hợp cơ quan thi hành án không thể thông báo trực tiếp cho cá nhân người được thông báo khi ở một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thì người được thông báo có tên gọi theo biệt danh, theo tên khác so với bản án, quyết định, vì vậy cơ quan thi hành án có hỏi thăm người dân địa phương thì cũng không ai biết người được thông báo là ai và ở đâu.
2.  Vai trò của Trưởng thôn trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là thủ tục bắt buộc đối với cơ quan thi hành án dân sự khi hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án hoặc có yêu cầu đúng quy định pháp luật của người được thi hành án.
Trưởng thôn là người trực tiếp gần người phải thi hành án, sát người phải thi hành án, cơ bản nắm cụ thể, chi tiết về tài sản chung, tài sản riêng, nguồn thu nhập của người phải thi hành án. Vì vậy với việc phối hợp tốt của Trưởng thôn, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả cao.
Tuy nhiên trong thực tế tác nghiệp, cơ quan thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn khi Trưởng thôn là người có mối quan hệ thân thiết hoặc là anh em với người phải thi hành án và không phối hợp tốt trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án. Với tâm lý trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, che giấu tài sản, nguồn thu nhập, người phải thi hành án sẽ cùng với Trưởng thôn cung cấp thông tin về tài sản, nguồn thu nhập sai sự thật, nhằm trốn tránh nghĩa vụ, che giấu, tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
Ví dụ: Theo Quyết định thi hành theo đơn yêu cầu số 99/QĐ - CCTHA ngày 13/03/2015 của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện NL thì vợ chồng ông A, bà B phải trả cho bà C số tiền nợ năm 2014 là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng ) và lãi suất trả chậm thi hành án.
Hết thời gian tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của vợ chồng ông A, bà B. Kết quả xác minh thực tế, qua cung cấp của cán bộ địa chính xã, vợ chồng ông A, bà B đang ở trên căn nhà cấp 4 diện tích 60m2, nằm trên diện tích đất 200 m2, nhà và đất là của bố mẹ đẻ ông A, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố đẻ ông A; ông A, bà B không nghề nghiệp ổn định, nguồn thu nhập của gia đình là từ tiền công lao động tự do của ông A, bà B, thu nhập đảm bảo mức sống tối thiểu của gia đình. Vợ chồng ông A, bà B đang trực tiếp nuôi dưỡng 02 con trâu cái, màu đen trọng lượng mỗi con khoảng 300 kg, theo trình bày của ông A, bà B thì 02 con trâu trên là ông bà nhận nuôi rẻ của ông H là chú họ ông A, người trong thôn theo hình thức trâu đẻ 2 con thì ông A, bà B được nhận 1 con, 1 con trả cho ông H (nuôi rẻ trâu, bò là hình thức cho mượn trâu bò để nuôi sinh sản theo thỏa thuận, tùy mỗi vùng miền có tên gọi khác nhau). Bản chất vật nuôi là trâu bò không đăng ký quyền sở hữu, nên chính quyền địa phương cũng không nắm rõ cụ thể. Ông T là Trưởng thôn (là em họ của vợ chồng ông A, bà B) khẳng định lời trình bày của ông A, bà B là đúng sự thật, là người chứng kiến việc nuôi rẻ trâu của ông A, bà A và ông H, ông cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật và ký vào biên bản xác minh.
Quá trình giải quyết thi hành án tiếp theo, bằng kinh nghiệm thực tế, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện NL đã xác minh cụ thể và khẳng định 02 con trâu nêu trên là tài sản riêng của vợ chồng ông A, bà B, tuy nhiên ông A, bà B đã tẩu tán trước đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự huyện NL, cùng chính quyền địa phương, đại diện Công an huyện NL làm việc trực tiếp với vợ chồng ông A, bà B với nội dung nếu ông bà vẫn tiếp tục trốn tránh nghĩa vụ, không tự nguyện thi hành án sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ hành vi của ông A, bà B. Đến lúc này ông A, bà B mới tự nguyện thi hành án nộp đủ số tiền nợ 20.000.000 đồng và lãi trả chậm phát sinh cho cơ quan thi hành án dân sự.
Cuối cùng vụ việc cũng được giải quyết dứt điểm, đạt kết quả cao, tuy nhiên chỉ vì việc khai báo gian dối, tẩu tán tài sản của người phải thi hành án với sự không hiệu quả của Trưởng thôn đã làm cho việc tổ chức thi hành án kéo dài, phức tạp, tốn thời gian, công sức của nhiều cơ quan, ban nghành. Về trách nhiệm pháp lý của Trưởng thôn cũng không được giải quyết dứt điểm, khi ông cho rằng do năng lực yếu kém, không nắm bắt kịp thời thông tin nên cung cấp thông tin không chính xác.
3. Vai trò của Trưởng thôn trong việc giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc thỏa thuận thi hành án
Như trình bày ở trên Trưởng thôn là người có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với người phải thi hành án, là người đức cao, vọng trọng có uy tín đối với người dân trong thôn, lời nói của Trưởng thôn rất có trọng lượng đối với người phải thi hành án. Vì vậy Trưởng thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cùng với cơ quan thi hành án giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc thỏa thuận thi hành án. Việc phối hợp tốt cùng với cơ quan thi hành án, phân tích đúng, sai, quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án, Trưởng thôn đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức thi hành án có hiệu quả của cơ quan thi hành án dân sự.
Thực tiễn chứng minh có những việc thi hành án phức tạp, kéo dài phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, đến phút cuối trước khi cưỡng chế thi hành án, Trưởng thôn bằng tinh thần trách nhiệm, khả năng thuyết phục, đã giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án, tránh việc cưỡng chế thi hành án, giảm thiểu thiệt hại cho người phải thi hành án, giảm tải công việc cho các cơ quan ban, ngành tham gia cưỡng chế thi hành án, ổn định tình hình địa phương và hơn hết giúp cơ quan thi hành án dân sự giải quyết được một việc thi hành án phức tạp.
Theo Quyết định thi hành theo đơn yêu cầu số 34/QĐ - CCTHA ngày 12/04/2015 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện NL thì bà C phải di dời toàn bộ tài sản gồm 01 nhà tạm, 01 cây xoan... ra khỏi diện tích đất 34 m2 và giao lại cho ông H diện tích đất 34m2 có các cạnh tiếp giáp với những địa điểm cụ thể.
Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần giáo dục, thuyết phục, động viên người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, hai bên đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Tuy nhiên giữa người phải thi hành án bà C và người được thi hành án ông H vốn là hàng xóm có mối quan hệ không tốt, ganh ghét nhau từ lâu, nên không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Mặc dù giá trị đất không lớn, tính thành tiền khoảng 2.000.000 đồng nhưng ông H người được thi hành án vì cái tức, vì muốn chứng minh mình thắng trong vụ kiện đã không nhượng bộ, liên tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự huyện NL cưỡng chế giao đất cho ông như nội dung bản án. Về phía bà C người phải thi hành án luôn kêu oan cho rằng bản án không đúng sự thật, gây oan sai cho gia đình bà, nên nhất quyết không giao, có chết bà cũng không giao, bà từng đe dọa nếu Nhà nước tiến hành cưỡng chế thi hành án bà sẽ chống đối đến cùng và sẽ uống thuốc diệt cỏ để tự tử phản đối lại việc cưỡng chế, chứng minh việc oan sai của mình.
Căn cứ quy định của pháp luật cơ quan thi hành án dân sự huyện NL không còn cách nào khác phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án buộc bà C giao lại 34m2 đất cho ông H theo đúng trình tự, thủ tục, mặc dù biết sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của bà C. Kế hoạch cưỡng chế được đưa ra bàn luận rất nhiều lần, lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp, được chuẩn bị chi tiết, cụ thể, giả định nhiều tình huống xảy ra và có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau. Mọi sự chuẩn bị cho buổi cưỡng chế đã được hoàn tất kỹ lưỡng đến từng chi tiết.
Tuy nhiên trước giờ cưỡng chế 01 ngày, điều kỳ diệu đã xảy ra, chính quyền địa phương gọi điện thông báo cho cơ quan thi hành án huyện NL được biết hai bên đương sự ông H và bà C đã tự thỏa thuận được với nhau về việc giao đất và ông H đã có đơn rút yêu cầu thi hành án. Chấp hành viên cùng Thư ký thi hành án cấp tốc xuống tại địa phương để nắm bắt tình hình. Tại nhà văn hóa thôn đã có mặt hai bên đương sự cùng chính quyền địa phương, hai bên đương sự đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giao đất, người được thi hành án đã có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và cơ quan thi hành án. Một câu hỏi lớn đặt ra đói với Chấp hành viên là nhân tố nào đã làm thay đổi toàn bộ cục diện vụ việc tưởng chừng như không còn biện pháp nào khác ngoài việc cưỡng chế thi hành án. Ông T Trưởng thôn của hai bên đương sự bằng tinh thần trách nhiệm, sự uy tín, khả năng thuyết phục và sự nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý hai bên đương sự đã chủ động gặp gỡ bà C người phải thi hành án, ông H người được thi hành án để giáo dục, thuyết phục, động viên theo cách riêng của mình để đạt được kết quả ông H và bà C đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc thi hành án.
Vụ việc được giải quyết dứt điểm, giảm tải áp lực cho cơ quan thi hành án và các cơ quan ban nghành khác, ổn định tình hình địa phương, tránh được những tình huống giả định xấu xảy ra, gắn kết được lại tình làng nghĩa xóm giữa ông H và bà C đã mất lâu nay, kết quả đó công sức phần nhiều thuộc về Trưởng thôn.
Trên cơ sở vị trí, vai trò của Trưởng thôn trong quá trình giải quyết thi hành án dân sự cần có sự phát huy, vận dụng hợp lý, cụ thể trong từng vụ việc để đạt kết quả thi hành án cao nhất.
Lục Đình Nhàn - Chi cục THADS huyện Quan Sơn, Thanh Hóa