Chuyển nhượng tài sản khi bản án, quyết định bị tuyên hủy

13/04/2018
Việc người phải thi hành án tìm mọi cách để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là một vấn đề không mới, tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với hành vi này. Bên cạnh những trường hợp người phải thi hành án cố tình bán tài sản khi bản án quyết định chưa có hiệu lực pháp luật thì còn có cả những trường hợp người phải thi hành án cố tình chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản… trong cả các giai đoạn khác để nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
 


Ví dụ: Bản án số 225/2015/DSST ngày 12/6/2015 của TAND huyện X, thành phố H tuyên ông Nguyễn Văn A phải thanh toán trả bà Nguyễn Thị B số tiền: 300.000.000đ. Cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành bản án trên. Sau đó, do có vi phạm về tố tụng, bản án số 225/2015/DSST ngày 12/6/2015 của TAND huyện X bị kháng nghị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm số 225/2015/DSST để xét xử lại. Trong khoảng thời gian chờ xét xử lại bản án, ông A đã hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất 200m2 của ông cho bên thứ ba chỉ trong 15 ngày.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS) “Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này”. Như vậy việc thi hành án đối với bản án sơ thẩm ban đầu (bản án số 225/2015/DSST) đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật; việc thi hành án tiếp theo sẽ được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới[1]
Trong thời điểm này, Cơ quan THADS không thể có những tác nghiệp hiệu quả để có thể ngăn chặn việc người phải thi hành án thực hiện các quyền đối với tài sản của mình như: chuyển đổi, chuyện nhượng, tặng cho…vv. Nguy cơ người phải thi hành án tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là rất cao.
Trước đây, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn một số thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS[2] có quy định: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 
Tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chung“Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án.”. Tuy nhiên, đối với trường hợp bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó bị kháng nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại (như ví dụ trên) mà người phải thi hành án thực hiện các giao dịch đối với tài sản thì hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định rõ ràng.
Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của BLTTDS năm 2015 có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của BLTTDS năm 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Biện pháp để người được thi hành án ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản là đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 136 BLTTDS năm 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 BLTTDS năm 2015 phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Đây là một rào cản vô cùng lớn đối với người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhất là khi họ không có đủ điều kiện kinh tế .
Khoản 2 Điều 75 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó”. Tuy nhiên, trong thực tế, để chứng minh “có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án” là một vấn đề không hề đơn giản.
Việc đương sự cố tình bán tài sản tại thời điểm sau khi bản án, quyết định bị tuyên hủy theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để xét xử lại là một tình trạng diễn ra trên thực tế. Theo cá nhân tác giả, đây là một “khoảng trống” pháp lý dẫn đến việc khó khăn cho công tác thi hành án dân sự sau này. Để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các đương sự cũng như hiệu quả công tác thi hành án, đề nghị xem xét bổ sung quy định pháp luật về việc cấm chuyển dịch tài sản bằng các hình thức: bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản…. không chỉ sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà còn cả trong giai đoạn Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại.
 Mặt khác, đối với vấn đề người phải thi hành án cố tình chuyển đổi, tặng, cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án cần thiết phải được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, thay vì chỉ quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành[3]. Từ đó tạo cơ sở và hành lang pháp lý không chỉ cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xét xử đối với các vụ kiện tranh chấp tài sản liên quan đến các trường hợp này mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Đề nghị  kiên quyết xử lý đối với các trường hợp  người phải thi hành án cố tình tẩu tán tài sản. Ngoài quy định về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản… nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa thi hành án, cần thiết phải có các chế tài nghiêm khắc hơn, kể cả xử lý hình sự đối với những trường hợp này.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[4]. Do đó việc ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm thi hành án là một đòi hỏi không chỉ trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự mà còn góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa.
Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên
 
[1] Khoản 1 Điều 136 Luật THADS quy định: Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
[2] Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC đã bị thay thế bằng Thông tư Liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
[3] Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
[4] Điều 106 Hiến phâp năm 2013