Một số sai sót, tồn tại, khó khăn trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự

31/07/2018
Từ thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy bên cạnh kết quả đạt được là số lượng việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công nhiều, tuy nhiên số việc cưỡng chế thi hành án dân sự không thành công hàng năm đều có và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nào cũng có trường hợp cưỡng chế không thành công, vẫn còn một số sai sót, tồn tại, khó khăn trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự.


1. Sai sót trong xác minh điều kiện thi hành án và điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Khi xác minh điều kiện thi hành án nói chung và điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng, nhiều trường hợp Chấp hành viên chưa chú trọng thực hiện đúng pháp luật về xác minh trong thi hành án dân sự làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đúng pháp luật, như: không yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án; kê khai rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Ngoài ra, có trường hợp người phải thi hành án không kê khai nhưng Chấp hành viên không nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. Nhiều trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nhưng Chấp hành viên chỉ xác minh điều kiện thi hành án tại nơi người phải thi hành án đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi chấp hành hình phạt tù mà không xác minh tại trại giam, trại tạm giam hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt dẫn đến việc xác minh không toàn diện điều kiện thi hành án nên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự không chính xác.
Có trường hợp xác minh không làm rõ tình trạng tài sản cưỡng chế thi hành án dân sự. Ví dụ, trong việc thi hành Bản án số 14/2013/DSST ngày 21/3/2013 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Đ, ngày 05/6/2013 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B ra Quyết định thi hành án số 4310/QĐ-CCTHA buộc ông Đỗ Văn M và bà Đỗ Thị Ngọc B phải thanh toán trả cho ông Nguyễn Văn Q và bà Nguyễn Thị L số tiền 420.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã kê biên nhà và đất của ông M, bà B và thẩm định giá là 1.914.000.000 đồng. Ngày 03/4/2014, Chấp hành viên ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đ bán đấu giá toàn bộ nhà đất nêu trên. Sau ba lần thông báo nhưng không có người đăng ký, Chấp hành viên tiến hành giảm giá tài sản. Ngày 12/11/2014, Trung tâm bán đấu giá thành nhà đất với giá 1.730.000.000 đồng. Ngày 09/01/2015, Chấp hành viên cưỡng chế đối với ông M, bà B để bàn giao nhà, đất cho người mua trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Q. Kết quả xác minh của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ cho thấy trong vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự này Chấp hành viên chưa chú trọng xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thể hiện ở việc ngày 18/6/2013 tại biên bản giải quyết việc thi hành án ông M và bà B trình bày với Chấp hành viên là "hiện tại bản thân vợ chồng tôi không có việc làm, phải nuôi 07 con ăn học, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tài sản chỉ còn duy nhất căn nhà tại địa chỉ 176/3 Khu phố 1, phường Tân Hòa, thành phố B hiện đang nằm trong quy hoạch nên cũng không cầm cố, thế chấp hoặc mua bán được". Trên cơ sở lời trình bày nói trên, Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh nhà đất của ông M, bà B để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản mà không xác minh những tài sản khác của ông M, bà B trong khi đó khoản 1 Điều 95 Luật Thi hành án dân sự quy định “Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án" cho thấy việc xác minh của Chấp hành viên chưa đầy đủ tất cả các tài sản của người phải thi hành án trước khi cưỡng chế. Chấp hành viên cũng chưa xác minh rõ ràng, chi tiết nhà đất nêu trên trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, bởi vì theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số L 578625 do Ủy ban nhân dân thành phố B cấp ngày 09/11/2004 thì quyền sử dụng đất mang tên ông M, bà B có diện tích là 258m2 và không bao gồm chứng nhận quyền sở hữu nhà. Theo kết quả đo vẽ ngày 01/11/2013 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố B thì diện tích thực tế gia đình ông M, bà B và các con đang sử dụng là 329,8m2 (rộng hơn diện tích xác nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 71,8m2), phần chênh lệch diện tích 71,8m2 đất là do gia đình ông M, bà B mua của bà Trịnh Thị M, việc chuyển nhượng được thực hiện bằng giấy viết tay vào năm 2012 không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Diện tích đất mà bà Mừng chuyển nhượng chưa kê khai, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, con của ông M, bà B là anh Đỗ Công Th (sinh năm 1985) có đơn tố cáo cho rằng năm 2012 anh Th có góp tiền mua 71,8m2 do ông N và bà M chuyển nhượng, anh Th còn góp tiền xây dựng ngôi nhà trên diện tích đất nói trên. Hồ sơ thi hành án thể hiện nhà đất bị kê biên có diện tích 329,8m2, căn nhà được xây dựng trên cả diện tích 258m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 71,8m2 nhận chuyển nhượng của bà M, căn nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định quyền sử dụng 71,8m2 trong tổng diện tích đất 329,8m2 và căn nhà trên đất bị kê biên là của người phải thi hành án hay của gia đình ông M, bà B và những người con đã thành niên. Hồ sơ thi hành án không có tài liệu nào thể hiện ngôi nhà và diện tích 71,8m2 đất là của ông M, bà B hay của hộ gia đình ông M, bà B và các con. Việc Chấp hành viên chưa xác minh rõ ràng nhưng đã kê biên, tổ chức bán đấu giá toàn bộ nhà đất tại 176/3 Khu phố 1, phường Tân Hòa, thành phố B là chưa chặt chẽ.
2. Còn tình trạng lúng túng trong thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự và xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự khó nhận biết công việc gì tiến hành trước, công việc gì tiến hành sau trong quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự. Vì thế, việc thực hiện cưỡng chế trong nhiều trường hợp đối với Chấp hành viên, nhất là Chấp hành viên mới được bổ nhiệm rất lúng túng, dẫn đến sai phạm trong cưỡng chế thi hành án dân sự, như ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự đối với một tài sản sau đó tiếp tục xác minh tài sản khác để cưỡng chế thi hành án dân sự hay phải xác minh tất cả các tài sản của người phải thi hành án rồi mới được ra quyết định kê biên tài sản theo thứ tự kê biên tài sản pháp luật quy định.
Việc tổ chức cưỡng chế có trường hợp chưa có kế hoạch chu đáo, đầy đủ, không dự kiến hết các tình huống để có phương án đối phó, khi tình huống xảy ra thì xử lý lúng túng, có khi cưỡng chế không thành, gây dư luận xấu, tốn kém kinh phí và lực lượng. Ngược lại, có khi sử dụng lực lượng quá lớn, chi phí quá tốn kém cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự một vụ việc đơn giản, giá trị tài sản ít. Tình trạng kê biên tài sản không đúng quy định của pháp luật dẫn đến không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người phải thi hành án xảy ra ở một số cơ quan thi hành án dân sự, với nhiều biểu hiện như: kê biên tài sản có giá trị lớn hơn nhiều lần nghĩa vụ thi hành án và chi phí thi hành án dân sự, kê biên không hết tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác.
Trong cưỡng chế trả nhà, việc lập biên bản liệt kê tài sản của người phải thi hành án để di chuyển đến kho trông giữ có nhiều sai phạm gây cho người có tài sản nghi ngờ, khiếu kiện bị thất thoát tài sản. Ví dụ, khi lập biên bản thực hiện cưỡng chế trả nhà và liệt kê tài sản của người phải thi hành án để đưa đến kho trông giữ có nhiều vấn đề sai phạm như sau: Có trường hợp số lượng tài sản ghi trong biên bản bao gồm 31 loại tài sản, nhưng cuối biên bản không ghi chốt lại có tổng số bao nhiêu loại tài sản bị cưỡng chế; không ghi cụ thể biên bản gồm bao nhiêu trang; các thành phần tham gia không ký giáp lai vào từng trang; người có mặt chứng kiến không ký vào biên bản nhưng người không chứng kiến lại ký vào biên bản (cán bộ làm trực tiếp - lãnh đạo ký); phần bị gạch đi nhưng không có chữ ký xác nhận, không có dấu giáp lai; người được thi hành án không có tên trong biên bản lại ký vào biên bản; biên bản không gạch chéo phần còn trống (http://vienkiemsathaiphong.gov.vn/index.php/home/detail/1107/Mot-so-nhom-sai-pham-thieu-sot-thuong-xay-ra-trong-linh-vuc-thi hành án dân sự, Phạm Quang Dũng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện An Lão, Hải Phòng, trang 6-7).
3. Sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong cưỡng chế thi hành án dân sự còn hạn chế nhất định
- Trong việc lập kế hoạch cưỡng chế có vướng mắc lớn là dự liệu các tình huống có thể xảy ra trong phương án tiến hành cưỡng chế theo điểm c khoản 2 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự, nhất là bảo vệ cưỡng chế, rà soát bom mìn trước khi tiến hành cưỡng chế trên thực địa đối với tài sản là nhà đất, công trình xây dựng. Thực tiễn trên địa bàn tỉnh HN trong quá trình tổ chức thi hành một vụ việc cụ thể đối tượng phải thi hành án tỏ rõ thái độ chống đối đến cùng và đe dọa sẽ sử dụng mìn nhằm cản trở hoạt động cưỡng chế, trong kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự đã có phương án rà, phá bom, mìn, tuy nhiên khi đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp rà phá bom mìn thì không thể thực hiện được.
- Tình trạng không thống nhất ý kiến trong việc xử lý tài sản chuyển nhượng sau khi bản án của Tòa án vẫn còn tồn tại. Thực tiễn có nhiều trường hợp không thống nhất ý kiến trong việc xác định tài sản được kê biên mà người phải thi hành án chuyển nhượng sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Ví dụ, Bản án số 191/2015/DSST ngày 27/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố T có nội dung buộc bà A và ông H liên đới trả cho bà Nguyễn Thụy Kiều T số tiền 243.218.750 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Ngày 10/8/2015, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại huyện H ra Quyết định thi hành án số 007/QĐ-TPL. Quá trình tổ chức thi hành án, ngày 07/9/2015, Văn phòng Thừa phát lại huyện H nhận được Công văn số 385/UBND ngày 01/9/2015 của Ủy ban nhân dân xã T trả lời xác minh, nội dung là căn nhà địa chỉ 49/7A ấp Thống Nhất 2, xã T do ông H và bà A trực tiếp quản lý, sử dụng, đã được cấp giấy chứng nhận cho ông H và bà A. Ngày 17/3/2016, Thừa phát lại Lê Hữu H ra Quyết định số 013/QĐ-THA.Thừa phát lại và Thông báo số 044/TB-TPL về việc cưỡng chế kê biên, xử lý nhà đất nêu trên. Ông Phạm Văn T và bà Nguyễn Thị Thúy H khiếu nại cho rằng nhà đất nêu trên đã được ông H, bà A chuyển nhượng và cung cấp Công văn số 1058/CNHM ngày 04/3/2016 của Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố H - Chi nhánh huyện H, có phần nội dung ngày 06/10/2015 ông H và bà A đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất nêu trên cho ông Phạm Văn T và bà Nguyễn Thị Thúy H theo hợp đồng chuyển nhượng sổ 11833 do Văn phòng công chứng Lý Thị Như H lập và được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện H cập nhật biến động tại trang 3 Giấy chứng nhận ngày 31/10/2015. Ngày 20/10/2016, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố H ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 54/QĐ-CTHADS chấp nhận toàn bộ khiếu nại của ông T, bà H với lý do khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định biện pháp cưỡng chế “kê biên tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ”, kể từ ngày 31/10/2015 ông H và bà A không còn là chủ sở hữu nhà đất nêu trên. Ngày 26/10/2016, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại huyện H ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 005/QĐ-Thừa phát lại. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thụy Kiều T là người được thi hành án có đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố H. Nhiều ý kiến cho rằng Thừa phát lại kê biên tài sản là nhà đất nêu trên là có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP vì người phải thi hành án không còn tài sản khác và chuyển nhượng nhà đất nêu trên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà không dùng tiền chuyển nhượng để thi hành án.
- Cơ quan có thẩm quyền không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc ra quyết định hủy và cấp lại giấy tờ mới thay thế giấy tờ không thu hồi được. Trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều trường hợp thi hành án giao vật là giấy tờ theo bản án, quyết định. Có nhiều trường hợp xác minh được biết giấy tờ đó không còn hoặc người phải thi hành án cố tình không giao mặc dù Chấp hành viên đã chú trọng xác minh xem giấy tờ đó hiện còn không, tình trạng như thế nào, đang do ai quản lý, giấy tờ đó có thể cấp lại được không v.v. Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc ra quyết định hủy và cấp lại giấy tờ mới thay thế giấy tờ không thu hồi được. Thực trạng này được minh họa qua phân tích vụ việc thực tế tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Sơn, tỉnh PT cưỡng chế đối với người phải thi hành án là ông Đỗ Ngọc N và bà Hà Thị H: Tại bản án và quyết định thi hành án dân sự “Buộc ông N và bà H phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng 676,5m2 trong diện tích 1.789m2 đất cho ông Ch và bà T tại cơ quan có thẩm quyền (theo trích lục bản đồ lập ngày 3/5/2012 tại bút lục hồ sơ số 173)”. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Sơn tiến hành cưỡng chế theo Quyết định cưỡng chế số 14 ngày 25/8/2014 nhưng người phải thi hành án không tự nguyện chuyển giao. Tại Điều 116 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án...Trường hợp giấy tờ không thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án...” nhưng quy định này chỉ mang tính chất để cơ quan thi hành án dân sự làm hết trách nhiệm theo quy định trong khi thực tế người phải thi hành án không tự nguyện giao hoặc họ cất giấu giấy tờ ở đâu thì cơ quan thi hành án dân sự và các ngành chức năng cũng khó xác định. Sau khi có văn bản của cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy và cấp lại giấy tờ mới thay thế giấy tờ sở hữu, sử dụng mà không thu hồi được theo quy định tại khoản 4 Điều 106 và Điều 116 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì các cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại cho rằng, tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 và khoản 3 Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã quy định “...việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành...” do vậy, cho nên cơ quan có thẩm quyền đăng ký không thực hiện theo văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự. Mặc dù, hiện nay đã có Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này nhưng hạn chế dạng nêu trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, ở một số nơi vẫn chưa thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người trúng đấu giá.
4. Còn nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài, tố cáo không đúng nhằm trì hoãn việc cưỡng chế thi hành án dân sự
Nhiều trường hợp cưỡng chế thi hành án dân sự, người phải thi hành án nại ra những lý do khác nhau để yêu cầu, khiếu nại, thậm chí tố cáo sai sự thật, nhằm cố tình trì hoãn việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các trường hợp này rất khó khăn vì họ làm đơn nhưng nhiều trường hợp không mời làm việc được. Trong thời gian qua, việc giải quyết đơn thư khiếu nại thông qua công tác đối thoại, nhiều đương sự đã tự nguyện rút đơn, tuy nhiên vẫn có trường hợp cơ quan chức năng đã giải quyết nhưng đương sự vẫn khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gây khó khăn cho công tác này. Có vụ việc cưỡng chế khấu trừ tài khoản với số tiền lớn, các đương sự khiếu nại rất nhiều nên phải có sự tham gia của nhiều cơ quan hữu quan, đặc biệt là Tỉnh ủy mới thành công. Ví dụ, trong việc thi hành Bản án số 02/2013/KDTM-PT ngày 10/7/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh ĐN có nội dung tuyên buộc Công ty NS phải trả cho công ty EMC số tiền 11.499.274.556 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Chấp hành viên xác minh cho thấy Công ty NS có tài sản là 02 nhà máy Thủy điện tại Quảng Tín và Đăk Ru, huyện Đ, tỉnh ĐN đang vận hành và 09 xe ô tô, xe máy chuyên dùng. Toàn bộ tài sản của công ty NS do BIDV chi nhánh ĐN cung cấp đã thế chấp để vay vốn tại BIDV chi nhánh ĐN, tổng dư nợ cả gốc và lãi đến tháng 11/2013 là 253.933.525.555 đồng. Công ty NS có doanh thu mỗi tháng từ việc bán điện từ 02 đến 04 tỷ đồng. Chấp hành viên yêu cầu MT chuyển thanh toán 80% tiền mua điện hàng tháng cho Công ty NS từ tháng 12/2013 vào tài khoản tạm giữ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ để thi hành án, 20% còn lại chuyển cho Công ty NS. BIDV chi nhánh ĐN xuất trình 04 hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp các khoản phải thu cho cơ quan thi hành án dân sự có liên quan đến số tiền nêu trên. Ngày 13/3/2014, Chấp hành viên làm việc với đại diện các bên đương sự, người được thi hành án cho rằng hợp đồng tín dụng giữa Công ty NS với BIDV chi nhánh ĐN và Công ty Tài chính Điện lực vô hiệu phần thế chấp nguồn thu của dự án 02 thủy điện trên, các bên thỏa thuận yêu cầu gửi tiết kiệm số tiền đã thu và những tháng tiếp theo để các bên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngày 09/4/2014, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐN có Kết luận số 780/KL-VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh ĐN cho rằng việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ tiến hành thu 80% tiền bán điện hàng tháng của Công NS là vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng tín dụng. Ngày 21/11/2014, Ban Nội chính Tỉnh ủy ĐN làm việc với Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh ĐN, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ và Chấp hành viên trực tiếp giải quyết hồ sơ. Ngày 12/12/2014, Chấp hành viên lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa người được thi hành án (Công ty EMC), người phải thi hành (Công ty NS) và bên nhận thế chấp tài sản, các bên thống nhất trích trong số tiền 6.418.737.356 đồng để chi trả cho Công ty EMC 2.200.000.000 đồng, số tiền còn lại sau khi trừ phí thì chuyển trả lại Công ty NS, ngày 30/5 và ngày 30/11 hàng năm thu 1.100.000.000 đồng mỗi kỳ, Công ty EMC sẽ rút toàn bộ đơn khiếu nại đã gửi tới các cơ quan. Căn cứ thỏa thuận của các đương sự, Chấp hành viên ra Quyết định số 04/QĐ-CCTHA ngày 12/12/2014 khấu trừ tài khoản số tiền 2.200.000.000 đồng để trả cho Công ty EMC và thực hiện việc trả số tiền còn lại sau khi thu án phí cho Công ty NS. Như vậy, việc cưỡng chế thi hành án thành công, số tiền còn lại được các đương sự thỏa thuận thi hành nên không phải tổ chức cưỡng chế nữa; tuy nhiên vụ việc này cho thấy giá trị phải thi hành án lớn, tài sản để đảm bảo thi hành án nhiều và phức tạp, việc xử lý khó khăn nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thì cực kỳ khó khăn nên phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan thì việc cưỡng chế khấu trừ tài khoản được áp dụng và các đương sự cũng thỏa thuận được về việc thi hành án.
Trường hợp Chấp hành viên xem xét khai thác tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp họ thuê lại đất của người khác để sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, các loại hoa màu khác; đơn cử trường hợp ở thời điểm có quyết định thi hành án họ có thuê diện tích 5.000m2 của một người khác để trồng mỳ khoản 03 tháng sau sẽ thu hoạch. Sau khi làm việc với các bên liên quan Chấp hành viên có 02 lựa chọn: Một là kê biên lượng cây trồng trên đất để bán đảm bảo thi hành án nhưng do lượng hoa màu trên đất chưa đến mùa vụ thu hoạch nếu bán ra thì không đủ tiền để thanh toán các khoản chi phí phải trả nên người phải thi hành án cho rằng mình sẽ bị gây thiệt hại và yêu cầu Chấp hành viên bồi thường. Vì thế, Chấp hành viên và người phải thi hành án đồng ý chờ cho đến ngày thu hoạch dưới sự chứng kiến của các bên người phải thi hành án sẽ thu hoạch mỳ và thanh toán nghĩa vụ thi hành án. Phương án thứ hai được lựa chọn và Chấp hành viên đã giao cho chủ thửa đất và thôn trưởng tạm thời giám sát. Tuy nhiên, sau 02 tháng người phải thi hành án đã tiến hành thu hoạch số mỳ trên đến khi Chấp hành viên phát hiện ra thì số tài sản đã không còn nữa. Thôn trưởng thì nói rằng nhiều việc nên không quản lý hết được, còn chủ đất thì cho rằng thửa ruộng trên ở xa khu vực dân cư nên việc người phải thi hành án thu hoạch lúc nào ông không biết.
5. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xác minh tài khoản của người phải thi hành án
Việc xác minh đầy đủ các tài khoản của người phải thi hành án gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện nay cơ chế, thủ tục mở tài khoản rất đơn giản, một tổ chức, cá nhân có thể mở nhiều tài khoản, trong quá trình hoạt động thì việc sử dụng tài khoản cũng rất phức tạp. Mặt khác, để đảm bảo duy trì tài khoản của người phải thi hành án thì không thể cưỡng chế khấu trừ tất cả số tiền trong tài khoản, kể cả trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài khoản. Ví dụ: Theo Quyết định số 03/2012/QĐST-KDTM ngày 14/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện CP, tỉnh GL thì Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng B, địa chỉ 72 Cách Mạng Tháng Tám, phương Hoa Lư, thành phố P, tỉnh GL phải trả cho DNTN HT, địa chỉ ở thôn Hợp Thắng, xã Ia Đrăng, huyện CP, tỉnh GL số tiền là 292.000.000 đồng. DNTN HT đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Sau khi xem xét đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định thi hành án với nội dung buộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng B phải trả cho DNTN HT số tiền trên. Quá trình tổ chức thi hành án, hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng Công ty B không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và được biết Công ty B có hai tài khoản tại Ngân hàng BIDV GL với số tiền trong mỗi tài khoản lần lượt là 10.000.000 đồng và 1.780.000 đồng. Ngay sau khi xác minh, Chấp hành viên đã ban hành quyết định phong tỏa tài khoản đối với hai tài khoản trên của Công ty B và tống đạt cho các đương sự và Ngân hàng BIDV GL theo quy định. Cùng ngày, Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản và tống đạt cho các đương sự và Ngân hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện việc khấu trừ tiền trong tài khoản thì phát sinh vấn đề là theo quy định của Ngân hàng thì để duy trì tài khoản của doanh nghiệp thì số dư tối thiểu trong mỗi tài khoản là 1.000.000 đồng. Như vậy, trên thực tế Chấp hành viên chỉ khấu trừ được số tiền lần lượt là 9.000.000 đồng và 780.000 đồng để chi trả cho người được thi hành án.
6. Khó khăn, phức tạp trong thực hiện cưỡng chế giao nhà, trả nhà, quyền sử dụng đất
- Việc thực hiện cưỡng chế giao nhà, trả nhà, quyền sử dụng đất thường rất phức tạp, thời gian thực hiện có thể kéo dài, có thể phải có nhiều cơ quan chuyên môn tham gia, huy động lực lượng bảo vệ đông và kinh phí tổ chức cưỡng chế thường là rất lớn. Ví dụ, vụ Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Hưng Thành Đ do Cục Thi hành án dân sự tỉnh BD tổ chức thực hiện trong thời gian 40 ngày làm việc (từ 13/3/2014 đến ngày 19/5/2014) với tổng số người tham gia cưỡng chế hơn 140 người (trong đó lực lượng Công an bảo vệ cưỡng chế là 80 người, 20 Công an phòng cháy và chữa cháy), chi phí cưỡng chế là 1.751.431.550 đồng và tiền thuê kho hàng tháng là 204.000.000 đồng kể từ tháng 03/2014. Đối với nguồn kinh phí này Cục Thi hành án dân sự tỉnh BD đã nhờ sự hỗ trợ của người được thi hành án tạm ứng để thực hiện và việc thuê kho thì phải nợ đơn vị cho thuê kho bảo quản tài sản. Như vậy, nếu không có nguồn kinh phí mà người được thi hành án tạm ứng và tiền thuê kho hàng tháng để chi trả thì việc thực hiện cưỡng chế là không thể thực hiện được.
- Quy định về xử lý tài sản của người phải thi hành án trong cưỡng chế giao nhà, trả nhà, chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện theo Điều 115 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, nếu người phải thi hành án không tự chuyển tài sản ra khỏi nhà đất thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa tài sản ra khỏi nhà đất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong trường hợp người phải thi hành án chống đối thì việc đưa tài sản ra là hết sức khó khăn bởi có trường hợp không thể xác định được đầy đủ tài sản của người phải thi hành án gồm những gì, nhiều tài sản mà cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan chuyên môn cũng không thể nhận biết và mô tả như thế nào, nhiều tài sản nằm ở những vị trí mà người tiến hành cưỡng chế không thể biết được (như nằm dưới đất, âm tường, trên mái nhà ...) dẫn đến sau khi tổ chức cưỡng chế xong thì người phải thi hành án cho rằng vẫn còn tài sản của họ trong căn nhà, nhà xưởng, quyền sử dụng đất đã được giao cho người được thi hành án. Nhiều trường hợp tài sản không có giá trị hoặc giá trị thấp nhưng chi phí để bảo quản rất cao, ví dụ vụ Cao Thị Tường Vi khi thực hiện cưỡng chế thì chi phí thuê kho bảo quản tài sản là 55.000.000 đồng nhưng sau khi bán đấu giá thành tài sản chỉ có 21.000.000 đồng.
- Có trường hợp người phải thi hành án được giao tài sản là quyền sử dụng đất nhưng họ không có quyền định đoạt cho nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Ví dụ trường hợp thi hành Bản án số 249/DSPT ngày 07/12/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh BL tuyên buộc Hợp tác xã LH phải thi hành trả cho bà Phan Ngọc D số tiền 552.222.400 đồng. Qua xác minh Hợp tác xã LH có quyền sử dụng đất gần 50 ha đất nhưng quyền sử dụng đất này do Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Hợp tác xã quản lý, khai thác sử dụng. Ngoài tài sản nêu trên, Hợp tác xã LH không có tài sản nào khác, nếu thi hành được Bản án này chỉ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án nhưng quyền sử dụng đất là của Nhà nước (do Ủy ban nhân dân tỉnh) quản lý cho nên muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì phải được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân tỉnh, còn Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã thì hoạt động theo Điều lệ hợp tác xã, có nghĩa là mọi hoạt động của Hợp tác xã đều phải được sự thống nhất của Đại hội xã viên cho nên việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này là rất khó khăn và không khả thi.
- Thực tiễn Chấp hành viên phải tìm nhiều biện pháp để tạo sự hỗ trợ của người được thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan mới thực hiện được cưỡng chế trả nhà. Ví dụ vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở được Tòa án nhân dân tỉnh P xét xử tại Bản án số 67/2011/DSPT ngày 26/9/2011 tuyên “buộc bà X giao lại căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất rộng 90,2m2 cho vợ chồng P”. Sau khi Chấp hành viên nhiều lần thuyết phục không thành, vì vậy phải thực hiện cưỡng chế. Mặc dù người phải thi hành án chống đối quyết liệt, song hoàn cảnh của họ cũng khó khăn vì không còn chỗ ở nào khác, nếu cưỡng chế thì gia đình người phải thi hành án không có nơi ở. Bởi vậy, Chấp hành viên phải vận động người được thi hành án đồng ý hỗ trợ một khoản tiền để thuê nhà trước khi cưỡng chế, nhưng người phải thi hành án không đồng ý mà vẫn kiên quyết chống đối. Do vậy, Chấp hành viên phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế và được Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp phê duyệt. Tuy nhiên, khi cưỡng chế vụ việc này phát sinh tình huống phức tạp, đó là có một cụ bà trên 80 tuổi là mẹ chồng của bà X đang có mặt tại ngôi nhà mà trong quá trình xác minh không hề có người này trong ngôi nhà chuẩn bị cưỡng chế. Trước tình hình đó, Chấp hành viên xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xử lý bằng cách xin ý kiến Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và làm việc khẩn cấp với Trung tâm Bảo trợ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P để làm thủ tục giao, nhận nuôi bà cụ tạm thời. Sau khi chuyển và giao bà cụ cho Trung tâm Bảo trợ tiếp nhận nuôi dưỡng thì vụ việc mới được thực hiện thành công. Vụ cưỡng chế này phải huy động lực lượng bảo vệ cưỡng chế trên 50 người, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tại địa phương, sự phối hợp nhiệt tình của Công an, Ủy ban nhân dân địa phương, các ngành hữu quan đã đồng thuận trong việc cưỡng chế trả nhà.
7. Việc cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định khá đa dạng trong thực tiễn
Trong thực tiễn, biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định thường được áp dụng để thi hành nghĩa vụ buộc dỡ nhà xây dựng trái phép; ngăn chia ranh giới nhà đất; mở lối đi; bịt cửa sổ; khôi phục nguyên trạng trong việc xâm phạm mồ mả, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, lưu thông đường cấp thoát nước; cải chính tin tức sai sự thật; công khai xin lỗi; nhận người lao động trở lại làm việc; giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trong trường hợp nghĩa vụ buộc thực hiện công việc của người phải thi hành án có thể giao cho người khác thực hiện thay, nếu xác định nghĩa vụ đó có khả năng thay thế, nghĩa là không nhất thiết người phải thi hành án phải trực tiếp làm, ví dụ như nghĩa vụ mở lối đi, phá dỡ công trình xây dựng trái phép trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, Chấp hành viên có quyền giao cho người khác thực hiện công việc đó theo nguyên tắc chi phí do người phải thi hành án chịu nếu người phải thi hành án không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp nghĩa vụ buộc phải thực hiện công việc của người phải thi hành án không thể chuyển giao cho người khác thực hiện thay mà phải do chính người phải thi hành án thực hiện, là những công việc không thể thay thế, gắn với nhân thân người phải thi hành án, như công khai xin lỗi tại nơi người được thi hành án công tác, đăng tải công khai lời cải chính trên báo. Trong những trường hợp này, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý là đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Thực tiễn cho thấy một số trường hợp khi có quyết định thi hành án thì người phải thi hành án đi khỏi địa phương và việc thực hiện công việc không thể thay thế được nên không thể tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự hoặc người phải thi hành án chống đối quyết liệt, không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự nhưng khi xử phạt vi phạm hành chính thì rất khó thực hiện trên thực tế vì cơ quan thi hành án dân sự không thể thu được tiền phạt do họ không có tiền để nộp phạt. Trường hợp sau khi đã bị xử lý hình sự về tội không chấp hành án mà người phải thi hành án vẫn không thi hành án dân sự thì cũng rất khó thực hiện việc cưỡng chế thi hành án dân sự để thi hành bản án đã tuyên buộc không được thực hiện công việc nhất định, ví dụ theo Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2010/DS-ST ngày 16/9/2010 của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành và Bản án dân sự phúc thẩm số 76/2011/DS-PT ngày 11/7/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh BP công nhận quyền sử dụng đất của ông Trần Văn N đối với diện tích 35.509m2 đất nông nghiệp (gồm hai thửa 31.549,8m2 và 3.959,2m2, trong đó có 2.147,3m2 hành lang lộ giới và 922,2m2 suối kèm theo hồ sơ đo đạt ngày 08/7/2010) tại ấp 5, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh BP, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Trần Văn Đ. Buộc ông Đ, bà H phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn N, mọi chi phí ông N phải chịu. Căn cứ bản án và đơn yêu cầu thi hành án của ông N, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chơn Thành đã ra quyết định thi hành án và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhưng ông Đ và bà H không tự nguyện thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chơn Thành đã tiến hành cưỡng chế ấn định thời hạn buộc ông Đ, bà H thực hiện nhưng ông Đ, bà H vẫn không thực hiện. Do đó Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chơn Thành đã ra quyết định xử phạt hành chính và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Chơn Thành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Đ về tội không chấp hành án.
Hà Trang Tuấn