Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

17/10/2018
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự lại càng có vai trò quan trọng, đây là mối quan hệ nhằm tăng cường sự gắn bó với Nhân dân, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của đơn vị.


Thời gian qua, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, giúp cho việc chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Thông qua tiếp dân, đương sự hiểu và rút đơn
Theo thống kê, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/8/2018, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tổng cộng 982 lượt công dân và tiếp nhận 958 việc khiếu nại. Trong đó, từ ngày 01/10/2017 đến 31/8/2018, Cục Thi hành án dân sự Thành phố  đã tiếp145 lượt công dân.
Thông qua việc tiếp công dân, có nhiều trường hợp sau khi được giải thích đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình, đương sự đã tự nguyện rút đơn. Số việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thi hành án dân sự Thành phố là 238 việc; số việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện là 675 việc; số việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác là 45 việc.
Trong tổng số 238 việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thi hành án dân sự Thành phố, đã giải quyết xong: 216 việc; còn phải giải quyết: 22 việc. Trong các đơn thư khiếu nại về thi hành án dân sự thì khiếu nại nổi cộm, bức xúc và nhiều nhất là liên quan đến việc Chấp hành viên cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá.
Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, nhất là chế độ tiếp công dân theo định kỳ, chế độ tiếp công dân của người đứng đầu theo quy định; gắn việc tiếp công dân với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bám sát các quy định của pháp luật, đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Hầu hết các đơn vị đều ấn định lịch tiếp dân định kỳ vào 01 hoặc 02 ngày trong tuần. Riêng tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố, lịchlãnh đạo Cục tiếp dân định kỳ được ấn định vào ngày thứ 5 hàng tuần. Bên cạnh đó, trong những trường hợp đột xuất, lãnh đạo các đơn vị vẫn có thể tiếp dân khi người dân có yêu cầu.
Đối với trường hợp người dân đã gửi đơn đăng ký gặp lãnh đạo Cục, lãnh đạo Cục đều có ý kiến chỉ đạo Chi cục, Chấp hành viên đang tổ chức thi hành vụ việc có báo cáo, sao gửi hồ sơ liên quan đến nội dung người dân nêu trong đơn về Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục. Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm kiểm tra, xây dựng báo cáo chi tiết, đánh giá về quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo Cục có cơ sở giải thích, hướng dẫn cụ thể khi tiếp dân. Trong một số trường hợp cần thiết, lãnh đạo Cục có yêu cầu lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo hai Phòng Nghiệp vụ và Chấp hành viên cùng tham gia buổi tiếp công dân.
Khiếu nại phức tạp, lãnh đạo chủ động tiếp, lắng nghe
Đối với một số vụ việc khiếu nại phức tạp, lãnh đạo Cục cũng chủ động lên lịch để làm việc trực tiếp với người khiếu nại nhằm lắng nghe, ghi nhận, giải thích các quyền và nghĩa vụ cho người khiếu nại. Một số vụ việc dù đã có Quyết định giải quyết khiếu nại nhưng người khiếu nại vẫn bức xúc, có thái độ quá khích thì lãnh đạo Cục cũng lên lịch tiếp dân nhằm giải thích để người dân hiểu hơn các quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế tình trạng người dân tiếp tục gửi nhiều đơn khiếu nại vượt cấp.
Qua theo dõi, đánh giá về công tác giải quyết khiếu nại cho thấy, thời gian gần đây, tình hình đơn, thư khiếu nại về thi hành án dân sự tuy không tăng nhưng với tính chất ngày càng phức tạp, nhiều trường hợp cùng một vụ việc nhưng người dân gửi rất nhiều đơn đến cơ quan thi hành án dân sự, đến các cấp, các ngành và cơ quan báo chí; nhiều vụ việc được dư luận xã hội, các cấp, các ngành quan tâm.
Chỉ tính riêng tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố, từ 01/10/2017 đến 31/8/2018 đã tiếp nhận tổng cộng 1.260 đơn, thư do cá nhân, tổ chức gửi trực tiếp hoặc do các cơ quan, ban ngành chuyển về, trong đó: đơn, thư khiếu nại là 453 và đơn, thư khác là 807. Nhiều trường hợp cùngmột vụ việc, một nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nhưng đương sự gửi đơn đến nhiều cơ quan ban ngành, sau đó, các ban ngành chuyển về Cục Thi hành án dân sự Thành phố để giải quyết theo thẩm quyền. Đối với những trường hợp này, Cục Thi hành án dân sự Thành phố phân loại đơn trùng. Đối với những vụ việc mới phát sinh, Cục Thi hành án dân sự Thành phố đã tiến hành xem xét nội dung đơn, phân loại xử lý theo quy định và đã thực hiện 273 báo cáo gửi các cấp, các ngành.
Kiện toàn nhân sự và phòng kiểm tra
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Về trình tự, thủ tục xử lý đơn, thư trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định. Hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo. Thay vì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì một số Thủ trưởng đơn vị ra văn trả lời đơn. Việc phân loại, thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan đơn vị còn có sai sót, hạn chế; kỹ năng xử lý đơn, thư đầu vào của một số công chức  làm công tác này còn hạn chế nên lúng túng trong việc phân loại, xử lý. Việc phân định nội dung khiếu nại và tố cáo trong một số trường hợp chưa rõ nên cótrường hợp đơn tố cáo nhưng lại giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đôi khi còn chậm; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo còn hạn chế. Thậm chí, Thủ trưởng một số đơn vị còn có biểu hiện chưa nghiêm khắc đối với những công chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt hoặc chuyển từ khiếu nại sang tố cáo, làm cho vụ việc càng phức tạp hơn. Một số vụ việc tổ chức thi hành án có sai phạm, hậu quả khó khắc phục, lãnh đạo đơn vị chưa kịp thời giải quyết dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Cục Thi hành án dân sự Thành phố đã và đang quan tâm, tập trung thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Kiện toàn nhân sự Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục và nhân sự Thẩm tra viên trực tiếp tham mưu cho Chi cục trưởng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện. Sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự, kịp thời nắm bắt tiến độ tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án.
Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh các thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức trong quá trình tổ chức thi hành án; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức; nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự quận, huyện tăng cường công tác tiếp dân, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác Thi hành án dân sự. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch tiếp công dân phù hợp. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý thì phải quyết tâm điều chỉnh, sửa sai, có phương án giải quyết khác để bảo đảm quyền lợi của công dân, chấm dứt khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.
Cẩm Tú