Những vi phạm phổ biến trong quá trình tổ chức thi hành án có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước từ thực tiễn theo dõi công tác bồ thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự

16/11/2018


1.Tình hình yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự kể từ khi Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 có hiệu lực đến nay.
Bồi thường nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm pháp lý thay thế, theo đó Nhà nước với tư cách là bên sử dụng lao động, phải có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức do mình quản lý có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Đối với hoạt động thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước là trách nhiệm bồi thường từ phía Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của công chức cơ quan Thi hành án dân sự gây ra trong khi thi hành công vụ.
Theo số liệu thống kê, từ thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2009 có hiệu lực (ngày 01/01/2010) đến nay, toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã phát sinh 74 vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước (46 vụ việc bồi thường nhà nước, 28 vụ việc bảo đảm tài chính). Số vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước ngày càng tăng lên cả về số lượng và mức độ phức tạp và tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam như: Tây Ninh: 15 vụ việc; Đồng Nai: 06 vụ việc; Cà Mau: 06 vụ việc; Kiên Giang: 06 vụ việc; An Giang: 05 vụ việc; TP Hải Phòng: 04 vụ việc; TP Hồ Chí Minh: 04 vụ việc; Tiền Giang; 03 vụ việc; Quảng Ngãi: 03 vụ việc; TP Cần Thơ: 03 vụ việc; Gia Lai: 03 vụ việc; Hậu Giang: 02 vụ việc, Nghệ An: 02 vụ việc, TP Hà Nội: 02 vụ việc; Bình Định: 01 vụ việc; Lâm Đồng: 01 vụ việc; Bình Dương: 01 vụ việc, Ninh Thuận: 01 vụ việc, Kon Tum: 01 vụ việc; Khánh Hòa: 01 vụ việc; Bình Thuận: 01 vụ việc; Lạng Sơn: 01 vụ việc...
Ngoài các vụ việc đã, đang theo dõi, giải quyết nêu trên, hiện nay trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đang tiềm ẩn nhiều vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước (22 vụ việc), trong đó có những vụ việc phức tạp, phải bồi thường với số tiền tương đối lớn, cụ thể:
- Theo địa bàn: Tiền Giang: 03 vụ việc; TP Hồ Chí Minh: 02 vụ việc; Bình Dương: 02 vụ việc; Bình Định: 02 vụ việc; Cà Mau: 02 vụ việc; Đồng Nai: 01 vụ việc; TP Hải Phòng: 01 vụ việc; Hậu Giang: 01 vụ việc; Phú Yên: 01 vụ việc; Sóc Trăng: 01 vụ việc; Tây Ninh: 04 vụ việc; Thái Nguyên: 01 vụ việc; Nghệ An: 01 vụ việc.
- Theo thời gian: (căn cứ văn bản xác định hành vi sai phạm của người thi hành công vụ), năm 2012: 02 vụ việc; năm 2014: 03 vụ việc; năm 2015: 02 vụ việc; năm 2016: 06 vụ việc; năm 2017: 04 vụ việc; còn lại một số vụ việc hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét, giải quyết để xác định rõ hành vi sai phạm của người thi hành công vụ.
Hầu hết các vụ việc nêu trên đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi sai phạm của người thi hành công vụ, địa bàn tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam, thời gian chủ yếu trong năm 2016, 2017.
2. Một số sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thi hành án dân sự là một lĩnh vực hoạt động hết sức phức tạp, mọi hành vi sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án đều có khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Qua thực tiễn theo dõi công tác giải quyết bồi thường nhà nước trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự (từ thời điểm Luật TNBTCNN năm 2009 có hiệu lực đến nay), các sai phạm chủ yếu trong công tác thi hành án dân sự làm phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, đó là:
Thứ nhất, sai phạm trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án: 
Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là cơ sở pháp lý để Chấp hành viên áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc kiến nghị Lãnh đạo cơ quan thi hành án ra các quyết định về việc tiếp tục tổ chức thi hành án, ủy thác, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ…và là cơ sở  để phân loại án, nên tính xác thực, chi tiết, tính pháp lý là yêu cầu bắt buộc trong công tác xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, một số cơ quan thi hành án dân sự thực hiện chưa đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến phải thực hiện hoặc nguy cơ thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, cụ thể:
- Tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những vụ việc Chấp hành viên không xác minh kịp thời theo quy định tại khoản 1 Điều 44 nêu trên để kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án dẫn đến đương sự đã tẩu tán tài sản, gây thiệt hại cho người được thi hành án.
- Khi xác minh không làm rõ phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác (vi phạm Điều 74 Luật THADS), dẫn đến việc kê biên, cưỡng chế cả phần tài sản không thuộc sở hữu của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án. VD: Vụ bà Nguyễn Thị Kim Thu - Tây Ninh 
- Không tuân thủ quy định về xác minh đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm (vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 44 và khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án dân sự). Do đó, Chấp hành viên đã kê biên, bán đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án khi tài sản đó không còn thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. VD: Vụ ông Trần Xuân Hiếu - TP Hồ Chí Minh.
- Chỉ xác minh trên giấy tờ mà không xác minh trên thực địa, dẫn tới kê biên thiếu diện tích, không đúng ranh giới, kê biên cả diện tích đất thuộc quyền sử dụng của người khác…Vì vậy, khi tài sản đã được bán đấu giá thành không thể giao được cho người mua trúng đấu giá. VD: các vụ việc: Ngô Văn Lũy - Tây Ninh, Nguyễn Thị Thanh Thúy - Tây Ninh, Trần Văn Hên - Tây Ninh, Trang Thanh Bình, Hồ Thị Đẻn - Tây Ninh, Phạm Thị Bích Liên - Bình Thuận, Công ty xuất nhập khẩu Kong Phu - TP. Cần Thơ.
 - Xác minh không đầy đủ về tình trạng tài sản của người phải thi hành án dẫn đến kê biên, bán đấu giá cả những tài sản không được quyền kê biên. VD: Vụ Đào Hải Đông - TP. Hồ Chí Minh; vụ Tôn Nữ Thị Trinh - TP.HCM, Chấp hành viên kê biên cả diện tích đất thuê trả tiền hàng năm (vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Thi hành án dân sự).
Thứ hai, sai phạm trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Điều 71 Luật Thi hành án dân sự đã quy định 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, cụ thể: (1) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; (2) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; (3)  Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; (4) Khai thác tài sản của người phải thi hành án; (5) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; (6) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định. 
Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nêu trên được quy định tại các Điều 9, Điều 45, Điều 46 và Chương IV (từ Điều 70 đến Điều 121). Ngoài ra, việc cưỡng chế thi hành án còn được quy định cụ thể hơn tại Điều 13 và từ Điều 18 đến Điều 31 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nêu trên đã xảy ra khá nhiều sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước, cụ thể:
- Xác minh điều kiện thi hành án, cho thấy người phải thi hành án có tài sản nhưng Chấp hành viên không kịp thời ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản hoặc kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án…(vi phạm Điều 69 Luật Thi hành án dân sự), dẫn đến tình trạng đương sự tẩu tán, hủy hoại hoặc thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. VD: Vụ bà Đỗ Thị Kim Loan - Đồng Nai; vụ Nguyễn Văn Hồng, Hồ Kiếm Tháp  Hậu Giang; vụ ông Nguyễn Tấn Hải - An Giang…)
- Kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khác khi chưa xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung, Chấp hành viên không thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản hoặc hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết (vi phạm khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ). VD: vụ Tô Ngọc Sơn, Lê Thị Bắc - Gia Lai;
- Kê biên tài sản lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án, trong khi tài sản kê biên có thể phân chia mà không làm giảm đáng kể giá trị của tài sản nhưng Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên toàn bộ tài sản; hoặc tách tài sản kê biên thành hai khối để bán đấu giá dẫn đến làm giảm giá trị tài sản, gây thiệt hại cho người phải thi hành án (vi phạm khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ). VD: Vụ bà Trần Thị Vinh - Đồng Nai; vụ Nguyễn Minh Cảnh - Tiền Giang…
- Kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án, nhưng Chấp hành viên không kê biên, xử lý hết tài sản trên đất dẫn đến làm giảm giá trị của tài sản của người phải thi hành án (vi phạm khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 113 Luật THADS).VD: Vụ  Đào Hải Đông - TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Minh Cảnh - Tiền Giang, Phạm Thị Hạnh - Kiên Giang.
- Không thông báo cho đương sự về quyền thỏa thuận, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, dẫn đến việc tước bỏ quyền lợi của họ trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá và quyền được ưu tiên mua lại tài sản của các chủ sở hữu chung (vi phạm Điều 39, khoản  3 Điều 74, khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự và Điều 25 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ). VD: Vụ Võ Hữu Hạnh - Tây Ninh
- Chấp hành viên ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không có trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố, nơi có tài sản kê biên trong các trường quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự. VD: Vụ Trần Thị My - Tây Ninh.
-  Không thông báo cho đương sự biết về quyền của họ đối với trường hợp xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành (vi phạm Điều 104 Luật THADS).VD: Vụ Huỳnh Quốc và Trần Thị Thu Tâm – Tây Ninh.
- Không kịp thời điều chỉnh hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá khi có sự thay đổi của pháp luật dẫn đến số tiền bán tài sản thi hành án bị chiếm đoạt, không chi trả được cho người được thi hành án (vi phạm khoản 3 Điều 27 Luật THADS).VD: Vụ Công ty Cổ phần bán đấu giá tài sản Đông Hải - Bình Dương.
Thứ ba, sai phạm trong việc thanh toán tiền thi hành án:
- Khi xử lý tài sản chung để thi hành án, Chấp hành viên không chi trả cho các đồng sở hữu phần giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của họ (vi phạm điểm b khoản 2 Điều 74 Luật THADS). VD: Vụ Lê Quang Trung và Trương Thị Kim Dung - Kiên Giang,
- Ưu tiên thanh toán tiền thi hành án không đúng quy định tại điều 47 Luật Thi hành án dân sự. VD: Vụ Ngô Thị Hạt - Thái Nguyên; vụ Võ Thị Hồng Nhan- Tây Ninh; Huỳnh Quốc và Trần Thị Thu Tâm - Tây Ninh…
Thứ tư, ngoài ra trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên còn một số sai phạm khác như: Ra các quyết định cưỡng chế thi hành án trong thời gian tự nguyện thi hành án (vi phạm khoản 1 Điều 46 Luật THADS - vụ Trần Thị My - Tây Ninh); ban hành, hủy bỏ quyết định thi hành án không đúng dẫn đến không còn tài sản để thi hành án (vụ Nguyễn Thị Huệ - Tây Ninh); ra quyết định hủy kết quả thi hành án trái pháp luật dẫn đến tài sản của người phải thi hành án đã bị chuyển nhượng cho người khác không còn tài sản để thi hành án (vụ Nguyễn Thị Thu Hà, Kon Tum); giải tỏa kê biên khi đương sự chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án (vụ Trương Hoài Phong - An Giang); bảo quản tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án không đúng quy định của pháp luật dẫn tới mất mát, hư hỏng, không còn tài sản để bảo đảm thi hành án (vụ Luyện Văn Thương - Nghệ An, Lê Thị Nhung - Tuyên Quang)…
Tóm lại, quá trình tổ chức thi hành án bao gồm rất nhiều hoạt động: Từ việc tiếp nhận; kiểm tra, xử lý yêu cầu thi hành án; ra quyết định thi hành án; lập hồ sơ thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, ủy thác thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án; thu tiền và thanh toán tiền thi hành án… Mỗi hoạt động trên đều có thể xảy ra sai sót dẫn đến nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước. Do đó, đòi hỏi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án.
Mai Loan
Vụ Nghiệp vụ 3, TCTHADS