Những nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự trong Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội

14/12/2015
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 “về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo”. Nghị quyết số 111/2015/QH13 có nhiều nội dung, trong đó có những nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự cần được lưu ý.


Trên cơ sở xem xét các Báo cáo số 528/BC-CP ngày 18/10/2015 của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015, Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2015, Báo cáo số 186/BC-VKSTC ngày 14/10/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2015, Báo cáo số 54/BC-TA ngày 09/10/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án năm 2015, Báo cáo số 516/BC-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, các Báo cáo thẩm tra số 2979/BC-UBTP13 ngày 15/9/2015, Báo cáo thẩm tra số 3057/BC-UBTP13 ngày 24/10/2015 của Ủy ban tư pháp của Quốc hội và ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Nghị quyết số 111/2015/QH13 nêu trên.

Nghị quyết có 04 điều, có những nội dung đề cập trực tiếp đến công tác thi hành án dân sự  nhưng cũng có những nội dung gián tiếp tác động đến công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên có thể rút ra những nội dung cơ bản sau đây liên quan đến công tác thi hành án dân sự:

Thứ nhất,  đánh giá về kết quả liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Quốc hội cho rằng năm 2015 và những năm qua, hoạt động thi hành án về cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo được những chuyển biến bước đầu quan trọng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, kết quả thi hành án dân sự có tiến bộ nhưng số án tồn đọng còn lớn cả về số vụ và số tiền phải thi hành án. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự có vụ việc còn chậm. Một số cán bộ làm công tác tư pháp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.

Thứ hai, về những yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Quốc hội tán thành với các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra và yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây trong năm 2016 và các năm tiếp theo:

- Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy Cơ quan thi hành án; tuyển dụng đủ số lượng biên chế được giao, bảo đảm chất lượng cán bộ có chức danh tư pháp, phân bổ biên chế hợp lý cho các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, công chức; tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ tiêu cực, vi phạm pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trong sạch, vững mạnh; tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

- Giao Chính phủ có giải pháp tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự, chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong cao hơn so với năm 2015 về việc và về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.

Bố trí, dự toán ngân sách hợp lý trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Cơ quan thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; đầu tư xây dựng đủ kho vật chứng, bố trí kinh phí, có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

- Giao Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, chú trọng việc kiểm sát phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, công tác thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú tại địa phương.

- Giao Toà án nhân dân tối cao có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định; hạn chế tối đa bản án, quyết định bị huỷ, sửa do vi phạm quy định của pháp luật, bảo đảm tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm không vượt quá 1,5%; nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; kịp thời hướng dẫn, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án tuyên có sai sót khi có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án phải được chuyển đến người bị đương sự theo đúng thời hạn luật định; kịp thời chuyển các hồ sơ vụ án theo đề nghị của Viện kiểm sát để phục vụ việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

Thứ ba, về bãi bỏ các chỉ tiêu về tỷ lệ thi hành án dân sự xong về việc và về tiền, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị bãi bỏ chỉ tiêu về tỷ lệ thi hành án dân sự xong về việc và về tiền được quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Thứ tư, về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Hà Minh Tuấn