Những định hướng sửa đổi, bổ sung của Luật cán bộ, công chức năm 2025

15/04/2025


Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008 (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 25/11/2019) (sau đây gọi chung là Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025). Dưới đây là một số định hướng sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật ngày 03/4/2025:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2): Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025 quy định cán bộ, công chức là những người công tác trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã).
Như vậy, ở Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025, vị trí, vai trò của công chức cấp xã sẽ có sự thay đổi, không chỉ được tuyển dụng tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà sẽ được tuyển dụng tại các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, để phù hợp với theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, tiến tới cải cách nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp xã.
2. Nội dung quản lý cán bộ, công chức (Điều 5): ở Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025, nội dung quản lý công chức được quy định chi tiết, cụ thể hơn, gồm 10 nội dung, là những mảng cơ bản trong quản lý công chức, gồm: 1. Phân cấp quản lý cán bộ, công chức; 2. Xây dựng, ban hành và quản lý vị trí việc làm; 3. Tuyển dụng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ, công chức; 4. Đánh giá cán bộ, công chức; 5. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; 6. Xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; 7. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; 8. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; 9. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; 10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ.
Trong đó nội dung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là một trong những mục tiêu tiến tới đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, công khai, minh bạch.
3. Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ (Điều 12): Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025 có 02 nội dung được bổ sung, đó là cán bộ, công chức được giao quyền tương xứng với “vị trí việc làm” nhằm phù hợp với định hướng đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Thứ hai, cán bộ, công chức “được khuyến khích, khen thưởng khi có thành tích trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và được xem xét miễn trừ trách nhiệm khi có sai sót, thiệt hại trong thực hiện”.
4. Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan đến tiền lương (Điều 13): Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025, chế độ tiền lương, tiền thưởng sẽ gắn với vị trí việc làm đảm nhận thay vì tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ (Điều 17): Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025 có 01 nội dung được bổ sung là “Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ và các đề xuất đổi mới, sáng tạo”.
6. Phân loại công chức (Điều 25): thay vì phân loại theo ngạch, bậc (chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; chuyên viên chính hoặc tương đương; chuyên viên hoặc tương đương; cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên), Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025 sẽ phân loại công chức theo cơ quan công tác (Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Công chức trong cơ quan nhà nước) và theo phạm vi hoạt động (Công chức làm việc ở các cơ quan Trung ương; Công chức làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh; Công chức làm việc ở các cơ quan cấp xã).
7. Đánh giá công chức (Điều 32): Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025 quy định thời điểm đánh giá công chức được thực hiện hàng năm. Ngoài ra để phù hợp với yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với công tác đánh giá công chức phải thiết thực, hiệu quả, gắn với sản phẩm cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung: “Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm, đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể”.
8. Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm (Điều 19, Điều 20): theo Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2025, cán bộ, công chức sẽ được phân loại theo vị trí việc làm. Cụ thể vị trí việc làm của công chức dự kiến sẽ gồm 03 nhóm: a) Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; b) Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; c) Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Đặc biệt, đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
Hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong hệ thống của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã.
Như vậy, có thể thấy những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức 2025 hướng tới mục tiêu thể chế thành luật các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ mới ban hành chưa kịp thể chế; đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với định hướng sắp xếp bộ máy hiện nay./. 
Phương Loan, Vụ TCCB