Khó khăn đầu tiên khi tổ chức thi hành các vụ việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định là đối tượng thi hành án ở đây không phải là tiền hay tài sản mà là con người. Do đó, việc cưỡng chế thi hành án rất nhạy cảm, có thể gặp phải sự cản trở, chống đối từ rất nhiều phía như gia đình, họ hàng, dư luận địa phương, thậm chí từ chính người chưa thành niên …. Thực tiễn thi hành cho thấy, mỗi vụ giao con chưa thành niên bên cạnh những khó khăn chung lại có những khó khăn riêng. Có những trường hợp người mẹ được giao con bỏ đi từ khi đứa trẻ còn nhỏ, khi cơ quan thi hành án tiến hành giao con thì đứa trẻ la hét, gào thét dứt khoát không theo mẹ; có trường hợp người phải giao con chống đối quyết liệt bằng nhiều cách như: đem con đi bỏ trốn không xác định được địa chỉ, ký biên bản tự nguyện giao nhưng khi tiến hành giao thì lại chống đối, chính quyền địa phương không ủng hộ triệt để ….dẫn đến việc thi hành án hết sức khó khăn.
Khó khăn thứ hai là việc áp dụng các quy định pháp luật vẫn còn một số bất cập.
Tại điều 120 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Điều luật đã quy định tương đối cụ thể về trình tự, thủ tục khi tiến hành giải quyết việc thi hành án giao người chưa thành niên, tuy nhiên khi áp dụng các quy định trên, chấp hành viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Thứ nhất: Căn cứ theo quy định tại điều luật trên thì trong trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng , Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Tuy nhiên khi áp dụng quy định về xử lý vi phạm hành chính thì chấp hành viên lại gặp phải khó khăn.
Tại Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự thì chấp hành viên có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ở các hình thức: phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng. Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền:Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này. Tại Khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt tương ứng với hành vi “không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng ;
Như vậy, hành vi không thực hiện việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định không thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của chấp hành viên và Chi cục trưởng chi cục Thi hành án dân sự mà thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự cấp tỉnh. Trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định, chấp hành viên phải chuyển hồ sơ để đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự cấp tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính. Việc làm này mất tương đối nhiều thời gian của chấp hành viên và các cơ quan thi hành án.
Thứ hai, khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành án
Theo Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định thông báo về thi hành án, khi Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế thi hành án thì phải thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án cho các đương sự. Do được biết trước về việc cưỡng chế nên người phải thi hành án thường đem người chưa thành niên đi bỏ trốn. Đã có rất nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án huy động lực lượng cưỡng chế đến địa điểm cưỡng chế thì không thực hiện được việc cưỡng chế do người chưa thành niên đã bị đem đi nơi khác, gây tốn kém thời gian và tiền của. Do vậy, đề nghị cần xem xét nên chăng bổ sung quy định riêng đối với biện pháp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. (tương tự như khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án) để nâng cao hiệu quả trong việc cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên.
Thứ ba, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án về tội không chấp hành án cũng rất phức tạp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Thi hành án dân sự thì khi hết thời hạn đã ấn định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính (5 ngày làm việc) mà người phải thi hành án không thực hiện thì “Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”. Do từ “ hoặc” trong điều luật nên hiện có hai quan điểm không đồng nhất hiểu về điều luật này. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chấp hành viên có thể lựa chọn việc tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc cũng có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Quan điểm thứ hai lại cho rằng , phải thực hiện cưỡng chế thi hành án trước rồi sau đó mới lập hồ sơ để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án, do đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn khi áp dụng quy định trên.
Mặt khác, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án trên thực tế là rất khó khăn. Chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều thủ tục để lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không Chấp hành án…nhưng chưa chắc được cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thống nhất giải quyết. Thực tế có những trường hợp cơ quan thi hành án phải nhiều lần gửi hồ sơ và Công văn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự ; đồng thời phải tiến hành tác động ở nhiều chiều (đề nghị chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, UBND xã đề nghị…) nhưng không có kết quả hoặc chậm có kết quả. Vì thế, pháp luật cần có quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của Chấp hành viên, để chấp hành viên có thể chủ động hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ.
Cưỡng chế thi hành án nói chung và cưỡng chế thi hành giao người chưa thành niên nói riêng là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Chính bởi vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành án đối với những vụ việc này.
Hoàng Thị Thanh Hoa, Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội