1. Pháp luật về thi hành án dân sự đã có nhiều quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, như tại Điều 24 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Nhà nước bảo đảm biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ thi hành án, ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện, trang thiết bị cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự”. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin trong thi hành án dân sự. Điều 11 Khoản 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng tải, cập nhật, bổ sung, sửa đổi, quản lý, khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về thi hành án dân sự v.v. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự là yêu cầu bắt buộc được quy định trong pháp luật về thi hành án dân sự. Mặt khác, nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng quy định các cơ quan nhà nước phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, như Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ đặt ra yêu cầu đến năm 2020 người dân, doanh nghiệp sử dụng được dịch vụ hành chính công mức độ 4 nộp thuế qua mạng.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự đã triển khai, áp dụng nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, từ quản lý, chỉ đạo, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu qua môi trường mạng và tổ chức việc thi hành án bước đầu đạt kết quả nhất định về ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự theo hướng xây dựng môi trường làm việc điện tử hiện đại, minh bạch, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian v.v. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự hiệu quả, nhiều nhiệm vụ đặt ra chưa được thực hiện hoặc chậm thực hiện, dẫn đến thông tin về thi hành án dân sự chưa đầy đủ, kịp thời, khó quản lý theo yêu cầu công tác; hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử đã được đầu tư nhưng phần lớn các văn bản trong hoạt động của các cơ quan thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự vẫn được thực hiện, trao đổi bằng hình thức giấy tờ truyền thống, gây lãng phí thời gian và chi phí; kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều công chức thi hành án dân sự còn rất hạn chế, nhất là tại các Chi cục Thi hành án dân sự.v.v. Do đó, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự để khắc phục hạn chế của lĩnh vực hoạt động này.
Công tác thi hành án dân sự bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động, với nhiều trình tự, thủ tục đòi hỏi phải thực hiện chặt chẽ, kịp thời, nhất là trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn về thi hành án dân sự và quản lý, chỉ đạo, điều hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự góp phần chỉ đạo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tổ chức việc thi hành án dân sự nhanh chóng, kịp thời, ví dụ ra quyết định thi hành án trên máy vi tính có định dạng mẫu quyết định sẵn sẽ nhanh hơn rất nhiều so với cách làm thủ công.v.v. Bởi thế, nội tại của công tác thi hành án dân sự đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời đại ngày nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Công tác thi hành án dân sự liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự sẽ đáp ứng được đòi hỏi của Nhà nước, của người dân là công khai, minh bạch hoạt động thi hành án dân sự, người dân có điều kiện tiếp cận nhanh, kịp thời thông tin về thi hành án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ và giảm thiểu chi phí cho người dân cũng như chính Nhà nước, cơ quan thi hành án dân sự. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự gióp phần giảm thiểu những khiếu nại, tố cáo của đương sự cũng như bảo vệ quyền lợi của người thứ ba tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự vì họ có điều kiện năm bát thông tin về thi hành án dân sự.
Với những lý do quan trong nêu trên và cũng là yêu cầu, đòi hỏi của Nhà nước, xã hội, người dân nên việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự là cần thiết, khách quan, cần được thực hiện trong thời gian dài nhưng phải có lộ trình cụ thể.
2. Công tác thi hành án dân sự bảo đảm cho bản án, quyết định thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự được thực thi trên thực tế. Công tác thi hành án dân sự do Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo trong phạm vi toàn quốc. Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong Quân đội. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ngoài Quân đội. Hệ thống Thi hành án dân sự ngoài Quân đội được tổ chức theo ngành dọc hiện nay gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Do đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự theo phạm vi rộng bao gồm nhiệ vụ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ, ngành hữu quan, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do thời giản có hạn nên Đề án này xác định phạm vi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự ở phạm vi do Bộ Tư pháp quản lý, chỉ đạo đối với Hệ thống Thi hành án dân sự gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, cục thi hành án dân sự và chi cục thi hành án dân sự.
Công tác thi hành án dân sự có nhiều lĩnh vực, từ thể chế, bộ máy, cán bộ, đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời kiến nghị, kiểm sát, cũng như các điều kiện bảo đảm hoạt động về trụ sở làm việc, kinh phí, phương tiện hoạt động.v.v. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự thực hiện ở phạm vi tổng thể của các lĩnh vực của công tác này, cũng như ở từng mảng hoạt động cụ thể trong công tác thi hành án dân sự. Mặt khác, công tác thi hành án dân sự đã và sẽ thực hiện trong thời gian dài sau này, do đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi phải xác định lâu dài, liên tục và có lộ trình cụ thể của từng nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin.
Vì vậy, về đối tượng, nội dung, không gian, thời gian thuộc phạm vi Đề án tập trung vào những vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật về thi hành án dân sự để nghiên cứu, phân tích, đánh giá trên cơ sở đó chỉ ra những những hạn chế và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, kiến nghị nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự giới hạn ở phạm vi do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý, chỉ đạo và thời gian chủ yếu từ 2018 - 2020 với các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự.
3. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự hoàn toàn có cơ sở.
- Về cơ sở chính trị, Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xác định “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xác định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư, để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết nêu quan điểm của Trung ương Đảng, coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rong từng ngành, từng lĩnh vực.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
- Về cơ sở pháp lý, có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự, trong đó phải kể đến các văn bản như:
+ Luật công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006.
+ Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.
+ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
+ Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
+ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
+ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
+ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
+ Thông tư số 03/2011/TT-BTP ngày 17/01/2011 của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản cho Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự.
+ Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự.
+ Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2015
+ Quyết định số 3416/QĐ-BTP ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020.
+ Quyết định số 1700/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020.
+ Quyết định số 1701/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch giai đoạn 2015-2016 triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020.
+ Quyết định số 1216/QĐ-BTP ngày 06/06/2016 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2016 - 2020.
- Về cơ sở thực tiễn, công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam được hình thành phát triển, kiện toàn qua từng thời kỳ, từng bước vượt qua những khó khăn, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước. Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh thi hành án dân sự đầu tiên được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 21/4/1993 ra đời thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Kể từ ngày 01/7/1993 Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam. Trên cở sở đó, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành soạn thảo, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là một số quy định của Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp chưa cụ thể, rõ ràng, ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đạt mục đích nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong những năm qua kết quả công tác thi hành án dân sự đã đạt được đáng khích lệ, nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được thi hành dứt điểm, tỷ lệ án về việc và tiền thi hành xong đạt tỷ lệ cao và tương đối bền vững. Riêng năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 548.913 việc, tăng 19.134 việc, đạt tỉ lệ 79,24% trên số có điều kiện thi hành (tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2016); thi hành xong về tiền 35.220 tỷ 451 triệu 525 nghìn đồng, tăng 6.136 tỷ 367 triệu 895 nghìn đồng (tăng 21,10% so với cùng kỳ năm 2016); đạt tỉ lệ 38,30% trên số có điều kiện thi hành (tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2016)
Tuy nhiên, kết quả thi hành án dân sự chưa thực sự đột phá, số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về giá trị (tổng số việc chuyển kỳ sau 320.015 việc, trong đó số việc có điều kiện là 143.849 việc; tổng số tiền chuyển kỳ sau 128.415 tỷ 619 triệu 588 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện là 56.757 tỷ 585 triệu 502 nghìn đồng); còn một số vụ án lớn chưa được thi hành hiệu quả, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; còn một số sai phạm trong việc ra quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, vi phạm về trình tự, thủ tục. Công tác tổ chức cán bộ tuy đã có chuyển biến nhưng còn một số tồn tại, hạn chế, một số mặt công tác chưa đáp ứng yêu cầu như công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ quản lý; một số đơn vị chưa kiện toàn đủ lãnh đạo. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu.v.v.
Vì vậy, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự phải thực hiện bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần đưa công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả hơn là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Lê Anh Tuấn