Khiếu nại trong Thi hành án dân sự và chế tài đối với người khiếu nại sai (không có căn cứ)

14/02/2020

Khiếu nại là quyền của công dân đã được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm thực hiện; thể hiện quyền dân chủ của nhân dân và là một trong những phương thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:



1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
 Tại khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” .
Trong hoạt động Thi hành án dân sự (THADS), khiếu nại và công tác giải quyết khiếu nại luôn được Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS quan tâm chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc trong toàn Hệ thống THADS. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại trong thi hành án dân sự và chế tài đối với người khiếu nại sai.
1. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại trong Thi hành án dân sự
Khiếu nại về thi hành án dân sự hay quyền khiếu nại về thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự; khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2016/TT-BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, theo đó “Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 02/2016/TT-BTP, người có quyền khiếu nại trong thi hành án dân sự không rộng như trong Hiếp pháp hoặc Luật khiếu nại năm 2011 là “công dân” hay “mọi người”, mà người khiếu nại trong thi hành án dân sự phải là “đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự”. “Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án” (khoản 1 Điều 3); “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự” (khoản 4 Điều 3).
Người khiếu nại có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 143 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
b) Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
d) Được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có;
e) Được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
g) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.
2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này.
Các quy định nêu trên cho thấy, người khiếu nại nếu có căn cứ cho rằng Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có hành vi,quyết định, trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại và được pháp luật bảo vệ quyền của mình; người khiếu nại phải tự mình thực hiện việc khiếu nại, trong trường hợp không thể tự mình thực hiện việc khiếu nại thì có thể ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại, điều này cũng được quy định tại Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011.
2. Chế tài đối với người khiếu nại sai
Pháp luật đã nói rõ, người khiếu nại “nếu có căn cứ cho rằng…”, các “căn cứ” được đề cập ở đây là Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan, tuy nhiên, không phải người khiếu nại nào khi khiếu nại cũng đều xác định được hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án là trái quy định pháp luật, không ít các đơn thư khiếu nại xuất phát từ việc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết thi hành án về phần quyền lợi của mình, giải quyết không theo ý mình hoặc không có lợi cho mình nên dẫn đến khiếu nại. Chính vì vậy số lượng đơn khiếu nại sai (khiếu nại không đúng, không có căn cứ) chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo thống kê năm 2019, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp nhận 4.657 đơn khiếu nại, trong đó có 2.680 đơn thuộc thẩm quyền. Trong số 2607 đơn thuộc thẩm quyền đã được giải quyết, có 1628 đơn khiếu nại (tương đương việc) là sai toàn bộ; 183 đơn khiếu nại đúng toàn bộ; 165 đơn khiếu nại đúng một phần.
Chúng ta hiểu rằng, khiếu nại là điều kiện để người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thi hành án dân sự, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực vào việc tăng cường và bảo đảm pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, việc khiếu nại sai hay khiếu nại không có căn cứ không chỉ dừng lại ở mặt tích cực nêu trên mà nó còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thi hành án và danh dự, uy tín của người bị khiếu nại.
Từ thực tiễn giải quyết khiếu nại cho thấy, các đơn thư khiếu nại ngoài nội dung khiếu nại các hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, người khiếu nại còn có các hành vi nói xấu, xúc phạm, quy chụp hành vi trái pháp luật của người bị khiếu nại, điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc (có thể dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại), uy tín của người bị khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và đến cơ quan có người bị khiếu nại.
Khi có kết quả giải quyết khiếu nại, nếu khiếu nại là đúng thì người bị khiếu nại có nghĩa vụ khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người bị khiếu nại còn bị xem xét trách nhiệm theo quy định về mặt đảng, chính quyền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Nhưng đối với người khiếu nại, nếu khiếu nại là đúng thì các quyền, nghĩa vụ bị xâm phạm được khắc phục; được bồi thường thiệt hại (nếu có), còn nếu khiếu nại là sai thì hầu như người khiếu nại không bị xử lý bằng bất cứ hình thức gì.
Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về chế tài đối với người khiếu nại sai; quy định người khiếu nại có nghĩa vụ “…chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu…” tại điểm b khoản 2 Điều 143 Luật Thi hành án dân sự là một quy định còn chưa rõ, chưa quy định hình thức xử lý cụ thể đối với hành vi khiếu nại sai. Tuy nhiên, Luật khiếu nại năm 2011 có quy định tại khoản 5 Điều 6, “nghiêm cấm hành vi cố tình khiếu nại sai sự thật”;  Điều 68 Người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”; bên cạnh đó Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 584: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, trong trường hợp khiếu nại không có căn cứ, gây tổn thất về mặt tinh thần, uy tín cho người bị khiếu nại thì người khiếu nại có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc người bị khiếu nại gửi đơn yêu cầu tòa án cấp huyện nơi người làm đơn khiếu nại đang cư trú để khởi kiện yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xúc phạm.