1. Một số khái niệm về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo pháp luật về tố tụng hình sự, tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.”
Theo pháp luật về tố tụng dân sự, tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Theo pháp luật về thi hành án dân sự, tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.”
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì:
“1. Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
2. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
3. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.”
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người được thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Người được thi hành án có các quyền:
+ Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;
+ Được thông báo về thi hành án;
+ Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
+ Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
+ Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
+ Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;
+ Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
+ Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
+ Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;
+ Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
+ Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
- Người được thi hành án có các nghĩa vụ:
+ Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định;
+ Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
+ Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.
Theo quy định tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người phải thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Người phải thi hành án có các quyền sau đây:
+ Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;
+ Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;
+ Được thông báo về thi hành án;
+ Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
+ Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của Luật này;
+ Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
+ Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này;
+ Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
- Người phải thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định;
+ Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;
+ Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
+ Chịu chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.
Do vậy, có thể hiểu rằng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án.
Theo quy định nêu trên, để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự trước hết chúng ta cần phải xác định người được thi hành án, người phải thi hành án trong bản án, quyết định; thứ hai cần căn cứ vào Điều 7,7a Luật Thi hành án dân sự quy định các quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án để từ đó làm rõ việc họ (cá nhân, cơ quan, tổ chức) có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp (không phải gián tiếp) hay không đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án.
2. Quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ trong thi hành án dân sự
Ngoài việc quy định mang tính khái niệm, định nghĩa về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự cũng đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của họ tại Điều 7b, cụ thể:
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền sau đây:
+ Được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan;
+ Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
+ Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án;
+ Thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.
Như vậy, so với các đương sự trong thi hành án dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ ít hơn. Tuy nhiên, các quyền, lợi ích hợp pháp của họ vẫn được pháp luật về thi hành án dân sự tôn trọng, bảo vệ. Cụ thể, tại Điều 5 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định: “ Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
3. Một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn
3.1. Vướng mắc tron việc phân biệt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự
Một vấn đề được đặt ra trước tiên đối với các cơ quan THADS khi xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự đó là: Liệu cơ quan THADS có thể căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự hay không? Hay nói cách khác, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự (được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án) có phải chính là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành chính bản án dân sự đó hay không?
Về vấn đề này, chúng ta có thể nhận thấy, khi một bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực và được đưa ra thi hành thì trên thực tế có 02 khả năng có thể xảy ra:
- Thứ nhất, người xuất hiện tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự nhưng không hẳn là sẽ có quyền xuất hiện với tư cách đó trong giai đoạn thi hành bản án đó, mà còn phụ thuộc vào quyền và nghĩa vụ của các bên phải thực hiện trong nội dung bản án.
Ví dụ: A cho B mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; B dùng nó để thế chấp vay vốn tại ngân hàng C, sau đó A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng thế chấp giữa B và ngân hàng C do những sai phạm trong ký kết hợp đồng thế chấp. Tòa án xác định A là bên khởi kiện, ngân hàng C là bên bị kiện; B là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên hủy hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa B và ngân hàng C, buộc ngân hàng trả lại cho A giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, với nội dung bản án trên thì ở giai đoạn thi hành án thì chỉ xuất hiện hai chủ thể là người được thi hành án là A, người phải thi hành án là ngân hàng C; còn B không xuất hiện với tư cách gì cả. B không thể là chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án buộc ngân hàng C trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình (không phải vì B là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà do B không được hưởng quyền và phải thực hiện nghĩa vụ gì như trong bản án có hiệu lực đã tuyên hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự).
- Thứ hai, người xuất hiện với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành án thì chưa chắc trước đó đã xuất hiện với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong bản án dân sự.
Ví dụ: trong bản án kiện đòi tiền cho vay, A là nguyên đơn,B là bị đơn, không có người có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nội dung bản án có hiệu lực pháp luật tuyên: A có nghĩa vụ trả cho B 30 triệu đồng. Sau khi bản án tuyên, A có đơn yêu cầu thi hành án thi hành bản án, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh vợ chồng B có tài sản có ngôi nhà trên đất. Do đó, khi tiến hành kê biên để xử lý tài sản thì mới xuất hiện chủ thể là chồng chị B tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì tài sản phải kê biên để phân chia thực hiện nghĩa vụ thi hành án của chị B có liên quan tới tài sản chung vợ chồng.
Đề xuất hướng giải quyết: Từ những ví dụ và phân tích nêu trên có thể thấy rằng: người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án không đồng nhất người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành chính bản án đó. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án có thể xuất hiện với hai tư cách là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác định trong bản án (mà bản án đó xác định họ được hưởng quyền) có đơn yêu cầu phù hợp với nội dung quyền được hưởng thì họ trở thành người được thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người được thi hành án). Nếu cơ quan thi hành án cho rằng vì bản án xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên căn cứ Điều 7b Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) mà cho rằng pháp luật không cho phép họ có quyền yêu cầu thi hành án dân sự để từ chối thụ lý là chưa chính xác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án là người thứ ba dùng tài sản của mình thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm cho khoản nghĩa vụ nhất định (khoản vay vốn, khoản trả nợ…) nhưng đến giai đoạn thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, phải xử lý tài sản thế chấp thì lúc này họ trở thành người phải thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người phải thi hành án)
Do đó, chúng ta cần phải có sự phân biệt giữa 2 khái niệm này, tránh sự nhầm lẫn: phải nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để xác định chính xác người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự.
3.2. Vướng mắc về thực hiện quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một số trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án
Điểm a khoản 1 Điều 7b Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định mang tính nguyên tắc chung, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan. Do đó, đối với từng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế cụ thể, Chấp hành viên cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật về thi hành án dân sự để xác định quyền, nghĩa vụ cụ thể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ví dụ:
Theo quy định tại Điều 76 Luật Thi hành án dân sự và Điều 21Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về khấu trừ tiền trong tài khoản thì: Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Hay theo quy định tại Điều 81 Luật Thi hành án dân sự và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ thì:
- Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản của người phải thi hành án thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.
- Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án.
3.3. Vướng mắc về thực hiện quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thông báo về thi hành án dân sự
Đây là một trong những quyền, nghĩa vụ quan trọng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự đã được ghi nhận tại các Điều 7b, Điều 39 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016. Cụ thể như sau:
Về nguyên tắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền được thông báo về thi hành án dân sự (Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án) theo các hình thức: trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có quyền được nhận thông báo về thi hành án bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác (qua điện thoại…). Việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự. Họ cũng có quyền từ chối không nhận thông báo về thi hành án dân sự, khi đó, việc thông báo sẽ được lập thành biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và được coi là hợp lệ.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết, nếu không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.
Như vậy, có thể nói việc thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, giấy tờ về thi hành án đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được quy định tương đối đầy đủ, toàn diện.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn một vướng mắc đó là: Tại khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự mới chỉ quy định về việc giao thông báo cho người thân thích của đương sự trong trường hợp đương sự vắng mặt “Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự” mà chưa quy định trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì văn bản thông báo có được giao cho người thân thích của họ hay được giao cho ai? và được thực hiện như thế nào?
Đề xuất hướng giải quyết: Để giải quyết vướng mắc nêu trên và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định tại khoản 2 Điều 12 về thông báo cho người thân thích của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ vắng mặt: “Trường hợp người được thông báo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì việc thông báo cho họ thông qua người thân thích được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự”.
3.4. Vướng mắc về thực hiện quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung khi xử lý tài sản thuộc sở hữu chung để thi hành án
Trong trường hợp tài sản để thi hành án là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án và người khác (đồng sở hữu chung) thì những người chủ sở hữu chung của khối tài sản đó được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, họ có các quyền sau đây:
Trong trường hợp tài sản thi hành án thuộc sở hữu chung nhưng chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thì theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó và người phải thi hành án có quyền tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong trường hợp tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung và tài sản chung không thể chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản nên phải xử lý toàn bộ khối tài sản chung thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó có quyền được thanh toán lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Bên cạnh đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung còn có một quyền rất quan trọng đã được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2015, đó là quyền được ưu tiên mua khi bán tài sản chung để thi hành án, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo cho chủ sở hữu chung quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định:Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản. Đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Nếu hết thời hạn ưu tiên nêu trên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì trong thời hạn 05 ngày làm việc (kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên), tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự.
Có thể nói, quy định về quyền ưu tiên mua tài sản chung của chủ sở hữu chung tại khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự cơ bản được kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự về quyền định đoạt tài sản chung (khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, việc giữ nguyên thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản kể từ ngày được thông báo hợp lệ (hơn nữa, còn quy định thêm đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ), trong khi đó, theo các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, một phiên bán đấu giá tối thiểu cần tới 30 - 45 ngày, điều này khiến cho thời hạn ưu tiên mua là quá dài, làm mất nhiều thời gian và thủ tục cho quá trình tổ chức thi hành án.
Đề xuất hướng giải quyết: Nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS trong đó có việc xem xét rút ngắn thời hạn ưu tiên mua tài sản chung; đồng thời, chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua tài sản chung ở lần đầu tiên bán tài sản để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và nâng cao hiệu quả kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trong thực tế.
3.5. Vướng mắc về thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ là cổ đông của Công ty phải thi hành án
Tại khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về quyền khiếu nại nêu rõ: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Và theo như quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự”.
Quy định là vậy nhưng việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án trên thực tế còn vướng mắc, cụ thể là trường hợp cá nhân là cổ đông, người có cổ phần trong công ty cổ phần phải thi hành án mà muốn khiếu nại thì người có thẩm quyền có ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hay không? Vướng mắc tương tự cũng xảy ra trong trường hợp người mua trúng đấu giá; người nhận chuyển nhượng tài sản kê biên thi hành án ngay tình… thì họ có được quyền khiếu nại hay không?
Về vấn đề này, hiện còn 2 quan điểm giải quyết khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng phải giải quyết khiếu nại do quyết định, hành vi bị khiếu nại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Quan điểm này phân tích: Theo khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Do đó, trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là Công ty cổ phần, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể cổ đông của Công ty có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cổ đông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của Công ty nên họ có quyền khiếu nại.
- Quan điểm thứ hai cho rằng không chấp nhận giải quyết khiếu nại vì trong trường hợp này, Công ty cổ phần có người đại diện theo pháp luật đã được các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân xác định và cổ đông là người có cổ phần nhưng cổ đông cũng không được Tòa án xem xét với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình xét xử.
Ngoài ra, qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương nhận thấy còn có trường hợp thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Ví dụ: Chấp hành viên Chi cục THADS quận A ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất của ông B (Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đứng tên ông B) để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của ông B tại Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, ông B lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà C bằng giấy sang nhượng viết tay. Khi Chấp hành viên kê biên, bà C có đơn khiếu nại Quyết định cưỡng chế kê biên của Chấp hành viên Chi cục THADS quận A. Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A đã thụ lý và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại của bà C.
Trong trường hợp này, việc Chi cục THADS quận A thụ lý giải quyết khiếu nại của bà C là không đảm bảo căn cứ pháp lý. Bởi lẽ đối tượng của khiếu nại là Quyết định cưỡng chế thi hành án của chấp hành viên không tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà C. Chấp hành viên chỉ có thể hướng dẫn bà C khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Nếu chấp hành viên không hướng dẫn bà C quyền khởi kiện và bà C có khiếu nại thì Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A mới thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Chấp hành viên.
Đề xuất hướng giải quyết: Như vậy, rõ ràng việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án hiện nay chưa có quy định cụ thể, còn vướng mắc, nhất là trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự. Do đó, cần quy định cụ thể thế nào là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền khiếu nại về thi hành án dân sự” để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự, các Chấp hành viên trong quá trình áp dụng pháp luật.
Huy Hùng – Tổng cục THADS