Có thể nói, cùng với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, thì đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để Bộ Tư pháp phối hợp cùng với các Bộ, Ngành có liên quan kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn mới cần thiết về công tác tổ chức cán bộ trong lĩnh vực thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thi hành án trong tình hình mới.
Những văn bản pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành và mới có hiệu lực gần đây quy định về ngạch công chức thi hành án dân sự; chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan thi hành án dân sự địa phương và việc thi tuyển chức danh Chấp hành viên, có thể được kể đến đó là
Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2017 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2017/TT-BTP) và Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/05/2017 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BTP). Các phần tương ứng dưới đây sẽ cung cấp một số nội dung mới cơ bản, quan trọng về công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự được quy định trong các văn bản nêu trên, bao gồm: i) Những điểm được sửa đổi, bổ sung mới của Thông tư số 03/2017/TT-BTP; ii) Nội dung các quy định mới về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự; iii) Quy định mới về chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự; và iv) Quy định mới về thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp và bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án dân sự.
Phần 1
Những nội dung được sửa đổi, bổ sung mới của Thông tư số 03/2017/TT-BTP về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự
Mặc dù pháp luật chưa có một điều khoản cụ thể nào quy định liệt kê tất cả các ngạch công chức thuộc hệ thống thi hành án dân sự, tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp các quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Điều 23, Điều 25), Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Điều 52, Điều 56, Điều 66, Điều 71, Điều 78, Điều 80, Điều 81 và Điều 82) và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự bao gồm Chấp hành viên (gồm có Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên sơ cấp); Thẩm tra viên thi hành án dân sự (gồm có Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên); Thư ký thi hành án (gồm có Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án). Ngoài các ngạch công chức chuyên môn chuyên ngành Thi hành án dân sự nêu trên, trong hệ thống thi hành án dân sự (các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, các đơn vị trực thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện) còn có các ngạch chuyên môn khác như các ngạch chuyên viên (gồm có Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính, Chuyên viên) và các ngạch Cán sự, Nhân viên được quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính; Ngạch kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự, ngạch kế toán hành chính sự nghiệp thi hành án dân sự và các ngạch văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin, tạp vụ, bảo vệ, lái xe, thủ kho vật chứng, bảo vệ kho vật chứng v.v. được quy định tại các văn bản chuyên ngành tương ứng.
Để cung cấp kịp thời các nội dung mới về công tác tổ chức cán bộ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, bảo đảm việc áp dụng thống nhất, có hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ nêu và phân tích một số quy định được sửa đổi, bổ sung mới về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, bao gồm các ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTP.
Một là, thống nhất quy định mã số ngạch và tiêu chuẩn các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự vào một văn bản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Để thuận lợi cho việc tra cứu, so sánh và áp dụng các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự cũng như đáp ứng các yêu cầu về quản lý ngành theo quy định mới của pháp luật về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các quy định về tiêu chuẩn ngạch, mã số ngạch của các ngạch công chức thi hành án dân sự (Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án dân sự) trước đây được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật khác nhau do Bộ Nội vụ hoặc Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành nay được quy định thống nhất tại 01 văn bản, đó là Thông tư
số 03/2017/TT-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành. Theo đó, Thông tư số 03/2017/TT-BTP
[1] quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, gồm ba chức danh là Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án, trong đó tùy theo yêu cầu của công việc và chuyên môn được đào tạo, được phân làm 7 mã số ngạch khác nhau đó là Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án. Tùy thuộc theo yêu cầu quản lý và công việc thi hành án dân sự mà các chức danh này được bố trí ở các cơ quan khác nhau thuộc hệ thống thi hành án dân sự. Thông tư số 03/2017/TT-BTP thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BTN ngày 28/10/2010 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Chấp hành viên và Thư ký thi hành án dân sự kể từ ngày có hiệu lực. Thông tư này thay thế cơ bản các nội dung được quy định tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự (trừ quy định tại điểm c khoản 4 ở các mục gồm Mục I, mục II và III được áp dụng cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017). Thông tư số 03/2017/TT-BTP cũng thay đổi cơ bản nội dung của Quyết định số 02/2007/QĐ-BNV ngày 01/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mã số ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự (trừ mã số ngạch Thẩm tra viên chính).
Hai là, Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định mới về khái niệm thời gian làm công tác pháp luật. Khái niệm “thời gian làm công tác pháp luật” mặc dù đã được đề cập đến trong Luật Thi hành án dân sự (ví dụ khoản 2, 3, 4, 5 và khoản 7 Điều 18) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên chưa có văn bản nào định nghĩa, nêu rõ nội hàm khái niệm và cách tính thời gian làm công tác pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự nên trong một thời gian dài việc xem xét tiêu chí thời gian làm công tác pháp luật để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và các chức danh làm công tác thi hành án dân sự trong hệ thống thi hành dân sự gặp một số khó khăn nhất định. Khắc phục những hạn chế nêu trên, Điều 2 Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định các xác định thời gian làm công tác pháp luật, cụ thể thời gian làm công tác pháp luật áp dụng trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự gồm:
i) Tổng thời gian công tác được xếp ở các ngạch: Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên ngành Tòa án, Thẩm phán; Kiểm tra viên ngành Kiểm sát, Kiểm sát viên; Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Trinh sát viên trung cấp trở lên, Cảnh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Trinh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng An ninh nhân dân; sỹ quan điều tra, bảo vệ an ninh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký thi hành án, Thư ký trung cấp thi hành án; Thanh tra viên;
ii) Thời gian giữ ngạch chuyên viên trở lên tại các vị trí việc làm có yêu cầu trình độ Cử nhân Luật đối với công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, thanh tra, tư pháp, nội vụ, nội chính, Uỷ ban kiểm tra; thời gian có bằng Cử nhân Luật, thực hiện nhiệm vụ liên quan đến kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự và giữ ngạch Kế toán viên trở lên đối với công chức trong Hệ thống thi hành án dân sự;
iii) Thời gian có bằng cử nhân luật và giữ chức vụ lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (cấp huyện trở lên);
iv) Thời gian được cấp chứng chỉ hành nghề đối với luật sư và bổ nhiệm chức danh thừa phát lại đối với thừa phát lại.
Việc liệt kê nêu trên về cách tính thời gian làm công tác pháp luật trước mắt sẽ khắc phục những vướng mắc trước đây và tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý áp dụng thống nhất cách tính thời gian làm công tác pháp luật, bảo đảm sự công bằng và khách quan trong việc xem xét bổ nhiệm các chức lãnh đạo, quản lý và chức danh thi hành án dân sự. Cách xác định thời gian làm công tác pháp luật nêu trên dựa vào các yếu tố cơ bản như thời điểm có bằng cử nhân luật cùng với thời gian công tác ở các ngạch có liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án dân sự hoặc công tác liên quan đến pháp luật. Về lâu dài, có thể nghiên cứu để đưa ra định nghĩa chung, thống nhất về thời gian làm công tác pháp luật, được quy định thống nhất trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để áp dụng chung không chỉ riêng cho hệ thống cơ quan thi hành án dân sự mà còn với các cấp, các ngành, các lĩnh vực khác nhau, bảo đảm sự bình đẳng, thống nhất trong triển khai áp dụng.
Ba là, thay đổi mã số ngạch của một số ngạch Thẩm tra viên. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định số 02/2007/QĐ-BNV ngày 01/02/2007 thì Mã số ngạch của Thẩm tra viên thi hành án dân sự là 03.230, Mã số ngạch của Thẩm tra viên chính thi hành án dân sự là 03.231, Mã số ngạch của Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự là 03.232. Nay theo quy định mới tại Thông tư số 03/2017/TT-BTP thì Mã số ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự là 03.232, Mã số ngạch của Thẩm tra viên chính thi hành án dân sự được giữ nguyên là 03.231, Mã số ngạch của Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự là 03.230.
Bốn là, quy định mới về yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ các ngạch Thẩm tra viên. Trước đây, theo quy định tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17 tháng 01 năm 2007 thì một trong các tiêu chuẩn đối với ngạch Thẩm tra viên là phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia
[2]; tương tự đối với ngạch Thẩm tra viên chính là phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia
[3]; và đối với ngạch Thẩm tra viên cao cấp là phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia
[4]. Để phù hợp hơn giữa nội dung, yêu cầu đào tạo với yêu cầu chuyên môn công việc thi hành án nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và tạo sự linh hoạt, chủ động hơn trong việc lên kế hoạch, chương trình đào tạo và cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, Thông tư số 03/2017/TT-BTP đã quy định một trong các tiêu chuẩn đào tạo đối với các ngạch Thẩm tra viên đó là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ các ngạch Thẩm tra viên tương ứng. Theo đó, một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với ngạch Thẩm tra viên cao cấp là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp
[5]; một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với ngạch Thẩm tra viên chính là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp
[6]; một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với ngạch Thẩm tra viên là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp
[7]. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, thì kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (ngày 22/05/2017) cho đến hết ngày 31/12/2017 quy định về chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia đối với các ngạch Thẩm tra viên tương ứng vẫn có hiệu lực thi hành.
Năm là, Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định rõ ràng, cụ thể và theo hướng đề cao yêu cầu về kết quả nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật đối với các chức danh chuyên ngành Thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với những chức danh cao cấp như Chấp hành viên cao cấp hoặc Thẩm tra viên cao cấp. Ví dụ, điểm k khoản 3 Điều 4 Thông tư số 10/2010/TT-BTN ngày 28/10/2010 của Bộ Nội vụ trước đây quy định về một trong các yêu cầu về năng lực đối Chấp hành viên cao cấp, đó là: “Có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết chuyên đề diện rộng thuộc lĩnh vực được giao, đề xuất những vấn đề chiến lược về công tác thi hành án dân sự, có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp tình hình hoạt động của nhiều lĩnh vực, đề xuất, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thi hành án dân sự” hoặc điểm g khoản 4 Điều này quy định về một trong các yêu cầu về trình độ, đó là: “Chủ trì xây dựng hoặc triển khai thực hiện đề án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học về công tác thi hành án dân sự được Hội đồng khoa học cấp Bộ công nhận và áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn”. Tuy nhiên, quy định này còn khá chung chung, nên quá trình triển khai áp dụng trong thực tiễn công tác tổ chức cán bộ còn gặp một số khó khăn nhất định, ví dụ chủ trì xây dựng loại đề án, đề tài, văn bản ở cấp nào, số lượng bao nhiêu, tham gia với tư cách gì, v.v. Do đó, để khắc phục những vướng mắc nêu trên, điểm h khoản 3 Điều 5 Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định cụ thể một trong các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Chấp hành viên cao cấp, đó là: Đối với công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp thì phải là người đã chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành được ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành, địa phương được nghiệm thu đạt yêu cầu hoặc chủ trì xây dựng, tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình chuyên ngành hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 02 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.
Quy định mới này đòi hỏi các chức danh chuyên môn chuyên ngành Thi hành án dân sự trong quá trình công tác ngoài nhiệm vụ phải hoàn thành công việc chuyên môn tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, còn phải không ngừng học tập, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung, đặc biệt là các khía cạnh khoa học pháp lý về thi hành án dân sự, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, tích cực đề xuất các giải pháp mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân và của Nhà nước
(Hết phần 1).