Nghề nghiệp của Thẩm phán là thực thi pháp luật được thể hiện thông qua quá trình xét xử, bao gồm việc nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án trên cơ sở khoa học, trình tự thủ tục để đưa ra các phán quyết nhân danh nhà nước. Vì vậy đòi hỏi phải thật sự khách quan, chỉ tuân theo pháp luật và tôn trọng sự thật của thẩm phán, nhưng không thể không nói là không có nhận thức cá nhân của thẩm phán. Việc lựa chọn văn bản luật, cách hiểu quy định cụ thể của điều luật, phân tích các tình tiết khách quan của vụ án phụ thuộc nhiều vào việc nhận thức của thẩm phán; trong khi đó, hiện nay có nhiều văn bản luật trong cùng một lĩnh vực, có điều luật được hiểu và nhận thức không giống nhau dẫn đến hệ quả là cùng một vụ việc, thẩm phán sơ thẩm ra một phán quyết, cấp phúc thẩm lại quyết định ngược lại cấp sơ thẩm. Dù rằng thẩm phán phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử, nhưng với đặc điểm của xét xử, hoạt động của người thẩm phán mang tính sáng tạo, thể hiện nhiều dấu ấn cá nhân.
Trong khi đó, nghề nghiệp của Chấp hành viên không phải ra những quyết định mang tính phân xử quyền lợi cho đương sự, mà nhiệm vụ của Chấp hành viên là thi hành đúng bản án. Nếu bản án tuyên A phải trả tiền cho B thì nhiệm vụ của Chấp hành viên là phải yêu cầu A thi hành nghĩa vụ của mình, trên cơ sở có yêu cầu của B và phải căn cứ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật thi hành án quy định. Thậm chí, trong trường hợp bản án tuyên sai, nhưng đã có hiệu lực pháp luật, thì về nguyên tắc, bản án đó vẫn có hiệu lực thi hành án và phải được mọi cơ quan, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang tôn trọng, những cá nhân và tổ chức liên quan phải nghiêm chỉnh thi hành; xét về một mức độ nào đó thì hoạt động của Chấp hành viên đơn giản hơn so với thẩm phán, và về lý thuyết thực hiện pháp luật thì khó có thể có sai phạm hơn trong quá trình áp dụng luật như Thẩm phán.
Tuy nhiên, dù phải thi hành đúng bản án, nhưng nếu quá trình thi hành án, Chấp hành viên bằng kiến thức của mình qua việc nghiên cứu bản án và căn cứ pháp luật nội dung và pháp luật chuyên ngành thi hành án, tự thấy bản án có sai sót hoặc nhận thấy có vi phạm trong quá trình xét xử thì trước đây, theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyền đề nghị với Thủ trưởng cơ quan Thi hành án yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu thấy có căn cứ vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện có tình tiết mới theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 16 Pháp lệnh thi hành án dân sự. Hiện nay, kế thừa Pháp lệnh là Luật thi hành án dân sự năm 2008, Chấp hành viên có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan, Phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và Điều 179 Luật thi hành án; Điều 240, Điều 382 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 1 Thông tư liên tịch số 14/2010. Để chấp hành viên làm được điều này, thì trước hết, chấp hành viên phải nắm vững pháp luật về thi hành án, có bản lĩnh nghề nghiệp, kỹ năng xuyên suốt, đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm cao trong thi hành án, có đạo đức nghề nghiệp để vừa hoàn thành nhiệm vụ theo quy định mà vừa giúp người dân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Bởi vì tranh chấp dân sự là các tranh chấp liên quan đến tài sản và những quyền lợi hợp pháp của người dân. Vì thế, việc giải quyết các tranh chấp dân sự luôn luôn gặp khó khăn, thậm chí có sự chống đối quyết liệt của đương sự. Thái độ chống đối quyết liệt này được thể hiện ngay từ khi cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Trong nhiều vụ án dân sự do Tòa án giải quyết, tòa án đã thường gặp phải thái độ không hợp tác của các đương sự. Nhiều vụ việc, đương sự còn có thái độ quá khích, chửi bới, lăng mạ, đòi đánh hoặc đe dọa tính mạng Thẩm phán… nhưng chưa hết; phải kể đến là đỉnh điểm của vấn đề là trong giai đoạn cơ quan Thi hành án tổ chức việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong thực tế, "bởi vì thi hành án là việc thực hiện trên thực tế các quyền, nghĩa vụ đã được bản án, quyết định ghi nhận"... chính vì thế, đương sự có thái độ chống đối quyết liệt hơn bao giờ hết khi thực sự họ phải từ bỏ tài sản, lợi ích... Nhiều vụ cưỡng chế phải huy động đến cả xe cứu thương, cứu hỏa, nhân viên y tế và lực lượng cảnh sát đi cùng vì sự “quyết tử” của người phải thi hành án. Nhiều vụ thi hành án, Chấp hành viên bị hành hung, bị lăng mạ, chửi bới thậm tệ, đương sự còn nằm lăn lộn ra đất ăn vạ với muôn hình vạn trạng như có vụ người nhà của đương sự là nữ khi cơ quan thi hành án đến tổ chức cưỡng chế giao nhà đã ôm chặt Chấp hành viên lăn ra đất và đòi uống thuốc tự tử..v.v
Vì thế, đặc điểm nghề nghiệp của chấp hành viên không đơn điệu mà phải có trình độ hiểu biết pháp luật chuyên sâu, phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, hiểu biết tâm lý, biết ứng xử và giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách hài hòa, đặc biệt là các mối quan hệ phải giải quyết. Không nên có thái độ vô cảm trong quá trình tổ chức việc thi hành án trong thực tiễn.
Đinh Đức Trọng
(Chi cục THADS huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận