Tham dự Hội nghị có đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác tư pháp năm 2012 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ; triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực như: đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc chỉ đạo điều hành các mặt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước; thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tiếp tục được đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ; công tác hành chính tư pháp đã đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Thi hành án dân sự được đẩy mạnh, phù hợp với xu thế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm hoàn thành đúng Chương trình công tác của ngành năm 2012, như: Chưa có những giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, tính khả thi chưa cao. Tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, nhất là việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch; công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa bàn vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chậm được đổi mới...
Phương hướng, nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2013 được xác định tập trung tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương xây dựng thể chế, trước hết là trong các lĩnh vực có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 , trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu , đề xuất sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật rường cột của hệ thống pháp luật. Xây dựng và thực hiện quy trình thống nhất trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, kết hợp có hiệu quả giữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những kết quả công tác nổi bật ngành Tư pháp đạt được trong năm 2012. Thủ tướng khẳng định, những thành tựu chung của cả nước trong năm qua là có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp. Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2012, công tác tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng cũng đề nghị, trong năm 2013 ngành Tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; gắn liền công tác xây dựng thể chế với công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường công tác triển khai theo dõi thi hành pháp luật và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền trong công tác tư pháp, hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực và trách nhiệm của bộ máy làm công tác tư pháp, cơ quan Tư pháp các cấp.
Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê