Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

23/03/2009
Hỗ trợ tài chính để thi hành án dân sự là một trong những điểm mới của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Theo quy định tại điều 33 của Pháp lệnh này thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp không có khả năng thi hành án thì được xem xét  hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo thi hành án. 


Hướng dẫn thực hiện quy định trên, nhiều văn bản pháp luật được ban hành: Quyết định số 136/2005/QĐ-TTg ngày 09/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án dân sự, Thông tư số 86/2005/TT-BTC ngày 03/10/2005 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án dân sự chỉ được áp dụng đối với những bản án, quyết định dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2004 (ngày Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực ) nhưng chưa được thi hành.

I- Về số lượng các vụ việc thuộc diện đảm bảo tài chính từ ngân sách để thi hành án gồm 07 việc, số việc và tiền thể hiện chi tiết tại phụ biểu đính kèm.

1. Từ trước ngày 01/7/2004: 06 việc

2. Từ sau ngày 01/7/2004: 01 việc.

II- Nhận xét, đánh giá:

Có thể thấy rằng, số lượng các vụ việc thuộc diện đảm bảo tài chính từ ngân sách để thi hành án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không nhiều, chiếm tỷ lệ nhỏ trong  hơn 10 nghìn việc và hơn 90 tỷ đồng mà các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên đang theo dõi giải quyết. Trong số 07 việc trên, có 01 việc đã được giải quyết dứt điểm  ( vụ UBND xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ phải thanh toán 139.859.690đ và lãi suất chậm trả cho công ty TNHH Vĩnh Thái- TP. Thái Nguyên theo bản án số 04/DSST ngày 23/6/1999 của TAND tỉnh Thái Nguyên ). Qua hơn 03 năm thực hiện quy định hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì kết quả thực hiện không như mong đợi do một số nguyên nhân sau:

Một là: Một trong những hạn chế của quy định này là chỉ áp dụng cho những vụ việc từ ngày 01/7/2004 ( ngày Luật Thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực ), còn những việc thi hành án từ trước ngày 01/7/2004 thì không áp dụng.

Hai là: Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc chưa làm hết trách nhiệm.

  Số tiền mà các cơ quan, tổ chức phải thi hành án dân sự không giống nhau, có đơn vị phải thi hành số tiền nhiều ( UBND xã Phú Thịnh phải thi hành 139.859.690đ, UBND xã La Bằng phải thi hành số tiền 131.292.000đ ), có đơn vị phải thi hành số tiền không nhiều ( Chi Cục thuế huyện Đại Từ  phải thi hành số tiền 7.383.000đ; UBND phường Tân Long, TP Thái Nguyên phải thi hành số tiền là 7.000.000đ…). Pháp luật quy định” số tiền phải thi hành án bằng hoặc lớn hơn 30% kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp trong năm của tổ chức phải thi hành án” ( điểm 2.1 khoản 2 mục II Thông tư số 86/2005/TT-BTC ngày 03/10/2005 của Bộ Tài chính ) thì mới được coi là việc thi hành án làm cho tổ chức phải thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, điều kiện làm việc và thực hiện nhiệm vụ được giao. Hầu hết các cơ quan, tổ chức hiện nay đều thực hiện cơ chế khoán chi hành chính với các biện pháp tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên. Trên thực tế, số tiền tiết kiệm được có thể thực hiện được nghĩa vụ thi hành án.

 Tuy nhiên, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra xem các đơn vị này đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tài chính cần thiết hay chưa, số tiết kiệm từ kinh phí khoán chi trong một để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là bao nhiêu  nhưng  đã xếp vụ việc này vào diện cần được hỗ trợ để thi hành án là không chính xác.

Ba là: Các cơ quan, tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm  của mình trong quá trình thi hành án mà coi đó là trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Cơ quan Thi hành án không thể tiến hành kê biên các tài sản do nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức đó để thi hành án mà không có biện pháp xử lý nào khác. Bên cạnh đó, mặc dù người phải thi hành án là pháp nhân nhưng người gây ra thiệt hại là cá nhân thì hầu hết đã về hưu, chuyển công tác khác nên trách nhiệm hoàn trả khoản hỗ trợ tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước là điều khó thực hiện. Dẫn đến quyền và lợi ích của người được thi hành án không được bảo vệ, gây mất niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

III- Một số kiến nghị:

Theo quy định của pháp luật thì những cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết theo quy định của pháp luật mà không có khả năng hoặc chỉ có khả năng thực hiện một phần nghĩa vụ thi hành án thì được hỗ trợ tài chính để thi hành án. Để thực hiện nội dung này, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1. Sửa đổi quy định hiện hành là “chỉ áp dụng cho những vụ việc từ ngày 01/7/2004 ( ngày Luật Thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực ), còn những việc thi hành án từ trước ngày 01/7/2004 thì không áp dụng”. Thực tế cho thấy, những việc đã xảy ra lâu nhưng không thi hành được càng chứng tỏ người phải thi hành án không có điều kiện, cần được hỗ trợ.

2. Cần làm rõ khái niệm như thế nào là “ đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết” quy định tại điều 65 của Luật thi hành án dân sự 2008.

3. Trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác nhận những giải trình của tổ chức phải thi hành án về nội dung, điều kiện để nhận hỗ trợ  tài chính từ ngân sách nhà nước

 

Hà Tuấn Phương – Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên