Thực tiễn công tác thi hành án dân sự đã có những việc thi hành án kéo dài nhiều năm, đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, do đốt nương làm dẫy đã bị Toà án tuyên với tội danh huỷ hoại rừng, ngoài việc xử lý hình sự bị án còn phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước giá trị lên tới trên một trăm triệu đồng, người phải thi hành án trong trường hợp này là đối tượng không có tài sản, tập quán sống du canh, du cư. Mặc dù Chấp hành viên, công chức thi hành án đã rất nỗ lực cố gắng xác minh, đôn đốc thi hành xong vẫn chỉ dừng lại ở việc xác minh theo định kỳ và xếp vào diện án không có điều kiện thi hành, để xét giảm thi hành án theo Khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự phải đảm bảo điều kiện:
“Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:
a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng”.
Nếu người phải thi hành án đã thi hành được 1/20 khoản phải thi hành theo qui định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự cụ thể:
Mức xét giảm khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
a) Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;
b) Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.
Như vậy thời gian để giải quyết dứt điểm việc thi hành án trên cũng phải kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên, để nộp 1/20 giá trị phải thi hành đủ điều kiện được xét giảm lần đầu số tiền lên tới trên 5.000.000 đồng người phải thi hành án cũng không có điều kiện để thi hành do vậy loại việc thi hành án trong trường hợp này vẫn tiếp tục tồn đọng kéo dài chưa có biện pháp để giải quyết dứt điểm; hiện nay một số Toà án địa phương ngoài hình phạt chính ra Toà vẫn áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 194 Bộ luật hình sự đối với các tội danh liên quan đến ma tuý mặc dù những đối tượng này qua xác minh thi hành án, hoàn toàn không có tài sản để thực hiện việc thi hành án vì thế số lượng án không những khó giảm mà tiếp tục phát sinh án tồn mới; ngoài ra số lượng án dân sự liên quan đến người nước ngoài tồn đọng nhiều năm nay đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết.
Giải quyết án dân sự tồn đọng là chủ trương của Đảng và Nhà nước rất cần sự chung sức của nhiều ngành đặc biệt các Cơ quan liên ngành tố tụng. Để bản án, quyết định của Toà án được thực thi trên thực tế, ngay từ khi điều tra, truy tố xét xử đến thi hành án phải có sự phối hợp chặt chẽ hạn chế thấp nhất việc phán quyết của các cơ quan tài phán đến giai đoạn thi hành án khó hoặc không thể thực thi trên thực tế; đối với các Toà án ngoài việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật còn phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, trên thực tế nhiều phán quyết của Toà án hoàn toàn không trái pháp luật song đến giai đoạn thi hành án không thể thi hành được vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân đối tượng không có tài sản, do vậy để tránh việc án dân sự tồn đọng khi quyết định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền Toà án nên xác minh, cân nhắc, xem xét đến điều kiện của người phải thi hành án; nên có quy định Toà án phải có trách nhiệm gửi lịch xét xử cho Cơ quan thi hành án và cùng phối hợp với Cơ quan thi hành án trong việc thực hiện các khoản tạm thu của đương sự ngay từ giai đoạn xét xử, coi đó là một trong những việc chấp hành nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của Toà án mà đương sự phải thực hiện và đó cũng chính là một trong những điều kiện để xét miễn giảm hình phạt cho các đối tượng, làm được như vậy sẽ hạn chế được công sức, và chi phí cho nhà nước, tránh được tâm lý coi thường pháp luật, hiệu quả của công tác thi hành án được đảm bảo; mặt khác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, Chấp hành viên cơ quan thi hành án; xem xét đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép khoanh nợ, xoá nợ đối với những người phải thi hành án thực sự có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản.
Trần Ngọc Bản
(Cục THADS tỉnh Điện Biên)