Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh: tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2012.

08/06/2012
Căn cứ Kế hoạch số 48/KH-TCTHADS ngày 09/01/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác trọng tâm năm 2012 của ngành Thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu thi hành xong đạt 85% về việc, 73% về giá trị so với số có điều kiện thi hành; giảm tối thiểu 10% về việc so với số năm 2011 chuyển sang năm 2012; phân loại án đảm bảo chính xác 100%; giải quyết xong 86% đơn đã tiếp nhận trong năm. Các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ công tác luôn bám sát kế hoạch công tác năm, đạt được một số kết quả sau:


Kết quả thi hành án dân sự:

Trong 8 tháng đầu năm 2012, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc đã thụ lý khoảng 20.265 việc với tổng số tiền xấp xỉ 751.612.277.000 đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2011 là 1.376 việc với số tiền là 235.725.904.000 đồng. Tuy nhiên, do có chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cùng sự nỗ lực phấn đấu của các Chấp hành viên, Thẩm tra viên và toàn thể công chức làm công tác thi hành án dân sự của tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2012, kết quả thi hành án dân sự của tỉnh Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, làm nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2012. Cụ thể, 8 tháng năm 2012 toàn tỉnh đã thi hành xong là 6.925 việc/13.545 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 51,13%; với số tiền là 164.328.826.000 đồng/358.196.651.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 44,8%.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân và qua đó kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị hữu quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả 8 tháng đầu năm toàn tỉnh nhận 167 đơn, đã giải quyết xong 149 đơn/167 đơn, đạt tỷ lệ 88,6%. Bên cạnh đó, để nâng cáo chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục Thi hành án dân sự cũng thường xuyên kiện toàn công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỳ cương, phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.

Mặc dù đã nỗ  lực phấn đấu, nhưng đối chiếu với chỉ tiêu được giao, thì những kết quả đạt được nêu trên chỉ ở mức khá. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất,  về khách quan, số việc thụ lý không ngừng tăng lên, trong khi biên chế không đủ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 132/141 biên chế, trong đó có 41 chấp hành viên. Như vậy, tính trung bình mỗi chấp hành viên phải tổ chức thi hành 495 việc đây là một áp lực rất lớn đối với các chấp hành viên. Theo báo cáo, số việc thụ lý của Tây Ninh hiện đứng thứ 4 toàn quốc, thứ 2 khu vực Đông Nam bộ (sau thành phố Hồ Chí Minh). Mặt khác, qua xác minh, phân loại việc thi hành án cho thấy, số việc không điều kiện luôn tăng lên, do người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án, bỏ địa phương đi nơi khác, không để lại địa chỉ nơi cư trú mới... đã ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành án dân sự trong toàn Ngành. Ngoài ra việc phát mãi tài sản thi hành án đối với tài sản có giá trị lớn cũng gặp nhiều khó khăn do không có người mua. Một số việc khác, người phải thi hành án lợi dụng sơ hở của pháp luật về thi hành án dân sự về định giá tài sản để yêu cầu định giá lại tài sản nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản cũng gây khó khắn cho việc thi hành án. Kinh phí được cấp chi cho công tác tạm ứng chi phí cưỡng chế không đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện các bản án đã thụ lý trong năm; phương tiện, trụ sở làm việc chưa được trang bị đầy đủ....

Thứ hai, về mặt chủ quan, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh nhận thấy còn một số đơn vị và Chấp hành viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, ý thức thái độ công tác thiếu tích cực; một số đơn vị và một số chấp hành viên chưa có kế hoạch cụ thể để giải quyết có hiệu quả việc thi hành án đã được phân công tổ chức thi hành; việc phân công công việc ở một số đơn vị chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu khoa học dẫn đến kết quả công tác đạt được không cao.

Do đó, trong những tháng cuối năm 2012, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự và sự vào cuộc quyết liệt các tổ chức chính trị, xã hội nhằm huy động trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của toàn ngành thi hành án dân sự vào việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ năm 2012. 

N.T.L