Giải pháp giảm án tồn đọng đối với công tác thi hành án dân sự

19/01/2015
Ngành Ngân hàng, mạnh hay yếu phụ thuộc vào chỉ tiêu nợ xấu, còn đối với cơ quan Thi hành án dân sự, mạnh hay yếu phụ thuộc vào chỉ tiêu “Án tồn đọng” chuyển sang năm sau. Trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đề cập về cải cách hành chính, cải cách Tư pháp, trong đó có việc đổi mới và nâng cao hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự. Xác định vai trò công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay là góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, do vậy Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư cả về vật chất và trình tự, thủ tục giải quyết án trong đó có các giải pháp giải quyết án tồn đọng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đối với các cơ quan Tư pháp nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.


Án tồn động, được xác định do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó dẫn đến chưa thể thi hành án dứt điểm ngay được, có vụ kéo dài nhiều năm, đó là các khoản thu cho ngân sách nhà nước, không thi hành được chuyển sang năm sau “Án chồng lên án” cần có giải pháp cụ thể, mang tính đột phá, bền vững để giảm án chuyển sang năm sau. Đối với chấp hành viên mà hai năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý, cuối năm công tác có chấp hành viên“Bỏ tiền nộp thay” thực trạng này đã diễn ra, làm cho cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự nản chí, không muốn làm chấp hành viên, bởi lẽ luôn có nhiều rủi ro.

Án tồn đọng, là những vụ việc đã có quyết định thi hành án, nhưng không thể thi hành được, kéo dài nhiều năm, gây nhiều tổn thất về tiền của nhà nước mà không mang lại hiệu quả, trong đó có cả án chủ động và án theo đơn, có vụ việc giải quyết nhiều lần không có kết quả, đương sự khiếu nại, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, người dân giảm lòng tin vào cơ quan nhà nước.

Phải thấy rằng nếu các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để, nghiêm túc trên thực tế thì nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo được sự công bằng xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội; ngược lại, nếu không thi hành có kết quả thì sẽ kìm hãm sự phát triển, mất lòng tin vào pháp luật của người dân, cho nên chỉ tiêu giảm án tồn đọng được các cơ quan Thi hành án dân sự luôn quan tâm, nhưng chưa có giải pháp bền vững, còn nhiều bất cập từ thực tiễn, cụ thể: Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trái với Hiến pháp. Bởi vì bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng quy định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định hiện nay không được bình đẳng trước pháp luật, làm cho người hiểu biết pháp luật cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nộp các khoản án phí, tiền phạt, làm thất thu cho ngân sách nhà nước, từ đó tạo ra kẻ hở của pháp luật, dẫn đến kẻ được, người mất, làm xói mòn tính nghiêm minh của pháp luật, tính giáo dục, phòng ngừa tội phạm không cao.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì đang tồn tại hai loại hình thi hành án: cơ quan Thi hành án hình sự do Bộ Công an quản lý, cơ quan Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp quản lý, việc đổi mới hoạt động Thi hành án dân sự, trong bộ máy Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Qua kinh nghiệm thực tiễn hiện nay, đơn vị hiện chiếm 65% số vụ việc này. Đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, để giải quyết giảm án tồn đọng mang tính bền vững lâu dài và thực chất, có tính khả thi cao chúng tôi kiến nghị như sau:

Một là, cơ quan có thẩm quyền nên ban hành cơ chế: Cơ quan Thi hành án dân sự giao cho cơ quan Công an cùng cấp thực hiện thu các khoản án phí, tiền phạt sung công quỹ nhà nước, số tiền thu được để lại 100% cho cơ quan thu được mua sắm tài sản, phương tiện, phục vụ lại cho công tác thi hành án hình sự và dân sự tại địa phương. Bởi vì, Công an là cơ quan tiến hành tố tụng, điều tra phát hiện tội phạm, sau khi phạm tội cũng là người trực tiếp quản lý giáo dục, cải tạo người phạm tội, đồng thời cũng là người xét đặc xá hằng năm cho các phạm nhân. Với quyền uy của cơ quan Công an thiết nghĩ với những khoản thu này chắc chắn cơ quan Công an thực hiện sẽ đạt hiệu quả hơn cơ quan Thi hành án dân sự.

Hai là, bãi bỏ Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, không xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Bởi vì, nếu thực hiện việc miễn, giảm không được bình đẳng trước pháp luật, hơn nữa tính chất phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cao hơn.

Ba là, Tòa án là cơ quan xét xử, vận dụng hoàn cảnh gia đình, điều kiện, khả năng thi hành án của bị cáo để Tòa tuyên án mức hình phạt tiền sung công quỹ nhà nước, tương ứng với khả năng kinh tế của bị cáo, đảm bảo tính khả thi, có sức thuyết phục.

Bốn là, các khoản thu án phí, tiền phạt sung công quỹ nhà nước, việc kéo dài nhiều năm mà không thể thi hành được thuộc diện miễn, giảm thi hành án không nhất thiết chuyển sang Tòa án mà Quốc hội nên ban hành quy định cơ quan Thi hành án dân sự khi thu tiền nộp vào ngân sách được để lại 50%, cho đơn vị, nhằm để nộp án phí cho các vụ việc đã tổ chức thi hành từ năm năm trở lên mà không thi hành được. Từ đó chúng ta thấy rằng “Ngân sách nhà nước” chảy vào Ngân sách nhà nước mà giải quyết được rất nhiều việc, tạo thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế miễn, giảm thi hành án.

Để phát huy tốt vai trò của Ngành Thi hành án dân sự, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải pháp trên để có bước đột phá xử lý các vụ án tồn đọng.

Huỳnh  Ngọc Thu