UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác Thi hành án dân sự
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác THADS, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 24/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS, ngày 26/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác THADS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong những năm qua, công tác THADS trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng; tổ chức, bộ máy được kiện toàn, cơ sở vật chất từng bước được tăng cường; tỷ lệ giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước, các vụ việc khó khăn phức tạp, có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài đã từng bước được giải quyết... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế như trách nhiệm và sự phối hợp của một số cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác THADS có nơi, có việc chưa tốt, chưa hiệu quả; một số vụ việc thi hành án chưa được thi hành dứt điểm, kịp thời, trong đó có vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết triệt để.
Để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác THADS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Đối với Cục THADS tỉnh cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong THADS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục về THADS; tăng cường công tác kiểm tra, tiếp nhận và giải quyết kịp thời đúng pháp luật các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về THADS; phát huy vai trò cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác THADS, chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp trong hoạt động THADS; thi hành và chỉ đạo hướng dẫn thi hành dứt điểm các vụ việc THADS khó khăn, phức tạp, kéo dài; tổng hợp kết quả các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác THADS trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng; đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho Ban chỉ đạo THADS, cơ sở vật chất cho hoạt động các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công an tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS; chỉ đạo cơ quan Công an hai cấp kịp thời xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trong cưỡng chế THADS theo đề nghị của cơ quan THADS; thực hiện tốt việc thu nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS tại trại tạm giam; kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm để tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành, tăng cường công tác kiểm sát về hoạt động và quy trình nghiệp vụ về THADS; phối hợp chặt chẽ trong việc lập hồ sơ miễn, giảm thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Đối với Tòa án nhân dân tăng cường chỉ đạo TAND hai cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Quy chế phối hợp liên ngành; kịp thời có văn bản giải thích, đính chính bản án khi có yêu cầu của cơ quan THADS.
Đối với UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo công tác THADS, trực tiếp giải quyết đối với các vụ việc phức tạp theo đề xuất của BCĐ THADS cùng cấp; yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong quá trình thực thi các bản án.
Đối với BCĐ THADS các cấp tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo giải quyết có hiệu quả đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp; trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ lớn, phức tạp có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đối với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt Quy chế liên ngành, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ khi có yêu cầu, đề nghị của cơ quan THADS; phối hợp với cơ quan THADS trong công tác vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện chấp hành nghĩa vụ THADS...
Với sự quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đặc biệt các cơ quan trong khối nội chính, trong thời gian tới công tác THADS trên địa bàn sẽ tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.