Thủ tục miễn giảm án phí, tiền phạt: Còn bất hợp lý

22/04/2008

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 30% các vụ việc thi hành án (THA) còn tồn đọng là do người phải THA không có điều kiện thi hành. Trong đó, một số hoàn toàn không có tài sản, số khác lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ. Cũng có những khoản án phí tiền phạt giá trị quá nhỏ (50 ngàn), nêu có quan THA có tổ chức thi hành thì thu cũng không đủ bù đắp chi phí thực tế. Chủ trương miễn giảm án phí, tiền phạt đã ra đời và bước đầu đạt một  số kết quả. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đã bộc lộ những điểm bất hợp lý.



Phải “mời”, đương sự mới làm đơn miễn, giảm

Theo quy định tại Nghị định 02 ngày 17/6/2005 của TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn điều kiện, thủ tục miễn giảm tiền phạt, án phí, thì một trong những điều kiện để được xét miễn, giảm là người phải THA phải có đơn, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Quy định này làm tốn không ít thời gian, công sức của cơ quan THA. Theo ông Nguyễn Đình Vượng, chấp hành viên THA Hai Bà Trưng thì khó nhất là đi tìm địa chỉ của người phải THA. Mặc dù án tuyên địa chỉ cụ thể nhưng tìm được đến nơi có khi là “địa chỉ ma”, hoặc người THA đã không còn cư trú ở địa phương đó nhưng chính quyền cũng không nắm được. Những trường hợp người phải THA có mặt ở địa phương thì để vận động họ viết được một cái đơn, lại còn ra UB xin xác nhận thật khó, bởi có những khoản án phí chỉ vẻn vẹn …50 ngàn. Cơ quan THA cần để miễn giảm chứ họ không nộp thì cũng chả ai làm gì được vì họ không có tài sản. Những trường hợp này, hướng dẫn viết đơn không được, nhiều khi chấp hành viên phải chắp bút viết hộ, rồi “mời” đối tượng ký vào. Đối với những trường hợp người phải THA đang thụ hình trong trại cải tạo thì vào đó để lấy đơn cũng…mệt không kém.

Thẩm quyền đề nghị: chưa rõ

Liên quan đến thẩm quyền đề nghị miễn giảm, theo quy định tại Thông tư 02 mỗi cơ quan có thẩm quyền đề nghị với một loại án phí, tiền phạt khác nhau. Tuy nhiên nếu trong cùng một bản án, quyết định, người phải THA phải thi hành nhiều khoản trong đó có khoản phải nộp án phí, tịch thu sung công, bồi thường cho người bị hại. Vậy nếu thuộc diện được miễn giảm khi tiến hành uỷ thác THA cấp tỉnh uỷ thác cho THA huyện thì uỷ thác tất cả hay chỉ một khoản (bởi mỗi khoản lại thuộc thẩm quyền đề nghị của mỗi cơ quan khác nhau). Về vấn đề này, đại diện THA dân sự tỉnh Bình Dương cho rằng: giả sử cứ uỷ thác cho THA huyện, thì cơ quan này sẽ lập hồ sơ đề nghị miễn giảm với khoản án phí, còn lại các khoản khác (thuộc thẩm quyền của cơ quan khác) thì tính sao? Ngược lại, nếu chỉ uỷ thác 1 khoản, còn khoản kia uỷ thác cho cơ quan khác thì có nghĩa là cùng một việc, một người lại phải THA ở 2 cơ quan khác nhau. Khó khăn cho họ và cho cả công tác theo dõi, quản lý hồ sơ của THA.

Bên cạnh đó, nếu người phải THA đủ điều kiện được miễn, giảm nhưng không xác định được nơi cư trú hoặc người phải THA là người nước ngoài không có tài sản và không còn cư trú ở VN thì cơ quan THA lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm. Tuy nhiên phát sinh trường hợp là nếu THA tỉnh đang thụ lý thi hành mới phát hiện người phải THA thuộc diện được miễn, giảm nhưng không rõ địa chỉ thì uỷ thác cho THA huyện nào? Pháp luật hiện cũng chưa có quy định về vấn đề này

Thời gian quá dài

Thời gian là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét miễn giảm THA. Theo quy định thì người phải THA sau thời hạn tối thiểu 5 năm và 10 năm (với từng trường hợp cụ thể) thì mới có cơ sở miễn, giảm. Thời hạn này, nhiều ý kiến cho rằng là quá dài. Bởi đối với một số đối tượng không có điều kiện thi hành thì 3 năm cũng thế mà lâu hơn nữa cũng vẫn vậy. Nếu cứ chờ đến đúng thời điểm đó mới xét miễn giảm, thì cơ quan THA cũng rất mệt mỏi, vì theo quy định, cứ 3 tháng họ phải lại đi xác minh điều kiện THA 1 lần. Do đó, cần quy định rút ngắn thời hạn để được xét miễn, giảm. Cũng về việc này, Trưởng THA Bến Tre Phạm Hoài Thuận lại cho rằng, cần chia ra các trường hợp cụ thể để có mức thời hạn tương ứng. Ông Thuận nêu quan điểm: Loại án phải thi hành thu tiền án phí, tiền phạt, buộc nộp sung công mà người phải THA sống lang thang, không có tài sản, không có nơi cư trú cụ thể, sau chỉ 1 năm không thu được thì miễn; đối với án phí, tiền phạt, buộc sung công quỹ mà người phải THA thực sự nghèo, không có tài sản, không có nguồn thu nhập, sau 3 năm không thu được thì miễn; đối với loại án phải thu là án phí, tiền phạt, tiền buộc nộp sung công mà người phải THA là UBND các cấp, cơ quan hành chính hoạt động bằng nguồn kinh phí dự toán ngân sách, sau 5 năm không thi hành được cũng nên miễn. Còn loại án phải thu tiền bồi thường cho cơ quan nhà nước, tổ chức mà người phải THA là UBND các cấp, cơ quan hành chính hoạt động bằng nguồn kinh phí dự toán ngân sách, sau khi áp dụng biện pháp hỗ trợ tài chính mà không thi hành được thì Chính phủ nên có chú trương để giải quyết bởi thực tế, giá trị phải thi hành trong các vụ việc này rất lớn.

Thu Hằng

Năm 2006, tổng số việc thuộc diện miễn giảm là 19.243 việc, đã đề nghị miễn, giảm là 11.162 việc, thực tế đã miễn, giảm 8125 việc

Năm 2007, tổng số việc thuộc diện miễn, giảm là 15571 việc, đã đề nghị miễn giảm 11377 việc, thực tế đã miễn giảm 7746 việc.

Tổng số tiền đề nghị được miễn giảm trong 2 năm là trên 101 tỷ đồng.