Ra quyết định thi hành án như thế nào khi Toà án tổng hợp khoản tiền phạt bổ sung của 02 bản án do hai Toà án khác nhau xét xử?

15/08/2008

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là trường hợp một người đã bị kết án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì lại bị xét xử về một hoặc nhiều tội khác.



 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 1999 phân biệt  cụ thể 03 trường hợp:  Tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này; tổng hợp hình phạt khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới hoặc tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp. Có thể tổng hợp hình phạt chính hoặc các hình phạt bổ sung. Tuy nhiên việc tổng hợp hình phạt trong thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng đơn giản, gây lúng túng cho cơ quan Thi hành án dân sự. Vụ việc dưới đây là một ví dụ:

Nguyễn Văn Cảnh, trú tại Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên đã chấp hành xong hình phạt 30 tháng tù giam về tội Tổ chức trái phép chất ma tuý theo Bản án số 03 ngày 20/01/1998 của Toà án nhân dân huyện Đại Từ nhưng chưa chấp hành xong  hình phạt bổ sung: phạt tiền 20 triệu đồng và 50.000đ án phí hình sự sơ thẩm. ( Việc thi hành án dân sự đối với khoản án phí và tiền phạt này đang do Thi hành án dân sự cấp huyện tổ chức thi hành theo quy định của Pháp luật về thi hành án dân sự ).  Ngày 19/01/2003, Cảnh bị bắt  về hành vi bán chất ma túy và  bản án hình sự sơ thẩm số 94/HSST ngày 17.5.2004 của Toà án nhân dân tỉnh  kết án:

+ Về hình phạt chính:  08 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma tuý .

+ Về hình phạt bổ sung: phạt bị cáo Nguyễn Văn Cảnh 5.000.000đ để sung quỹ Nhà nước. Với hình phạt bổ sung 20.000.000đ tại bản án số 03 ngày 20/01/1998 đối với bị cáo Nguyễn Văn Cảnh về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà bị cáo chưa chấp hành. Cần áp dụng điểm a khoản 2 điều 50 và khoản 2 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2003 để tổng hợp hình phạt bổ sung . Buộc bị cáo Nguyễn Văn Cảnh phải chấp hành hình phạt bổ sung cho cả hai bản án là 25.000.000đ ( Hai mươi lăm triệu đồng ) để sung quỹ Nhà nước.

Bản án không có kháng cáo, kháng nghị  nên có hiệu lực pháp luật, đưa ra thi hành theo thủ tục chung. Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên nhận bản án do Toà án nhân dân tỉnh T chuyển giao và ra quyết định thi hành khoản tiền phạt và án phí trong thời hạn do Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bản án để ra quyết định thi hành án thì nảy sinh vướng mắc: Ra quyết định thi hành án như thế nào đối với khoản tổng cộng tiền phạt 25.000.000đ. Bởi lẽ, Nguyễn Văn Cảnh  phải chấp hành  02 bản án do 02 cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành:

 Quyết định thi hành án thứ nhất: bản án hình sự sơ thẩm số số 03 ngày 20/01/1998 của Toà án nhân dân huyện Đ  94/HSST ngày 17.5.2004 thuộc  thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đại Từ ( điểm a khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sư cấp huyện ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a). Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. )

Quyết định thi hành án thứ hai: Bản án hình sự sơ thẩm số 94/HSST ngày 17.5.2004 của Toà án cấp tỉnh thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên.(  Điểm a khoản 31Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a). Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương )

Về vấn đề này, nảy sinh một số quan điểm:

* Quan điểm thứ nhất: Vẫn đưa ra thi hành khoản tiền phạt 25.000.000đ của bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực của Toà án nhân dân tỉnh T.

* Quan điểm thứ hai: Kiến nghị Toà án cấp trên xét xử giám đốc thẩm về khoản tổng hợp hình phạt. Việc tổng hợp bản án như vậy là chưa  chính xác, chỉ phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự. Việc ban hành quyết định về thi hành án dân sự phải tuân theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nếu ban hành quyết định thi hành khoản tiền phạt bổ sung được tổng hợp như bản án Toà án cấp tỉnh thì Quyết định thi hành án của Thi hành án dân sự huyện Đ sẽ phải giải quyết như thế nào?

Đây là một vấn đề vướng mắc trong thi hành án dân sự. Rất mong nhận được ý kiến  trao đổi./.

Hà Tuấn Phương - THADS Thái Nguyên