Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, hàng năm Bộ Tư pháp phân bổ chỉ tiêu biên chế, kinh phí và qui định số lượng chức danh cho các Cơ quan Thi hành án trên cơ sở số vụ việc thụ lý thi hành án của từng địa phương. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu cán bộ, các địa phương thực hiện việc qui hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, lập thủ tục đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, chủ động lập kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức nhằm tiếp nhận đủ biên chế Bộ phân bổ. Tuy nhiên, do tính chất công việc, các Cơ quan Thi hành án trên toàn quốc hiện nay chưa tuyển dụng đủ biên chế, nhiều địa phương còn thiếu biên chế so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp phân bổ. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác Tư pháp trong 6 tháng năm 2008 thì các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc còn thiếu khoảng 600 biên chế, nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh còn thiếu gần 10 biên chế, có địa phương còn thiếu lên đến khoản từ 20 đến 30 biên chế hoặc có thể cao hơn. Trong khi đó, hàng năm số lượng án của các địa phương liên tục tăng về số vụ việc và tiền, tài sản thi hành án. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức thi tuyển công chức nhưng sau khi thông báo thì không có người tham gia dự tuyển hoặc có nhưng rất ít so với biên chế cần tuyển. Điều này, đã làm cho nhiều địa phương lúng túng, gặp không ít khó khăn trong công tác tổ chức, cán bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng hàng năm ở các Cơ quan Thi hành án dân sự.
Một vấn đề diễn ra khá phổ biến hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường, chưa nói các sinh viên học tập có kết quả khá, giỏi ít muốn xin vào làm việc tại các Cơ quan Thi hành án dân sự. Việc này, theo tôi thì có nhiều nguyên nhân, có thể là do tính chất công việc, do thu nhập thấp hay có thể là nhiều nguyên nhân khác, nhưng dù ở nguyên nhân nào cũng phải tìm ra để có lời giải đáp, qua đó có chính sách thoả đáng đối với cán bộ, công chức, như có chế độ đãi ngộ, chế độ đặc thù nhằm thu hút cán bộ vào làm việc. Nếu để kéo dài hiện tượng này, không có giải pháp đồng bộ về chính sách cán bộ thì đội ngũ cán bộ Cơ quan Thi hành án dân sự về sau này không những thiếu về số lượng mà còn không đảm bảo chất lượng, dẫn đến hẫng hụt về đội ngũ cán bộ kế cận, yếu về năng lực chuyên môn.
Một hiện tượng khác, hiện nay người tham gia dự tuyển vào cơ quan Thi hành án dân sự chủ yếu là những người đã tham gia thi tuyển vào các ngành Viện Kiểm sát, Toà án hay ở các cơ quan khác nhưng không may “sẩy chân”, sau đó mới xin thi vào Cơ quan Thi hành án. Hay nói đúng hơn, trước khi vào công tác Cơ quan Thi hành án, họ đã được cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát tổ chức sát hạch rồi nhưng không đạt kết quả. Hoặc, có nhiều trường hợp cùng nộp hồ sơ thi tuyển ở các cơ quan trên, khi có kết quả đậu 2 ở cơ quan thì thí sinh chọn vào cơ quan Toà án hoặc Viện Kiểm sát, không vào Cơ quan Thi hành án. Hiện tượng trên, nếu cứ diễn ra liên tục như thế thì về lâu dài chắc chắn đội ngũ cán bộ thi hành án không đáp ứng yêu cầu công việc, yếu về chuyên môn, khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giao, vì đã có sự sàng lọc về trình độ và kỹ năng trước đó.
Việc sinh viên ít muốn vào làm việc trong các Cơ quan Thi hành án dân sự, theo tôi do một số nguyên nhân sau đây:
1. Công tác thi hành án dân sự là công tác phức tạp, trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản, quyền nhân thân của các bên đương sự. Nhiều vụ việc khi Cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế, kê biên, giao tài sản (hoặc có những vụ việc chỉ mới tiến hành xác minh) lại gặp phải sự chống đối quyết liệt, mặc dù việc kê biên của Cơ quan Thi hành án phù hợp với các qui định của pháp luật và đúng theo bản án, quyết định của Toà án. Có vụ việc khi tiến hành kê biên, giao tài sản, chấp hành viên, cán bộ thi hành án bị đương sự hành hung, đánh trọng thương hoặc bị nhục mạ,… Hay nói một cách khác, công việc thi hành án thường xuyên đối mặt với những khó khăn, thách thức, sự phản ứng, chống đối một cách tiêu cực từ phía các đương sự và những người có liên quan. Trong khi đó hành lang pháp lý về thi hành án còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa làm cho cán bộ, công chức thi hành án an tâm với công việc, độ an toàn thấp, rủi ro cao nếu khi thực hiện nhiệm vụ không may có sự sơ suất nhất định.
2. Kể từ khi tách và thành lập Cơ quan Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (năm 1993), Đảng và nhà nước đã có nhiều quan tâm đến công tác thi hành án và người làm công tác thi hành án, tạo điều kiện để cơ quan thi hành án thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, cùng là cơ quan pháp luật, nhưng so với các cơ quan Tư pháp khác cùng cấp (như Công an, Toà án, Viện Kiểm sát) vị thế của Cơ quan Thi hành án xem ra còn yếu thế hơn rất nhiều. Thẩm quyền được giao đối với Cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên chưa ngang tầm với nhiệm vụ và tính chất công việc, còn phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan khác.
3. Về chế độ chính sách đối với Cơ quan Thi hành án, người làm công tác thi hành án, nhất là chế độ đặc thù công việc chưa được qui định. Một số chức danh trong Cơ quan Thi hành án dân sự trực tiếp làm công tác thi hành án (cán bộ nghiệp vụ) không được hưởng phụ cấp ngành, trong khi đó các chức danh như Thư ký Toà án, cán bộ Kiểm sát được hưởng phụ cấp ngành mình (nếu so sánh khi hai người cùng ra trường, một người xin về Cơ quan Thi hành án, một người về cơ quan Toà án thì có sự chênh lệch về thu nhập). Việc này cũng là một nguyên nhân dẫn đến một hệ quả là ít người đăng ký thi tuyển để vào làm việc trong các Cơ quan Thi hành án.
Để khắc phục những nguyên nhân trên, thu hút người vào công tác tại các Cơ quan Thi hành án, bản thân có một vài đề xuất, kiến nghị sau đây:
1. Cần phải qui định thẩm quyền, địa vị pháp lý của Cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên lên ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tương xứng với các cơ quan Tư pháp cùng cấp. Pháp luật về thi hành án, nhất là các qui định về thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên phải sớm ban hành đầy đủ, thông suốt, tạo hành lang pháp lý vững chắc, an toàn, rõ ràng, minh bạch để chấp hành viên an tâm khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải có sự ổn định về tổ chức, qui định cơ quan quản lý công tác thi hành án một cách thống nhất, tập trung đầu mối, tránh qui định chồng chéo, thiếu tập trung hoặc thường xuyên thay đổi về tổ chức dẫn đến tâm lý của cán bộ, công chức bị dao động.
2. Có chính sách thu hút người tài giỏi, người có năng lực vào làm việc tại các Cơ quan Thi hành án. Để thực hiện việc này nên thành lập quỹ thu hút nhân tài từ Trung ương đến địa phương; qui định chế độ nâng lương sớm; rút ngắn thời gian đề bạt, bổ nhiệm Chấp hành viên, thẩm tra viên cũng như lãnh đạo Cơ quan Thi hành án đối với những người tài, giỏi, người có năng lực vào công tác tại Cơ quan Thi hành án dân sự.
3. Sớm qui định chế độ phụ cấp đặc thù công việc đối với người làm công tác thi hành án, phụ cấp thâm niên nghề, đồng thời phải qui định chế độ phụ cấp ngành cho các chức danh khác (cán bộ nghiệp vụ) ngoài chức danh Chấp hành viên, thẩm tra viên của cơ quan thi hành án dân sự.
Nếu thực hiện tốt những vấn đề trên, một mặt tạo được động lực mạnh mẽ đối với người làm công tác thi hành án, đảm bảo cho cán bộ, công chức thi hành án yên tâm gắn bó với công việc, yêu ngành, yêu nghề, mặt khác, sẽ thu hút được người tài giỏi, người có năng lực vào công tác tại các Cơ quan Thi hành án dân sự.
Võ Công Hoàng