Cưỡng chế THADS: Để luật pháp được thực thi

22/09/2008

Thực tế đã cho thấy, trong điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, không phải bán án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự có hiệu lực nào của TAND cũng được tổ chức thi hành một cách thuận lợi. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của người được THA, nhiều trường hợp phải áp dụng đến các biện pháp cưỡng chế.



Cưỡng chế THA trong trường hợp nào?

Trốn tránh THADS là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng án có điều kiện thi hành mà trở thành… án tồn đọng – gánh nặng lớn nhất cho công tác THADS hiện nay ở nước ta. Không những thế, việc không thi hành được còn dẫn đến tình trạng coi thường hiệu lực của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND. Vì thế, pháp luật đã có những qui định về việc cưỡng chế THA.

Theo Khoản 1,2 Điều 7 Pháp lệnh Thi hành án dân sự (THADS), những người phải THA có điều kiện thi hành mà không tự nguyện THA trong thời hạn không quá 30 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định THA) hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc THA thì chấp hành viên (CHV) có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA phù hợp với từng vụ việc.

Các biện pháp cưỡng chế THADS mà CHV có quyền áp dụng được pháp luật qui định gồm: Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải THA; Trừ vào thu nhập của người phải THA; Phong toả tài khoản, tài sản của người phải THA tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước; Kê biên xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản của người phải THA đang do người thứ ba giữ; Buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật, tài sản khác; Cấm hoặc buộc người phải THA không làm hoặc làm công việc nhất định.

Trách nhiệm bảo vệ cưỡng chế thuộc về ai?

Khoản 3 Điều 8 Pháp lệnh THADS 2004 qui định, trong trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan THA hoặc CHV. Để bảo đảm thực hiện đúng đắn và thống nhất các quy định của pháp luật về bảo vệ trật tự khi cưỡng chế THA, nâng cao hiệu quả của công tác THADS trong tình hình mới, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và VKSNDTC đã có những hướng dẫn rất cụ thể tại Thông tư liên tịch số 02 (ngày 17/9/1993).

Theo đó, cơ quan công an là lực lượng chính chịu trách nhiệm bảo vệ cho hoạt động cưỡng chế THADS. Vì thế, khi nhận được thông báo về cưỡng chế THA, cơ quan công an cần chủ động chuẩn bị phương án bảo vệ, bố trí đủ lực lượng và phương tiện cần thiết để thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, TTLT02 cũng qui định, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của CHV và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc bảo đảm trật tự và an toàn trong quá trình cưỡng chế THADS. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ bảo vệ trật tự cưỡng chế THADS, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát được quyền phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đối với người gây rối trật tự hoặc xúc phạm những người tiến hành hoặc cưỡng chế THA.

Các cơ quan hữu quan (VKSND các cấp, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ) cũng sẽ có trách nhiệm để bảo đảm cho việc cưỡng chế THA được tiến hành an toàn, có trật tự và đạt kết quả tốt, thông qua việc kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của CHV, các bên tham gia quá trình cưỡng chế THA… hay chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời để giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động cưỡng chế THADS./.

Huy Long