Theo các điều luật này xác định trách nhiệm lập thủ tục là chủ yếu là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đang tổ chức việc thi hành án. Đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (Năm trăm ngàn đồng) thì phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách, hoặc hồ sơ về các khoản án phí và khoản tiền phạt theo Điều 61 của Luật THADS đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở giải quyết và ra quyết định cuối cùng.
Về thủ tục, theo Điều 62 Luật THADS, hồ sơ xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61, bao gồm năm loại văn bản. Trong đó nổi lên yêu cầu cơ quan thi hành án chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, từ Biên bản xác minh được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm và tài liệu khác chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Theo chúng tôi nếu đặt trên quan điểm xem việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, như Điều 61 Luật THADS, hay Nghị quyết về thi hành Luật THADS, là một giải pháp nhằm giảm lượng án tồn đọng, do người phải thi hành án không có tài sản, hoặc không có điều kiện thi hành án (bộc lộ sự bất khả thi của các Bản án, quyết định của Toà án) thì cần xác định rõ và đề cao trách nhiệm của cả cơ quan Thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân cấp huyện. Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án theo đề nghị của cơ quan Thi hành án, hoặc Viện kiểm sát nhân dân; chứ không thể hiểu miễn, giảm thi hành án để tính thành tích cho cơ quan Thi hành án, hoặc cho Viện kiểm sát nhân dân. Cơ quan Thi hành án là tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thi hành, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng giám sát việc thi hành án, Toà án nhân dân quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án mà Toà án nhân dân đã phán quyết. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và chấp hành đầy đủ quy định về nội dung, thủ tục, thời hạn, trình tự giải quyết trong pháp luật hiện hành.
Đồng thời lượng việc thi hành án tại các cơ quan thi hành án cấp huyện sẽ tăng lên do cơ quan thi hành án cấp tỉnh uỷ thác việc thi hành trong diện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án mà Nghị quyết về thi hành Luật THADS và Điều 61 của Luật THADS quy định. Cấp trên quan tâm bổ sung nhân sự thì cơ quan thi hành án cấp huyện mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về nhận thức cần thống nhất về nội dung của khái niệm không có có tài sản để thi hành án, hoặc không có điều kiện thi hành án.
Người phải thi hành án rơi vào hoàn cảnh như thế nào được xác định là không có có tài sản để thi hành án, như quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự?
Theo chúng tôi cần quy định về hoàn cảnh người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án, là một trong các trường hợp sau đây :
+Người phải thi hành án chỉ có những tài sản thuộc diện không được kê biên, quy định tại Điều 87 Luật THADS;
+Người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà ở, nếu xử lý cũng chỉ đủ chi phí cưỡng chế và tiền cần trích lại để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm, như quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật THADS;
+Người phải thi hành án có những tài sản có giá trị nhỏ, nếu xử lý chỉ có thể đủ chi phí cưỡng chế;
Người phải thi hành án rơi vào hoàn cảnh như thế nào được xác định là không có điều kiện thi hành án, như quy định tại Đoạn 4, Khoản 1 Nghị quyết về thi hành Luật THADS?
Theo chúng tôi cần quy định về hoàn cảnh người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, là một trong các trường hợp sau đây :
+ Người phải thi hành án thuộc một trong các trường hợp quy định về hoàn cảnh không có tài sản để thi hành án (như nêu trên);
+ Người phải thi hành án không còn cư trú tại địa phương và cũng không tìm được nơi cư trú mới.
Trong thực tế về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản thu cho ngân sách nhà nước, thì khó nhất là đi tìm địa chỉ của người phải THA. Mặc dù án tuyên địa chỉ cụ thể nhưng tìm được đến nơi có khi là “địa chỉ ma”, hoặc người THA đã không còn cư trú ở địa phương đó nhưng chính quyền cũng không nắm được.
Ở Duy Xuyên, TAND huyện Duy Xuyên đã ra quyết định không chấp nhận đề nghị của Thi hành án dân sự huyện Duy Xuyên về việc miễn thi hành án đối với khoản án phí đối với 10 trường hợp, với số tiền án phí trên 600 ngàn đồng. Trong đó có 07 việc nhận uỷ thác, tìm không thấy tông tích và 03 việc người phải thi hành án không còn cư trú ở địa phương, tìm không ra nơi cư trú mới.
Trong các quyết định của TAND huyện Duy Xuyên có phân tích : … Xét thấy người phải thi hành án (sau đây xin víết tắc là người phải THA) không có ở địa phương trước khi Thi hành án dân sự huyện Duy Xuyên thi hành (hoặc nhận uỷ thác, hoặc không còn ở địa phương) và đến nay người phải THA ở đâu, làm gì không rõ. Do đó không xác định được điều kiện của người phải THA có phạm tội mới hay không, không xác định được người phải THA có hay có không tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án, không xác định được người phải THA có lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền còn lại theo quy định tại tiểu mục 3,5 mục 3 phần I Thông tư 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 hướng dẫn thi hành xét miễn, giảm thi hành án đối với số tiền phạt án phí.
Đây là một thực trạng do không thống nhất trong nhận thức về nội dung của quy định việc miễn, giảm thi hành nghĩa vụ thi hành án, nhất là hai khái niệm : không có tài sản để thi hành án, hoặc không có điều kiện thi hành án cần được quan tâm./.
Nguyễn Phước Huy - Thi hành án dân sự huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam