Hải Dương: Uỷ quyền sử dụng đất theo Nghị định 79/2001/NĐ-CP, lúng túng cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ

21/03/2012
Nghị định số 79/2001/NĐ-CP, ngày 01/11/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đã giải quyết được phần lớn những nhu cầu của người sử dụng đất, đặc biệt là trong tình hình xã hội hiện nay khi mà các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất ngày một đa dạng và phong phú. Tuy vậy, nếu đứng về góc độ pháp lý để nhìn nhận thì chính từ những quy định này vô hình chung tạo ra kẽ hở để các cá nhân, tổ chức có điều kiện làm thay đổi bản chất của các giao dịch đang diễn ra, và gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình. Trong phạm vi bài viết này, tôi  xin nêu và phân tích một quy định có liên quan đến việc uỷ quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất để chứng minh tầm quan trọng của việc nắm và hiểu rõ các quy định của pháp luật ngoài các quy định chuyên ngành thi hành án dân sự.


Điều 2 Nghị định số 79 quy định:

" Việc ủy quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất

1. Người được chủ hộ gia đình ủy quyền trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất là thành viên trong hộ gia đình hoặc người khác không phải là thành viên trong hộ gia đình có đủ năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Người được cá nhân ủy quyền là người đại diện cho cá nhân đó trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

3. Người được người đại diện của tổ chức ủy quyền là người đại diện cho tổ chức đó trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

4. Việc ủy quyền cho người đại diện thực hiện các quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này phải bằng văn bản.

Đối với hộ gia đình, cá nhân, văn bản ủy quyền phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú theo quy định tại Điều 48, 49, 50, 51, 52 và Điều 53 của Bộ Luật Dân sự".

Mặc dù Nghị định số 79 được ban hành dựa trên các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế, chính vì vậy một số quy định của nó vẫn có giá trị áp dụng. Đến khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời cũng đã dành hẳn một Chương với 4 Mục và 17 Điều quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất bao gồm cá nhân, hộ gia đình,.... Trong đó nổi bật và đáng quan tâm nhất là quyền được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người được uỷ quyền sử dụng đất sẽ có các quyền của người được sử dụng đất, với điều kiện là người đã uỷ quyền có quyền sử dụng đất hợp pháp và ngoài ra việc uỷ quyền còn phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về trình tự, thủ tục thực hiện uỷ quyền.

Xin đưa ra một ví dụ như sau:

Bản án số 355/2002/DSST, ngày 01/7/2002 của Toà án nhân dân Thành phố H tuyên xử buộc Nguyễn Văn A phải trả cho bà Phạm Thị V số tiền đã vay là 1,2 tỷ đồng cùng với lãi xuất chậm thi hành án.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Phạm Thị V có đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố H. Đơn yêu cầu đã được thụ lý, và Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố H ra quyết định thi hành án đồng thời phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Qua công tác xác minh điều kiện thi hành án, được biết Nguyễn Văn A đứng tên sở hữu 01 mảnh đất có diện tích 100m2 trên địa bàn Thành phố H. Tuy nhiên, ông A xuất trình Hợp đồng uỷ quyền lập ngày 01/3/2001 lập tại Phòng công chứng Nhà nước tỉnh H có nội dung Nguyễn Văn A uỷ quyền cho Vũ Văn B được toàn bộ quyền sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với quyền sử dụng thửa đất nói trên.

Ngay sau khi Chấp hành viên xác minh được thông tin nói trên, ông Vũ Văn B đã thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất cho người khác. Vấn đề đặt ra ở đây là Chấp hành viên có thể kê biên tài sản nói trên để thi hành án đối với ông A hay không? Xin phân tích 2 quan điểm trái ngược nhau để các đồng chí, đồng nghiệp tự đưa ra nhận định của mình:

Quan điểm thứ nhất, Chấp hành viên không được kê biên tài sản nói trên để thi hành án. Bởi lý do, tại Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có quy định như sau:

" Điều 6. Kê biên, xử lý tài sản để thi hành án

1. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan Thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án."

Trong vụ việc thi hành án này, xét vai trò của B không phải là người phải thi hành án mà chỉ là người được A uỷ quyền trong 1 quan hệ dân sự khác. Người phải thi hành án trong vụ việc là ông Nguyễn Văn A. Trong khi đó, B là người thực hiện việc chuyển nhượng tài sản cho người khác (mặc dù về thời điểm chuyển nhượng là sau khi có bản án số 355/2002/DSST, ngày 01/7/2002 của Toà án nhân dân thành phố H.)

Ông Nguyễn Văn A không thực hiện việc chuyển nhượng, do đó không thể áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 14 được. Điều này đồng nghĩa với việc Chấp hành viên cũng không có căn cứ để kê biên quyền sử dụng đất nói trên để thi hành nghĩa vụ đối với ông A.

Quan điểm thứ hai, Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản này. Bởi các lý do như sau:

Thứ nhất, nằm ngay trong quy định của Nghị định số 79/2001/NĐ-CP của Chính phủ, đối chiếu với việc uỷ quyền của ông Nguyễn Văn A cho ông Vũ Văn B thì ông B có toàn bộ quyền của người sử dụng đất hợp pháp thay A, quyền đó bao gồm cả việc chuyển nhượng. Do vậy, trước hết cần khẳng định rằng việc B đứng ra chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác là hoàn toàn có căn cứ và được pháp luật công nhận.

Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc uỷ quyền chỉ làm phát sinh quyền của B được thay mặt A (là chủ sở hữu) trong việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chứ không làm mất đi quyền sở hữu của A đối với tài sản đã uỷ quyền. Nói cách khác, A vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản và các giao dịch có thể được thực hiện thông qua hành vi của B. Trong trường hợp cụ thể này, có thể hiểu rằng bản chất của việc chuyển nhượng là chuyển quyền sở hữu hợp pháp từ A sang người khác nhưng thông qua hành vi của B mà thôi. Do đó, Chấp hành viên chỉ cần xác định thời điểm chuyển nhượng sau khi đã có bản án là hoàn toàn có cơ sở để kê biên tài sản này.

Như vậy, có thể nói rằng khi giải quyết một việc thi hành án nếu chỉ nhìn nhận vào những quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mà không nghiên cứu, phân tích các quy định khác ngoài hệ thống pháp luật về Thi hành án dân sự thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể trong tình huống này, Chấp hành viên cần phải có sự hiểu biết, tầm bao quát, nếu không nắm được các quy định của Bộ luật Dân sự thì tình huống này rất khó để giải quyết triệt để.

Nhìn chung, trong giai đoạn kinh tế xã hội phát triển như hiện nay, các quan hệ xã hội và các giao dịch dân sự ngày càng diễn ra phong phú về hình thức, phức tạp về tính chất. Đặc biệt là đối với các giao dịch liên quan đến bất động sản như quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, các chủ thể trong các quan hệ này luôn tận dụng mọi khả năng để thực hiện quyền của mình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, cũng chính vì điều đó kéo theo những vướng mắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự khi xử lý các tài sản là đối tượng của các giao dịch này. Bởi, hiện nay các quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự tương đối đầy đủ và chặt chẽ, đòi hỏi cơ quan Thi hành án dân sự mà trực tiếp là các Chấp hành viên khi thực hiện cần tuân thủ triệt để, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Từ tình huống thực tiễn và những phân tích nêu trên, bản thân tôi mong muốn rằng góp phần từng bước nâng cao tầm tư duy, nhìn nhận và đánh giá cũng như nhận định trong việc áp dụng pháp luật vào giải quyết một vụ việc thi hành án cụ thể của các đồng chí Chấp hành viên. Từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác thi hành án dân sự hiện nay./.

Lương Thanh Tùng (Cục THADS Hải Dương)