Trên thực tế thi hành án tại địa phương khi cưỡng chế trả nhà, giao nhà thì ngoài các tài sản cố định còn có vật nuôi như chó, mèo, chim chóc v.v., thậm chí một số đương sự còn nuôi một số động vật hoang dã như gấu, trăn, hổ.v.v. Hiện tại, Luật Thi hành án dân sự cùng các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý vật nuôi. Pháp luật về thi hành án dân sự chỉ mới quy định về việc xử lý tài sản theo Điều 126 Luật Thi hành án dân sự chứ chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp nói trên. Việc xử lý vật nuôi gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn như tổ chức, cá nhân nào có điều kiện trông giữ, bảo quản vật nuôi (trong trường hợp trên địa bàn không có trung tâm cứu hộ động vật)? Chi phí trông giữ bao nhiêu là hợp lý? động vật hoang dã có giấy phép nuôi dưỡng thì xử lý ra sao? Không có giấy phép thì xử lý như thế nào?
Mặt khác, đối với các trường hợp thuộc khoản 3 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự, sau khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày thông báo mà người có vật nuôi không đến nhận thì việc xử lý theo khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn do vật nuôi là động vật hoang dã thì không thuộc đối tượng được bán đấu giá. Do vậy, cần có quy định cụ thể, chi tiết trong việc xử lý vật nuôi khi cưỡng chế giao nhà, trả nhà để các cơ quan thi hành án áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Trong việc xử lý tài sản tươi sống, mau hỏng
Khái niệm tài sản tươi sống, mau hỏng được hiểu theo nghĩa thông thường là các loại tài sản đặc biệt mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu có thể bị nhanh chóng hư hỏng khi chịu tác động của sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm hoặc các yếu tố vât lý, môi trường khác trong một thời gian ngắn. Các loại tài sản tươi sống, mau hỏng thường gặp có thể bao gồm các loại sau đây: Thịt, cá, hải sản, rau quả tươi hoặc đông lạnh, trứng ấp, cá, cua, tôm sống (đã đánh bắt, dùng để ăn) v.v.
Hiện tại, pháp luật về thi hành án dân sự chỉ mới có quy định liên quan về tài sản tươi sống, mau hỏng ở khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2014. Nội dung điều khoản này quy định về việc Chấp hành viên xác định giá đối với các trường hợp tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng.
Trước đây tại điểm b khoản 3 mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự quy định: “Đối với tài sản thuộc diện tươi sống, mau hỏng như: rau quả, thực phẩm tươi sống... , sau khi kê biên, cơ quan thi hành án tổ chức bán ngay với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi bán tài sản và phải lập biên bản về việc bán tài sản”.
Bên cạnh đó, đối với việc bảo quản và xử lý tài sản thì tại khoản 6 và khoản 7 mục II Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24/10/1998 của Toà án nhân dân tối cao,Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự: “Vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng (như rau, quả, thực phẩm tươi sống, hoá chất...), thì cơ quan thu giữ tiến hành lập biên bản ghi rõ tình trạng vật chứng đó, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và gửi tiền vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết). Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng hoặc việc bảo quản gặp khó khăn, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào hiện trạng vật chứng, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan đang bảo quản tài sản lập Hội đồng tổ chức bán đấu giá vật chứng đó và gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu tài sản”.
Các quy định trên đã hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản tươi sống, mau hỏng một cách chi tiết, cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự có thể dẫn chiếu để áp dụng. Tuy nhiên, hiện tại hai văn bản nói trên đã hết hiệu lực. Do vậy, cần có văn bản thay thế văn bản trên để việc cưỡng chế, kê biên và công tác xử lý tài sản được thực hiện đúng, đầy đủ các trình tự, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo có thể xảy ra.
Đặng Hùng Dũng
Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh